Xe bia đổ - hàng trăm người hôi của và các giả thuyết đã được đặt ra trong những ngày gần đây đã làm nóng dư luận. Có không ít ý kiến đã đưa ra lập luận và lý lẽ để hoài nghi rằng: Tiger Beer chủ động dàn xếp câu chuyện này nhằm PR, đánh bóng cho tên tuổi của mình.
Sự thực có vẻ hữu lý khi hàng chục bài báo, hàng chục ngàn like trên Facebook và các mạng xã hội bàn luận về vấn đề này. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, xét thấy nếu coi đây là "chiêu trò" nhằm đánh bóng tên tuổi của nhà hãng thì nó không có tính thuyết phục cao.
- Tiger Beer là thương hiệu vùng và nó đang hướng ra toàn thế giới. Trên quan điểm quản trị thương hiệu, đây là một tài sản lâu năm và có giá trị rất cao trước mắt và lâu dài. Trên tổng thể quản trị thương hiệu, họ không bao giờ đẩy một thương hiệu có giá trị vào hoàn cảnh rủi ro cao chỉ vì cái được bó gọn tại lãnh thổ Việt Nam. Hơn nữa, các rủi ro có thể lan ra toàn thế giới.
Nếu như vì một lý do nào đó phát hiện Tiger Beer đứng đằng sau câu chuyện này có chủ ý, thương hiệu Tiger Beer sẽ bị ảnh hưởng trên toàn vùng và toàn cầu.
Một sự kiện hoặc chiến dịch triển khai đều dựa trên các ý tưởng – concept. Các ý tưởng này cần phải phù hợp với các thuộc tính cốt lõi của thương hiệu. Chúng ta có thể thấy Tiger và Heineken của Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (VBL) đều rất nhấn mạnh tính đẳng cấp, trách nhiệm và giá trị bền vững.
- Hình ảnh những người hôi bia rất phản cảm và thể hiện sự suy đồi của đạo đức xã hội. Một chuyên gia marketing phải cân nhắc rất kỹ và khó có thể chủ động sử dụng các hành động phản cảm như vậy để truyền tải các giá trị tốt đẹp của thương hiệu. Trong trường hợp này, khả năng chủ động của Tiger Beer có thể nói là rất thấp.
- Trên phương diện chiến thuật, các sự kiện như thế này sẽ tạo ra một hiệu ứng trong truyền thông chính thống và mạng xã hội. Khi một sự kiện phản cảm xảy ra, các hình ảnh và tin bài liên quan sẽ chủ yếu truyền tải những mặt không tốt của vụ việc.
Rõ ràng, vụ việc hôi bia vừa qua đã xuất hiện hàng loạt hình ảnh chế và bài nhận xét không hay cho Tiger. Vô hình chung nó đã đẩy thương hiệu Tiger vào một mớ những thông tin hỗn độn, phản cảm.
Kiểm soát các thông tin phát sinh trong chiến dịch truyền thông là một trong những điểm quan trọng nhất đảm bảo chiến lược truyền thông đi đúng vào đối tượng khách hàng mong muốn. Để kiểm soát thông tin phát sinh cách tốt nhất thông tin khởi đầu phải mang tính chất tích cực. Chính quan điểm này là yếu tố thứ ba khiến người ta không tin rằng Tiger Beer chủ động bày ra chiêu trò nhằm hâm nóng tên tuổi của mình.
- Yếu tố thứ tư chính là đối tượng truyền thông của sự kiện này không rõ ràng khi nó nhắm tới toàn bộ xã hội Việt Nam. Tiger Beer đã có mặt và liên tục quảng cáo trong gần 20 năm qua. Chiến lược thương hiệu của Tiger Beer chủ yếu nhằm duy trì và khắc sâu các thuộc tính thương hiệu – Brand Attribute thay vì tăng độ nhận biết thương hiệu trên thị trường. Nếu như Tiger Beer là thương hiệu mới xâm nhập, kịch bản này có thể có áp dụng.
- Cuối cùng, trong những năm gần đây, thương hiệu Tiger đã được định hình trên thị trường Việt Nam. Chi phí quảng cáo cho Tiger Beer tập trung nhiều hơn cho các điểm bán và khách hàng cuối cùng - người uống bia. Do vậy hoạt động quảng cáo trên diện rộng như sự kiện hốt bia sẽ không phù hợp với những gì Tiger Beer đang thực hiện.
Khả năng Tiger Beer và VBL chủ động bày ra màn kịch sự kiện hốt bia rất ít vì nó chạm tới những điều thiêng liêng nhất của văn hóa dân tộc - Tử tế và tự trọng.
Câu chuyện quan trọng kế tiếp đó là Tiger Beer và VBL có chủ động sử dụng sự kiện này để truyền thông một cách tốt đẹp những giá trị thương hiệu cốt lõi của VBL hay không. Đây là điều mà chúng ta mong muốn chứng kiến trong những ngày gần đây.