Có trụ sở ở Seoul, Samsung là một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc.
Từ khi thành lập năm 1938 đến nay, tập đoàn này đã làm nên nhiều kỳ tích. Samsung có tầm ảnh hưởng to lớn đến nhiều mặt trong đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của Hàn Quốc.
Tính đến đầu 2014, Samsung có mặt ở tổng cộng 90 quốc gia với 673 văn phòng trên toàn cầu với tổng cộng 425 nghìn nhân viên.
Ngôi sao sáng nhất trên bầu trời Hàn Quốc
Samsung được sáng lập bởi Lee Byung-chul năm 1938, khởi đầu là một công ty buôn bán nhỏ.
3 thập kỉ sau, tập đoàn Samsung đa dạng hóa các ngành nghề bao gồm chế biến thực phẩm, dệt may, bảo hiểm, chứng khoán và bán lẻ.
Samsung tham gia vào lĩnh vực công nghiệp điện tử vào cuối thập kỉ 60, xây dựng và công nghiệp đóng tàu vào giữa thập kỉ 70.
Sau khi Lee mất năm 1987, Samsung tách ra thành 4 tập đoàn - tập đoàn Samsung, Shinsegae, CJ , Hansol.
Từ thập kỷ 90, Samsung mở rộng hoạt động trên quy mô toàn cầu, tập trung vào lĩnh vực điện tử, điện thoại di động và chất bán dẫn, đóng góp chủ yếu vào doanh thu của tập đoàn.
Những chi nhánh quan trọng của Samsung bao gồm Samsung Electronics (công ty điện tử lớn nhất thế giới theo doanh thu, và lớn thứ 4 thế giới theo giá trị thị trường năm 2012), Samsung Heavy Industries (công ty đóng tàu lớn thứ 2 thế giới theo doanh thu năm 2010), Samsung Engineering và Samsung C&T (lần lượt là công ty xây dựng lớn thứ 13 và 36 thế giới).
Những chi nhánh chú ý khác bao gồm Samsung Life Insurance (công ty bảo hiểm lớn thứ 14 thế giới), Samsung Everland (quản lý Everland Resort, công viên chủ đề lâu đời nhất Hàn Quốc), Samsung Techwin (công ty không gian vũ trụ, thiết bị giám sát, bảo vệ) và Cheil Worldwide (công ty quảng cáo lớn thứ 16 thế giới theo doanh thu năm 2011).
Samsung Electronics là cấu phần lớn nhất của Samsung.
Các công ty con của Samsung chiếm 20% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của cả nước, trong khi doanh thu của tập đoàn tương đương 17% GDP của Hàn Quốc.
Với những thành tựu và đóng góp như vậy, Samsung luôn được biết đến là niềm tự hào của xứ sở Kim Chi.
Các sản phẩm của Samsung xuất hiện mọi nơi, mọi lúc trong cuộc sống của người dân Hàn Quốc. Đây cũng là động lực chính đứng sau “Kỳ tích sông Hàn” làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc.
Samsung đang làm gì ở Việt Nam?
Có mặt tại Việt Nam gần 20 năm kể từ năm 1996, tính đến cuối 2014, Samsung đã đầu tư vào Việt Nam với tổng số tiền là 12,6 tỷ USD.
Trong đó, riêng Samsung Electronics là 8,9 tỷ USD, bao gồm dự án sản xuất ĐTDĐ ở Thái Nguyên (5 tỷ USD), ở Bắc Ninh (2,5 tỷ USD).
Ngoài ra, Sáng ngày 19/5, tập đoàn này chính thức khởi công xây dựng Khu phức hợp Điện tử gia dụng Samsung (SEHC) tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP).
Dự án có vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, chính thức được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 10/2014.
Tính riêng năm 2014 Samsung đã đầu tư thêm 5,4 tỷ USD, chiếm 31% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam tính tới cuối tháng 11/2014.
Các nhà máy của Samsung Việt Nam được đặt tại 2 Khu tổ hợp là Samsung Electronics Việt Nam (SEV) với diện tích 110ha ở Yên Phong, Bắc Ninh; và Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) với diện tích 170ha ở Phổ Yên, Thái Nguyên.
SEV và SEVT đều sản xuất và lắp ráp điện thoại di động, máy tính bảng và linh kiện điện thoại, chủ yếu dùng cho xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Tổng cộng các nhà máy Samsung tại Việt Nam hiện cung cấp 30% tổng sản lượng điện thoại Samsung bán ra trên toàn cầu.
Theo báo cáo của Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, tháng 7/2015 tổng số nhân lực làm việc tại các nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên là hơn 100.000 người.
Nhưng do có thêm nhiều model mới của các dòng điện thoại và thêm nhiều đơn đặt hàng nên Samsung Việt Nam đã tuyển dụng thêm rất nhiều nhân lực.
Hiện tổng số nhân lực làm việc cho các nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đã tăng lên hơn 110.000 người.
Ngoài ra, Samsung Việt Nam còn có 1 Trung tâm R&D (Nghiên cứu và phát triển) đặt tại Hà Nội với hơn 1.400 nhân viên.
Gần đây, Samsung cũng tiếp tục đầu tư mở rộng tại Việt Nam sau khi UBND tỉnh Bắc Ninh vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án mở rộng cho Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam với tổng vốn 3 tỷ USD, đầu tư vào nhà máy chuyên nghiên cứu và phát triển, sản xuất các loại màn hình thế hệ mới, độ phân giải cao cho thiết bị di động…
Tại TP.HCM, cũng vừa động thổ dự án 1 tỷ USD cho Khu phức hợp điện gia dụng tại TP.HCM, dự kiến tháng 2 - 3/2016 sẽ đi vào sản xuất.
Thời gian hiện tại, tập đoàn Samsung nói chung và mảng sản xuất điện thoại thông minh nói riêng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chính là do sự cạnh tranh khốc liệt từ phía những nhà sản xuất giá rẻ như Xiaomi và thành công vượt bậc của Apple.
Tuy nhiên, điều này dường như không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch đầu tư, mở rộng của tập đoàn. Cụ thể, ngoài mảng điện tử truyền thống, Samsung cho biết tới đây tập đoàn sẽ mở rộng sang nhiều lĩnh vực đầu tư khác tại Việt Nam.
Trong đó có dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 3 tại Hà Tĩnh, với tổng vốn đầu tư dự kiến 2,45 tỷ USD. Bên cạnh đó, Samsung cũng rất quan tâm tới các dự án giao thông tại Việt Nam, cụ thể là dự án sân bay Long Thành.
Ngoài ra, lĩnh vực vận tải biển, bất động sản hay công nghệ thông tin cũng hứa hẹn có sự góp mặt của nhà đầu tư Hàn Quốc này.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tổng số vốn đầu tư vào các lĩnh vực trên tại Việt Nam của Samsung đến năm 2017 có thể tăng lên 20 tỷ USD.
Với sự hiện diện lâu năm của mình, Samsung luôn nhận được sự ưu ái nhất định từ phía Việt Nam.
Thậm chí, trong một buổi hội thảo mới đây, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) còn khẳng định rằng "Samsung hay các doanh nghiệp FDI khác có những đóng góp quan trọng phát triển kinh tế Việt Nam thì được coi là hàng Việt Nam".
Dĩ nhiên, khái niệm "hàng Việt Nam" kể trên sẽ cần phải được đánh giá trên nhiều khía cạnh khác.
Tuy nhiên, với những đóng góp về mặt cung cấp việc làm, đóng góp vào GDP, tăng xuất khẩu thì sự hiện diện của Samsung tại Việt Nam vẫn là tín hiệu đáng mừng.