Kinh doanh ế ẩm, chủ nhà phố cổ lần đầu 'xuống nước' giảm giá thuê

Lam Châu |

Đây là lần đầu tiên các chủ nhà phố cổ phải đàm phán giá thuê với khách dù trước nay họ sẽ là bên lựa chọn khách thuê trả giá cao nhất.

Dịch bệnh kéo dài đã khiến tình hình kinh doanh, dịch vụ giảm sút, nhiều khách thuê đã phải trả mặt bằng, kéo theo đó là tỷ lệ mặt bằng trống tại các trung tâm thương mại và các vị trí đắc địa như phố cổ gia tăng rõ rệt.

Theo số liệu của Savills Việt Nam, có khoảng 50% đơn vị bán lẻ có mức doanh thu sụt giảm trên 50% trong và sau giai đoạn COVID - 19 bùng phát đợt 1.

Bên cạnh đó, đại dịch cũng đã tác động đến thu nhập cũng như tâm lý tiêu dùng của khách hàng, nguồn cầu ở hầu hết các mặt hàng bán lẻ đều giảm, các công ty và đơn vị bán lẻ hiện không thể tiếp tục kế hoạch mở rộng quy mô.

Theo ông Lê Tuấn Bình, Trưởng Bộ phận Cho thuê thương mại của Savills, mặt bằng bán lẻ khu phố cổ Hà Nội nhiều tháng qua đã phải chịu cảnh treo biển nhưng chẳng ai thuê, vị trí "vàng" có thể giảm tương đương 30-40% nhưng vẫn không cải thiện được tình thế.

Ông Bình cho biết, để đối phó với tình hình hiện nay, các chủ nhà phải nhìn nhận mặt bằng cho thuê của mình đúng theo mặt bằng chung của thị trường theo hai điểm:

Thứ nhất là giá thuê, hầu hết các chủ nhà tại phố cổ chưa từng gặp trường hợp phải đi đàm phán giá thuê với khách thuê, họ sẽ là bên lựa chọn khách thuê trả giá cao nhất. Song, hiện các chủ nhà ở phố cổ đang tích cực đưa ra các phương án giá phù hợp hơn với thị trường.

Thứ hai là cần có sự linh hoạt hơn về phương án cho thuê, có thể là về mặt bằng cho thuê. Trước đây các chủ nhà cho thuê có rất ít các phương án cho thuê mặt bằng, thế nhưng hiện nay đã có sự linh hoạt hơn khi chia diện tích mặt bằng thành các diện tích nhỏ, để khách thuê có thể lựa chọn.

Kinh doanh ế ẩm, chủ nhà phố cổ lần đầu xuống nước giảm giá thuê - Ảnh 1.

Tình hình kinh doanh của các cửa hàng tại phố cổ ảm đạm do vắng khách du lịch

Về phía các trung tâm thương mại , ngay từ đầu đại dịch đã có nhiều "chủ nhà" đưa ra các gói hỗ trợ lớn cho khách thuê, tuy nhiên lượng gian hàng trống vẫn tăng lên từng ngày. Nguyên do được Savills lý giải đó là nhiều đơn vị bán lẻ nhận thấy tiềm năng của lĩnh vực thương mại điện tử và bắt đầu chuyển dần hoạt động sang thương mại điện tử.

"Các mặt bằng kinh doanh vật lý đã không còn là ưu tiên số một nên các trung tâm thương mại cần phải điều chỉnh về đối tượng khách thuê, điều kiện thuê, diện tích thuê … để thu hút được khách thuê phù hợp" - ông Bình chia sẻ.

Ngoài ra, dữ liệu từ báo cáo 6 tháng đầu năm 2020 của Savills Việt Nam cho biết đại dịch đã định hình lại thị trường cho thuê thương mại với các xu hướng mới tại Hà Nội.

Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội, đối với thị trường bán lẻ, giá thuê mặt bằng tiếp tục nằm trong xu hướng giảm.

Do sự không chắc chắn về diễn biến dịch COVID-19 nên có thể một số dự án mới hoãn thời gian mở cửa. Thị trường đang mở rộng về phía đông và khu vực phía tây. Cơ hội tới đây vẫn dành nhiều cho thương mại điện tử.

Tăng trưởng mua sắm trực tuyến cùng với hành vi tiêu dùng thay đổi nhanh chóng đòi hỏi các nhà bán lẻ theo hình thức truyền thống và chủ nhà cho thuê mặt bằng cần phải phát triển kế hoạch thu hút khách đến theo các chiến lược sáng tạo hơn.

"Nghiên cứu doanh thu bán lẻ qua các năm có thể thấy khi có những tác động lớn như khủng hoảng tài chính toàn cầu hay như COVID-19 chỉ mang tính ngắn hạn, Thị trường sẽ dần phục hồi trở lại sau đó" - bà Đỗ Thu Hằng dự báo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại