Thế nhưng, dự án này thi công ì ạch và hiện vẫn đang “giậm chân tại chỗ”. Trong khi, việc áp giá bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất quá thấp khiến nhiều người dân mất lòng tin, khiếu kiện kéo dài...
Hỗ trợ 6.500 đồng/m2 11 hộ dân tại thôn Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn (trong tổng số 51 trường hợp bị ảnh hưởng dự án với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ gần 2,1 tỉ đồng) liên tục có đơn khiếu nại cho rằng giá đền bù, hỗ trợ đất khu vực gành Bà quá thấp, chưa thỏa đáng.
Ông Nguyễn Hữu Sai bức xúc nói: “Đất ở khu vực gành Bà thuộc dự án là do người dân khai phá từ sau giải phóng, đã trồng phi lao, cây ăn quả, hoa màu... Trong đó, đa số hộ dân trồng trong những năm 1980 và nhà ở đã được xây dựng trong giai đoạn 1994-2003. Gia đình tôi đã đo đạc gần 1.400m2, hiện vẫn chưa nhận tiền vì giá bồi thường quá thấp.
UBND huyện xác định đây là đất rừng phòng hộ ven biển nên chỉ hỗ trợ theo mức 3.000-5.000 đồng/m2. Sau khi bà con khiếu nại, UBND tỉnh nâng mức hỗ trợ lên 6.500 đồng/m2. Dù vậy, tiền hỗ trợ mỗi mét vuông đất cũng không mua nổi... một ổ bánh mì thì người dân khó có thể chấp nhận được”.
Trước nhiều khiếu kiện và vướng mắc về công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Phú Yên, UBND huyện Tuy An đã nhiều lần họp, đối thoại với người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án khu du lịch bãi Xép. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - ông Trần Quang Nhất - thừa nhận, một số bà con đã tự khai hoang đất gành Ông, gành Bà thuộc khu du lịch sinh thái từ những năm 1975.
Nhưng do đất cằn cỗi, sản xuất không hiệu quả nên bà con đã bỏ hoang nhiều năm. Do vậy, Nhà nước không bồi thường về đất là phù hợp với quy định của Luật Đất đai. “Tuy nhiên, xét các hộ dân trước đây đã có công khai hoang đất tại khu vực này và hiện có đời sống kinh tế khó khăn, UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ thêm cho những trường hợp bị ảnh hưởng thu hồi đất” - ông Nhất nói.
Khó “ép” dân nhận tiền hỗ trợ quá thấp! Từ việc xác định loại đất, áp giá bồi thường, hỗ trợ đất bị thu hồi không thỏa đáng, đa số người dân khiếu kiện đã bất hợp tác với ngành chức năng khi thực hiện đo đạc quy chủ đất tại thực địa gành Bà. Do vậy, đến nay, đơn vị chức năng mới xác định được 3 hộ có diện tích đất thu hồi ở gành Bà là 10.249m2. Hiện vì chưa có sự thống nhất ranh giới, có khả năng dẫn đến tranh chấp sau này, nên chủ đầu tư chưa thể chi trả tiền hỗ trợ.
Cũng do bất đồng về giá đền bù, bồi thường, thời gian qua người dân ở đây có một số phản ứng thái quá như đốt một nhà dù trong khu du lịch; khoét lỗ tường rào, đập phá đổ sập bức tường mới xây bao bọc khuôn viên dự án; dùng cưa sắt cưa phá khóa cổng vào khu du lịch, gây phiền hà đến du khách, nhất là làm cho khách nước ngoài tắm biển ở đây hoảng sợ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.
Ông Bùi Được đã có đơn khiếu nại đến UBND tỉnh, cho rằng: “Một số người dân tham gia đập phá tài sản của doanh nghiệp là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, chính quyền địa phương phải xem xét lại công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho phù hợp thực tế, chứ khó “ép” dân nhận tiền hỗ trợ đất quá thấp như vậy!”.
Bà Trần Thị Tâm - Phó TGĐ Cty Sao Việt - đơn vị chủ đầu tư DA bãi Xép - bày tỏ: “Công tác đền bù và áp giá bồi thường là do địa phương thực hiện. Cty chỉ hỗ trợ kinh phí và mong muốn UBND tỉnh sớm giải quyết vụ việc để dự án có thể triển khai các bước tiếp theo”.
Theo ông Nguyễn Phụng Ngoạn - quyền Chủ tịch UBND huyện Tuy An, việc giải quyết các vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đang gặp khó khăn. Huyện tiếp tục vận động bà con đo đạc đất ở gành Bà để có cơ sở hỗ trợ theo thông báo số 267 của UBND tỉnh.