Với nhiều người đang sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn, thuê nhà luôn là một bài toán đau đầu. Bởi lẽ khi nhắc đến thì sẽ kèm theo 7749 vấn đề cần giải quyết như khoảng cách đến trường học - cơ quan, an ninh trong khu dân cư, quá trình sửa sang và trang trí,... Và dĩ nhiên, khi đã nâng lên đặt xuống những điều kiện trên thì tiền chính là thứ phải cân nhắc nhiều nhất.
Và đôi khi cũng vì quá nhiều vấn đề như vậy mà nhiều người đành bỏ qua yếu tố an toàn khi đứng trước một căn phòng, căn nhà sẽ ở. Kể cả có nhớ đến thì không phải ai cũng có nhiều kinh nghiệm, kiến thức để trang bị cho bản thân và người thân, tăng tỷ lệ an toàn khi gặp rủi ro trong căn hộ, chung cư đang ở.
“Nếu ngôi nhà không an toàn thì việc đẹp, xấu không còn ý nghĩa nữa”
Nói về cách chọn phòng trọ hoặc chung cư mini có điều kiện thoát hiểm đủ tốt để thuê, KTS Trịnh Hải Long - Founder Kiến trúc Nhà của Gió cho biết:
“Thực tế, quyết định nên thuê hay không nên thuê có rất nhiều vấn đề chi phối như chi phí, địa điểm,... Với người kinh tế dư dả thì dĩ nhiên nên thuê ở căn nhà nào có đầy đủ biện pháp phòng cháy chữa cháy theo quy định. Đồng thời phải dùng kiến thức và trải nghiệm của bản thân để lường trước được kịch bản nếu như có rủi ro như cháy nhà thì sẽ thoát hiểm bằng cách nào”.
Cụ thể hơn, theo KTS Trịnh Hải Long, phòng cháy chữa cháy theo tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt và có nhiều đầu mục phải làm theo. Tuy nhiên trong đó có 3 yếu tố quan trọng và cũng là 3 yếu tố người thuê nhà cần kiểm tra ngay từ khi đi xem nhà:
- Phát hiện sự cố: Có thể sử dụng công cụ như cảm biến khói. Ngoài ra còn có yếu tố con người, ví dụ khu nhà có bảo vệ trực không? Nếu có bảo vệ thì yên tâm hơn vì có sự cố người bảo vệ sẽ phát hiện ra, cảnh báo và xử lý.
- Yếu tố ngăn khói: Thang bộ dùng cho tòa nhà phải có cửa thép chống cháy, ngăn cầu thang với hành lang để khi xảy ra cháy thì khói lửa sẽ bị chặn lại cục bộ trong tầng đó, không lan sang các tầng khác. Thang bộ cũng phải thoát trực tiếp ra không gian bên ngoài để có thể chạy theo đó thoát hiểm. Một số tòa nhà còn bố trí thêm thang thép thoát hiểm ngoài trời.
- Hệ thống xử lý đám cháy: Gồm đường nước cứu hỏa, bình cứu hỏa. Nếu căn hộ thuê có ban công thoáng là điểm cộng vì chúng ta có thể thoát hiểm bằng khu vực ban công.
Tuy nhiên nam KTS cũng hiểu rõ vấn đề chi phí thuê nhà nên có những lưu ý rõ hơn: “Không phải ai cũng có điều kiện kinh tế tốt, vì giới hạn về chi phí nên nhiều người chấp nhận nhà trọ bình dân hơn. Những ngôi nhà này thường thiếu các biện pháp an toàn, không có cửa ngăn khói, không có cảnh báo hay hệ thống cứu hỏa. Vì vậy khi xem nhà, chúng ta nên tưởng tượng ra trường hợp xấu nhất như: Khi cháy ở tầng 1 hoặc 2, 3, 4,... thì mình sẽ chạy đi đâu? Ra ban công hay lên sân thượng? Nếu thấy vẫn còn đường thoát thì có thể chấp nhận được còn bốn bề không có đường thoát thì chắc là nên tìm chỗ khác an toàn hơn”.
Đây cũng là lý do mà KTS Hải Long khẳng định khi thuê nhà, nhất là chung cư mini, yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu, vì: “Trong mỗi tòa nhà như vậy có hàng trăm người sinh sống, rủi ro là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu ngôi nhà không an toàn thì việc đẹp/ xấu không còn ý nghĩa nữa” .
“Trong yếu tố an toàn, thoát hiểm là quan trọng nhất. Vì ngôi nhà đã bị cháy thì khả năng cao là không thể dập tắt ngay lập tức được nên mình phải thoát đến vị trí an toàn trước rồi mới nghĩ đến chữa cháy” - KTS nói thêm.
Làm “chuồng cọp” có khóa thì lúc cấp bách cũng chưa chắc đã tìm được chìa khóa
Sau khi đã chấp nhận thuê nhà, người thuê cũng không nên chỉ phụ thuộc vào chủ đầu tư hay chủ hộ. Thay vào đó, mỗi người thuê nhà phải tự lo cho sự an toàn của bản thân và mọi người xung quanh bằng nhiều cách khác nhau. Song, không phải cách nào cũng hỗ trợ thoát hiểm mà đôi khi lại phản tác dụng.
Theo KTS Hải Long, nên trang bị những dụng cụ hỗ trợ thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp như mặt nạ phòng độc, búa, thang dây,… Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra một số đồ vật có khả năng gây cháy nổ trong chính căn phòng của mình như ổ cắm điện. Nếu có dấu hiệu bị xuống cấp, lỏng giắc cắm,... thì nên thay để tránh trường hợp chập cháy.
KTS cũng gợi ý nên dùng loại khóa cửa mà bên trong chỉ cần vặn chốt, để bình thường vẫn đảm bảo an toàn mà khi cần thoát hiểm cũng có thể mở được ngay. Nếu dùng cửa ổ khóa rời thì phải để nơi dễ thấy và dễ lấy, vì trong trường hợp khẩn cấp, cuống lên sẽ không tìm thấy chìa khóa để mở cửa.
Ở các phòng trọ hay chung cư mini, “chuồng cọp” - phần lồng sắt bao quanh ban công cũng là một hình ảnh thường thấy. Chức năng của khu vực này là tận dụng diện tích ban công đồng thời tăng sự an toàn, chống trộm cắp. Tuy nhiên quây kín khu vực ban công như vậy đồng nghĩa với việc chặn đường thoát hiểm ở ban công, đặc biệt là trong tình huống khẩn cấp.
Với vấn đề này, KTS Hải Long thừa nhận nếu cứ quây “chuồng cọp” thì bản thân anh cũng không thể gợi ý cách thoát hiểm nào khả thi. Anh cho rằng ngay cả trường hợp làm “chuồng cọp” có khóa thì lúc cấp bách cũng chưa chắc đã tìm được chìa khóa. “Biết là khó nhưng chúng ta nên thay đổi suy nghĩ và bỏ ‘chuồng cọp’ đi” - KTS nói thêm.
Song song với đó, KTS cũng đề xuất những phương án xử lý khác, thay vì “chuồng cọp” cho căn hộ có ban công: “Muốn đi ra ban công phải có cửa nên để phòng trộm cắp, mình tập trung vào phần cửa đó là được. Còn về vấn đề an toàn cho trẻ nhỏ thì có thể dùng biện pháp đơn giản hơn là căng cáp. Khi cần cứu hộ, việc cắt dây cáp dễ dàng hơn phá ‘chuồng cọp’ nhiều”.p