Những ngày gần đây, tin tức nữ diễn viên nổi tiếng Cbiz Trịnh Sảng thuê người mang thai hộ khiến dư luận 1 phen chao đảo, vấn đề này lại 1 lần nữa được đào xới, đánh giá với nhiều ý kiến trái chiều. Ukraine vốn được mệnh danh là "kinh đô mang thai hộ" bởi vậy mà trở thành tiêu điểm bàn luận.
Xét ở một khía cạnh, mang thai hộ là chính sách nhân đạo đối với những người mẹ kém may mắn không thể tự mang thai. Tuy nhiên, thị trường mang thai hộ chui lại hỗn loạn, quyền lợi hợp pháp của người mang thai và đứa trẻ không được đảm bảo.
Hình minh họa
Quảng cáo xuất hiện trên khắp mọi nẻo đường ở Ukraine
Rất nhiều quốc gia trên thế giới cấm mang thai hộ, nhưng ở Nga, Ukraine, Gruzia hay Mỹ, việc mang thai hộ là hợp pháp, trong đó "làm ăn phát đạt" nhất phải kể đến Ukraine. Từ mạng xã hội, trạm giao thông công cộng, đến các giao lộ đông đúc ở Ukraine, người ta đều có thể bắt gặp quảng cáo dịch vụ mang thai hộ và hiến trứng.
Một số trung tâm làm dịch vụ mang thai hộ tiết lộ, mỗi ngày đều có rất nhiều người từ châu Âu, người Mỹ, người Isarel và người Trung Quốc liên hệ với họ, nhu cầu tìm người mang thai hộ cực kỳ cao.
Hình minh họa
Hiện nay, chưa có thống kê chính xác về số lượng trẻ được sinh ra nhờ dịch vụ mang thai hộ ở Ukraine, theo Kiev - y tá tại 1 bệnh viện có dịch vụ mang thai hộ: "Hàng năm có ít nhất 1.000 trẻ được sinh ra thông qua phương pháp mang thai hộ, với khoảng 15 quốc gia có nhu cầu sử dụng dịch vụ này. Vài năm gần đây, số ca mang thai hộ tại Ukraine tăng vọt gấp gần 10 lần."
Theo truyền thông Ukraine, nguyên nhân khiến thị trường mang thai hộ ở đây được ưu ái chủ yếu là vì có ưu thế về giá cả. 1 ca mang thai hộ tại Ukraine rơi vào khoảng 40 nghìn euro (tương đương 1,1 tỷ đồng), cùng dịch vụ này nếu thực hiện ở Mỹ hay Hà Lan, khách hàng cần phải bỏ ra số tiền lên đến 100 nghìn Euro (gần 3 tỷ đồng), và 60 nghìn Euro (khoảng 1,7 tỷ đồng) nếu sử dụng dịch vụ tại Canada.
Hình minh họa
Trừ giá rẻ, dịch vụ mang thai hộ ở Ukraine còn cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn hơn, ví dụ như sử dụng trứng chính chủ hoặc sử dụng trứng được hiến tặng, có trung tâm còn miễn phí sinh hoạt cho khách hàng trong thời gian chờ con ra đời, tặng vé máy bay và làm thủ tục giấy tờ cho trẻ.
Trong thị trường cạnh tranh khốc liệt, 1 số trung tâm công bố: "Mang thai hộ chỉ cần đến Ukraine 3 lần, lần 1 ký hợp đồng, lần 2 chọc hút trứng, lần 3 ôm con về." Hơn nữa, tại đây phục vụ cao cấp hơn hẳn bệnh viện thông thường, do đó nhiều khách hàng lựa chọn sử dụng dịch vụ tại các trung tâm môi giới với giá cả đắt đỏ mà bỏ qua dịch vụ rẻ hơn tại các bệnh viện.
Bí quá hóa liều
Một quảng cáo dịch vụ mang thai hộ ở Ukraine
"Ngành công nghiệp đẻ thuê" phát triển phần nào có liên quan đến suy thoái kinh tế của Ukraine. Theo Cục số liệu thống kê quốc gia Ukraine, thu nhập bình quân đầu người của quốc gia này năm 2018 là 3.298 USD (hơn 76 triệu đồng), trong khi mang thai hộ 1 lần có thể kiếm thù lao lên đến 18-25 nghìn USD (khoảng 415-577 triệu đồng), ngoài ra sau khi sinh con còn được trung tâm môi giới chu cấp ăn ở miễn phí.
