Hiện tại trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam có 3 doanh nghiệp đang kinh doanh liên quan đến cung cấp các thiết bị y tế là Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC), Tổng Công ty cổ phần Y tế Danameco (DNM) và CTCP Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (AMV).
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này hiện nay đang rất khó khăn. Hai trong ba doanh nghiệp là JVC và AMV đang rơi vào tình trạng cảnh báo và kiểm soát đặc biệt của Sở giao dịch do tình hình kết quả kinh doanh không tốt và vi phạm trong việc công bố thông tin.
JVC hoạt động trong lĩnh vực này từ năm 2001, với doanh thu từ cung cấp thiết bị y tế chiếm tỷ trọng 95% trong tổng nguồn thu của doanh nghiệp. Với DNM, địa bàn của công ty này được thùa kế từ đơn vị tiền thân là trạm vật tư y tế Quảng Nam - Đà Nẵng nên chỉ gói gọn trong khu vực miền Trung cùng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM.
Riêng AMV hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sinh phẩm chẩn đoán y tế với những sản phẩm khá đặc biệt, nổi bật là dụng cụ test thử ma túy, và các loại dụng cụ chuẩn đoán Viêm Gan B, HIV, ung thư...
JVC đạt kết quả kinh doanh kết quả khá tốt trong giai đoạn 2010-2014, khi tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của công ty trong giai đoạn này đạt lần lượt là 27% và 30%. Tuy nhiên, sau khi thông tin chủ tịch Lê Văn Hướng bị tạm giam vì liên quan đến một số sai phạm cá nhân, hoạt động kinh doanh của công ty đã giảm sút. Năm 2016, công ty báo cáo lỗ khoảng hơn 1.300 tỷ. Tháng 8/2016, công ty cũng bị đưa vào diện cảnh báo do chậm công bô thông tin.
Thành lập từ năm 2002, quy mô kinh doanh của AMV nhỏ hơn so với JVC và DNM, doanh thu hàng năm của công ty chỉ dưới 10 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 2011-2015, công ty kinh doanh thua lỗ kéo dài, chỉ khởi sắc hơn vào năm 2016 khi đạt gần 1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lỗ lũy kế ở mức 9 tỷ đồng.
Khác với JVC và AMV, hoạt động kinh doanh của DNM khá ổn định nhờ vào thị trường ngách. Tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm của công ty trong giai đoạn 2010-2016 đạt khoảng 4%, trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng trưởng bình quân cao hơn, khoảng hơn 16% mỗi năm. Trong năm 2016, doanh thu của công ty đạt 226 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng khoảng 15 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 23% và 3% so với 2015.
Kết quả kinh doanh của 3 doanh nghiệp kinh doanh thiết bị y tế đang niêm yết trên sàn trong giai đoạn 2010-2016 (ĐVT: triệu đồng)
Từ đầu năm 2017 đến nay, giá cổ phiếu của 3 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực biến động không cùng chiều. Trong khi, JVC và DNM giảm gần 20%, thì cổ phiếu AMV lại tăng gần 90% trong 6 tháng đầu năm 2017.
Nguyên nhân cổ phiếu AMV tăng mạnh trong 5 tháng đầu 2016 được giải thích là kết quả kinh doanh quý I/2017 của công ty tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, đạt hơn 560 triệu đồng so với mức chỉ 35 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái. "Luồng gió" mới từ ban lãnh đạo cũng là nguyên nhân khiên nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng tốt hơn về cổ phiếu này.