Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 5/2015, Việt Nam đã nhập khẩu gần 40.500 ôtô nguyên chiếc với giá trị đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi về số lượng và gấp ba về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Người Việt có tiền
Tính trung bình từ đầu năm đến nay, mỗi chiếc ôtô nhập khẩu của Việt Nam đạt giá trị khá cao, trên 26.000 USD/chiếc.
Đây là mức giá tính thuế nhập khẩu tại cơ quan hải quan cửa khẩu, chưa bao gồm bất kỳ loại thuế, phí và lệ phí.
Câu hỏi đặt ra là tại sao người Việt không chờ đợi thêm thời gian nữa để mua ôtô vì theo lộ trình tham gia Hiệp định Thương mại Hàng hóa Asean (ATIGA) đến năm 2018, thuế nhập khẩu ôtô từ các nước Asean sẽ bằng 0%?
Thế nhưng, theo nhận định của ông Trương Kim Phong, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị Ford Việt Nam, việc nhập khẩu ôtô nguyên chiếc tăng mạnh chỉ là quy luật bình thường của cung - cầu.
Tính từ đầu năm đến giữa tháng 5/2015, Việt Nam nhập trên 14.000 ôtô chín chỗ trở xuống, 429 ôtô trên chín chỗ.
Đây là nhu cầu thực. Người tiêu dùng Việt Nam có nhu cầu mua ôtô tăng, các nhà nhập khẩu nhập xe về nhiều hơn.
“Khách hàng cần mua ôtô, họ có tiền vì vậy họ không thể ngồi chờ đến năm 2018 mới mua.
Nền kinh tế ổn định, sản xuất trong nước phát triển trở lại, túi tiền người dân cũng tăng theo. Họ cần ôtô để phục vụ cho đi lại, công việc kinh doanh nên họ mua thôi”, ông Phong nói.
Một nguyên nhân khác tác động đến nhập khẩu ôtô tăng mạnh được các doanh nghiệp (DN) ôtô chỉ ra là chính sách tải trọng của Bộ GTVT thực hiện rất tốt từ năm 2014 đến nay đã tạo thêm thị trường mới cho ngành.
Người tiêu dùng trong nước phải mua thêm xe mới để vận chuyển hàng hóa. Điều đó lý giải vì sao trong tổng số 40.500 ôtô nguyên chiếc nhập khẩu có tới 15.400 ôtô vận tải với giá trị đạt hơn 405 triệu USD.
Ôtô trong nước không lo
Trước sức ép của ôtô ngoại nhập, các DN sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước lại gánh nỗi lo bị cạnh tranh thị trường.
Nhưng theo ông Nguyễn Một, Giám đốc truyền thông Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco), DN tự tin cạnh tranh sòng phẳng với làn sóng xe ngoại nhập tràn vào Việt Nam không phải thời điểm này mà cả thời điểm mức thuế nhập khẩu ôtô từ các nước Asean giảm bằng 0.
Thaco có những dòng sản phẩm có thế mạnh riêng, đáp ứng các điều kiện công năng sử dụng nên luôn được khách hàng lựa chọn.
Theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành này, xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện được nhập khẩu (CKD) hay loại xe lắp ráp trong nước có một số linh kiện đã được nội địa hóa (SKD) vẫn hoàn toàn cạnh tranh được với xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Trước đây có dòng xe buýt ngoại nhập chiếm lĩnh thị trường nhưng sau này bị đánh bật bởi các dòng xe buýt được lắp ráp, sản xuất của các DN trong nước.
Vị chuyên gia này phân tích: “Giờ xe tải Trung Quốc cũng đang được Việt Nam nhập về nhiều vì nó điều chỉnh rất nhanh với quy định kiểm soát tải trọng của Việt Nam và giá lại rẻ.
Tuy nhiên, các DN lắp ráp, sản xuất loại ôtô tải trong nước sẽ có cách cạnh tranh lại nhờ lợi thế hiểu thị trường.
Những DN Việt Nam có thế mạnh trong việc nghiên cứu gia cố, tăng công năng sử dụng của xe phù hợp với địa hình và nhu cầu trong nước.
Vì vậy trong thời gian tới, ôtô tải nhập từ Trung Quốc lại bị đào thải vì chất lượng kém, không phù hợp với hạ tầng giao thông tại Việt Nam”.
Ôtô Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc chiếm ưu thế
Trong tổng số ôtô nhập khẩu nguyên chiếc của Việt Nam những tháng đầu năm, lượng xe có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm nhiều nhất.
Theo số liệu bốn tháng đầu năm 2015, lượng ôtô nhập từ nước này đạt 8.860 chiếc, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là xe tải.
Việt Nam cũng nhập nhiều ôtô bán tải từ Thái Lan, trong 4 tháng nhập gần 7.000 chiếc, tăng 165%. Đáng chú ý là dòng ôtô cỡ nhỏ, giá rẻ nhập từ Ấn Độ (5.700 chiếc, tăng 164%).
Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập ôtô nguyên chiếc từ Hàn Quốc, Nhật…