Một số trung tâm còn tô vẽ đẹp đẽ cho ngành đẻ thuê, ví dụ như website của trung tâm Artemis viết: "Vô sinh hiện nay đã trở thành 1 vấn đề nhức nhối trong xã hội, chúng tôi đang xây dựng 1 "kho" các bà mẹ tuổi từ 19-36, hoan nghênh chị em phụ nữ trong độ tuổi đến giúp mang thai hộ hoặc hiến tặng trứng, cùng chúng tôi giúp đỡ những gia đình hiếm muộn."
Nếu người mang thai hộ đang nuôi con nhỏ cần có bảo mẫu chăm sóc, trung tâm môi giới sẽ trợ cấp 200 Euro (hơn 5,6 triệu đồng), từ con thứ 2 trở lên mỗi bé được trả thêm 100 Euro (khoảng 2,8 triệu đồng) phí bảo mẫu, nếu đăng ký mang thai hộ nhiều lần lập tức được nhận thêm 3.000 Euro (hơn 84 triệu đồng), và thêm 1.500 Euro (hơn 42 triệu đồng) nếu phải sinh mổ. Các cô gái trẻ xuất thân từ những gia đình nghèo khó lòng từ chối số tiền lớn và phúc lợi hậu hĩnh như vậy.
Sự hợp pháp lỏng lẻo
Hình minh họa
Theo Luật gia đình của Ukraine, thương mại mang thai hộ là hợp pháp, nhưng không có quy định chi tiết về quá trình mang thai hộ, ví dụ như không có quy định về điều kiện người được phép mang thai hộ, người sử dụng dịch vụ mang thai hộ, giới hạn quốc tịch cũng như quyền lợi hợp pháp của người mang thai hộ. Nói cách khác, mang thai hộ ở Ukraine là hợp pháp, nhưng quyền lợi của các bên tham gia không nhận được sự bảo vệ đúng mực của pháp luật.
Hiện nay, Ukraine có 50 bệnh viện thụ tinh nhân tạo, nhưng luật lệ và tiêu chuẩn của ngành này vẫn trống rỗng. Mặt khác, Luật gia đình của Ukraine quy định rõ chỉ có vợ chồng hợp pháp mới có thể có con qua phương pháp mang thai hộ, điều đáng nói là chỉ cần kết hôn 1 năm là đã có thể sử dụng dịch vụ này, do vậy 1 số đối tượng nam - nữ độc thân sẵn sàng kết hôn giả để có thể lách luật thuê người sinh con cho mình.
Tội ác phía sau "ngành công nghiệp" đẻ thuê
Quy định lỏng lẻo, người chịu tổn thương nhiều nhất là người trực tiếp mang nặng đẻ đau và những đứa trẻ được sinh ra qua dịch vụ này. Tháng 5/2020, Ukraine đóng cửa biên giới do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến cho một số đứa trẻ sinh ra bởi những phụ nữ đẻ thuê không thể quay về quê hương, có trẻ còn bị chính cha mẹ ruột vứt bỏ.
Năm 2011, 1 đôi vợ chồng người Ý sau khi đưa con về nước, kiểm tra DNA mới ngã ngửa vì biết đứa trẻ không phải là con mình. Họ bèn đưa bé đến trại trẻ mồ côi, may mắn sau này có gia đình khác đến nhận nuôi bé. Nhưng những đứa trẻ bị cha mẹ vứt bỏ khác lại không được may mắn như vậy, các bé sẽ là món hàng béo bở cho những kẻ buôn người, thậm chí bị giết hại để lấy nội tạng.
Hình minh họa
Người ta nói mỗi lần sinh con là 1 lần đối mặt với tử thần, người mang thai hộ luôn phải đối mặt với những nguy hiểm liên quan trực tiếp đến tính mạng như khó sinh, thai chết lưu, thậm chí phải cắt bỏ tử cung... mà trung tâm môi giới sẽ không chịu trách nhiệm cho những trường hợp này. Nếu cha mẹ ruột của trẻ hủy bỏ hợp đồng, người mang thai hộ hoặc là mạo hiểm cho sảy thai, hoặc sinh trẻ ra rồi tự mình nuôi nấng, trường hợp xấu hơn còn đem vứt bỏ đứa trẻ.
Ukraine hợp pháp hóa việc mang thai hộ vốn là để tăng tỉ lệ sinh, kìm hãm tốc độ già hóa của dân số, nhưng với thực trạng người nước ngoài lách luật ồ ạt kéo đến "mua" con, thị trường mang thai hộ ở đây sớm đã rối tinh rối mù.
Có người cho rằng mang thai hộ là chính sách nhân đạo cho những cặp vợ chồng không sinh được con, nhưng trên thực tế, mang thai hộ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều nước trên thế giới nghiêm cấm mang thai hộ.