Có nên giảm tỷ lệ đóng?
Ít ngày trước khi Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận, một số hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng tiếp tục có văn bản góp ý gửi các cơ quan liên quan. Kiến nghị được 13 hiệp hội tổng hợp từ đề xuất của các doanh nghiệp hội viên, như dệt may, thủy sản, da giày, gỗ, chè, nhựa, sữa…
Các hiệp hội trên cho rằng, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong luật hiện hành ở mức cao, tổng mức đóng bằng 32% tiền lương tháng của người lao động (NLĐ). Trong đó, NLĐ đóng 10,5% (gồm 8% cho BHXH, 1,5% cho BHYT và 1% cho BHTN), người sử dụng LĐ đóng 21,5% (gồm 17,5% vào BHXH, 3% vào BHYT và 1% vào BHTN). Tỷ lệ đóng bảo hiểm kể trên của Việt Nam đang cao hơn một số nước trong khu vực, và thế giới, như Malaysia đóng 16,5% tiền lương, Ấn Độ 15,25%, Indonesia 10,26%, Campuchia 6,1%, Thái Lan 5%, Myanmar 2%...
Sửa luật BHXH thu hút nhiều sự quan tâm vì liên quan tới hàng chục triệu người lao động. Ảnh minh họa: Phạm Thanh
Từ đó, các hiệp hội kiến nghị giảm mức đóng BHXH bắt buộc của NLĐ xuống 5% tiền lương tháng (giảm 3%), người sử dụng LĐ đóng 15% (giảm 2,5%). Giảm mức đóng BHTN còn 1%, trong đó NLĐ đóng 0,5%, người sử dụng LĐ đóng 0,5%. Sau điều chỉnh, tổng mức đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN còn 24% trên tiền lương tính đóng của NLĐ (trong đó NLĐ đóng 6,5%, người sử dụng LĐ đóng 17,5%).
Giải trình trước ý kiến tăng/giảm tỷ lệ đóng BHXH, BHYT, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, Luật BHXH năm 2006 và 2014 đều điều chỉnh theo hướng tăng tỷ lệ và căn cứ đóng, cũng như tăng tuổi nghỉ hưu. Các giải pháp này đã cải thiện đáng kể khả năng cân đối dài hạn của quỹ hưu trí và tử tuất; trong khi quỹ ốm đau và thai sản hằng năm cơ bản không có kết dư (thu bằng chi). Do đó, việc tăng hay giảm tỷ lệ đóng BHXH trong bối cảnh hiện nay đều không phù hợp. Cơ quan soạn dự luật giải trình, chính sách BHXH ở mỗi quốc gia được thiết kế khác nhau, theo điều kiện thực tế từng nước.
Tỷ lệ đóng BHXH tại Malaysia, Singapore, Philippines… không gồm chế độ ngắn hạn như thất nghiệp, ốm đau, thai sản. Trong khi đó, BHXH Việt Nam gồm cả các chế độ dài và ngắn hạn, tỷ lệ và mức đóng BHXH được tính toán, cân nhắc toàn diện, giữa tỷ lệ, số tiền, thời gian đóng - hưởng. Tỷ lệ đóng BHXH của nước ta cao hơn khu vực (chỉ sau Singapore - 37%), nên tỷ lệ hưởng lương hưu cũng cao nhất khu vực, thậm chí cao nhất thế giới (tối đa 75% lương đóng). Dù vậy, tiền lương thực tế tính đóng và hưởng đều thấp, năm 2022 lương bình quân tính đóng BHXH chỉ 5,7 triệu đồng/người/tháng, lương hưu bình quân 5,4 triệu đồng/người/tháng.
Cho nộp lại tiền hưởng BHXH một lần
Về tuổi nghỉ hưu, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi cũng điều chỉnh tăng theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động (nữ lên 60 tuổi, nam lên 62 tuổi); nếu nghỉ hưu sớm (trước 5 hoặc 10 năm), mỗi năm nghỉ sớm trừ 2% tỷ lệ lương hưu. Góp ý nội dung này, các hiệp hội doanh nghiệp và ngành hàng cho rằng, công nhân 50-55 tuổi trở lên khó đáp ứng yêu cầu công việc, dễ mất việc nhưng khó xin việc mới, nên khó có khả năng làm việc tới tuổi nghỉ hưu như trên.
Trong số lao động lớn tuổi, nhiều người đóng BHXH từ 20-30 năm, khi mất việc chưa chưa đủ tuổi nghỉ hưu, nên gặp khó khăn về tài chính, làm gia tăng nhận BHXH một lần. Nếu NLĐ nghỉ hưu sớm, mỗi năm bị trừ 2% tỷ lệ lương hưu là quá cao. Các hiệp hội kiến nghị giảm tỷ lệ trừ lương hưu khi nghỉ sớm từ 2% mỗi năm xuống 1%. Trường hợp NLĐ đóng BHXH trên 30 năm với nữ và trên 32 năm với nam (được hưởng lương hưu mức tối đa 75% lương đóng), sẽ được nghỉ trước tuổi và không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu khi số năm đóng vượt và số năm nghỉ sớm bằng nhau.
Tháng 10, Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Các chuyên gia tại hội thảo này đề xuất bổ sung quy định nghỉ hưu trước 5 - 10 tuổi với người đóng BHXH tự nguyện, tương tự quy định áp dụng cho NLĐ đóng BHXH bắt buộc, để đảm bảo công bằng. Các chuyên gia cũng đề xuất thêm quy định cho phép NLĐ đã hưởng BHXH một lần được hoàn trả số tiền đã nhận và ghi nhận lại thời gian đã đóng cũ (gồm cả gốc và lãi), để tiếp tục đóng BHXH và nhận lương hưu. Giải pháp này được đánh giá sẽ mở ra cơ hội cho nhiều người nhận BHXH một lần được làm lại, hưởng lương hưu và tham gia mạng lưới an sinh xã hội khi về già.