Khi quân đội Israel tiến sâu hơn về phía nam vào Gaza với mục tiêu tiêu diệt nhóm vũ trangHamas, thế giới cũng theo dõi chặt chẽ những gì xảy ra ở biên giới phía bắc - nơi lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đang đụng độ dữ dội với một đối thủ khác mạnh hơn là phong trào Hezbollah tại Lebanon.
Cuộc chiến lớn gần đây nhất của Hezbollah với Israel là vào năm 2006, và nhóm này hiện có nhiều vũ khí tinh vi hơn cũng như lực lượng chiến binh thiện chiến hơn so với thời điểm đó. Hezbollah có thể siết chặt Israel bằng cách mở rộng các cuộc tấn công vào phía bắc đất nước trong khi phần lớn quân đội Israel đang bị cầm chân ở Gaza.
Nếu Hezbollah tham chiến
Để so sánh, trong khi 6.000 đến 8.000 viên đạn có thể được sử dụng mỗi ngày ở Ukraine thì IDF sẽ sử dụng khoảng 5.000 viên mỗi tuần.
Nếu cuộc chiến của Israel mở rộng với cả Hezbollah, sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều - thành viên cao cấp tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế Jennifer Kavanagh nói.
"Hezbollah có thể có hơn 150.000 tên lửa và họ có thể sử dụng với cường độ mà Israel ước tính là 6.000 đến 8.000 tên lửa mỗi ngày."
Hezbollah được cho là có tên lửa dẫn đường chính xác tiên tiến và tên lửa đạn đạo tầm ngắn do Iran cung cấp. Những tên lửa cao cấp hơn này sẽ gây ra mối đe dọa đáng sợ hơn đối với hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm sắt) của Israel so với các tên lửa thô sơ hơn của Hamas.
Một mặt khác là tên lửa tầm xa. Bà Kavanagh nói: "Nếu xung đột giữa Israel với Hezbollah ngày càng gia tăng hoặc nếu Iran tham gia trực tiếp hơn, Israel có thể thấy cần phải tiến hành một số cuộc tấn công tầm xa hơn".
Dù năng lực chính xác của Hezbollah vẫn chưa rõ ràng nhưng rõ ràng lực lượng này có thể gây ra thiệt hại cho Israel. Theo New York Times, nhóm này được cho là có kho vũ khí lên tới 150.000 tên lửa cũng như tên lửa dẫn đường chính xác có khả năng tấn công các mục tiêu nhạy cảm.
Maha Yahya, giám đốc Trung tâm Trung Đông Carnegie ở Beirut, cho rằng Hezbollah ngày nay ở vị thế có thể gây "đau đớn" cho Israel nếu họ chọn tham gia cuộc chiến này.
Bà Yahya nói phạm vi phản ứng mà Hezbollah có thể thực hiện khá linh hoạt mà không cần phải tấn công mặt đất vào Israel. Lực lượng này có thể bắt đầu tận dụng mặt trận Syria và có thể xảy ra các cuộc tấn công bên ngoài Israel, điều đã từng xảy ra trước đây.
Vì sao Hezbollah còn ngần ngại?
Tuy nhiên, theo tờ New York Times, Hezbollah hiện lưỡng lự khi tham gia vào một cuộc chiến toàn diện. Sau khi Israel tiến quân vào Gaza, phản ứng của Hezbollah cho đến nay vẫn đáng lo ngại nhưng khá hạn chế.
Ở Lebanon, người dân ít mong muốn chiến tranh vì đất nước này đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế tê liệt. Ở cấp độ khu vực, nếu Hezbollah mở mặt trận thứ hai, điều đó có thể khiến Mỹ tăng cường viện trợ cho Israel.
Ngoại trưởng Lebanon Abdallah Bou Habib, người thường xuyên liên lạc với Hezbollah, cho biết: "Toàn bộ Lebanon, bao gồm cả Hezbollah - chúng tôi không muốn xảy ra chiến tranh".
Có áp lực của phương Tây đối với chính phủ Lebanon nhằm tác động lên Hezbollah để không tham chiến. Đồng thời, các quan chức Mỹ đã kêu gọi riêng các nhà lãnh đạo Israel không tiến hành một cuộc tấn công lớn nhắm vào Hezbollah, điều có thể dẫn đến tình trạng đổ máu khủng khiếp hơn ở khu vực.
Tuy nhiên, ông Bou Habib cho biết, nếu tình hình thương vong ở Gaza trở nên tồi tệ hơn hoặc Israel leo thang các cuộc tấn công ở Lebanon, Hezbollah có thể cảm thấy nhiều áp lực cần phải đáp trả.
Ông Bou Habib nói: "Nếu tình hình thực sự tồi tệ ở Gaza, nó sẽ thực sự tồi tệ cho cả khu vực - không chỉ Lebanon và Israel".