1. Bài chạm ngón chân để kiểm tra sức khỏe của trái tim
Các nhà khoa học của Trường Đại học North Texas, Mỹ đã phát hiện sự linh hoạt của cơ thể bạn phản ánh đúng sự linh hoạt của các động mạch, từ đó có thể nói lên sức khỏe của trái tim. Vì thế, bài kiểm tra chạm ngón chân đã ra đời.
Rất ngạc nhiên phải không? Tuy nhiên, đó là phương pháp đơn giản để giúp bạn hiểu hơn về trái tim của mình.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí về Sinh lý học Tim mạch và Tuần hoàn năm 2008 cho biết mức độ dẻo dai, linh hoạt của cơ thể là một yếu tố thể hiện sức khỏe tim mạch.
Dưới đây là hướng dẫn về cách kiểm tra tại nhà xem trái tim có hoạt động tốt hay không.
- Bước 1: Ngồi trên sàn hoặc mặt phẳng và duỗi dài chân về phía trước.
- Bước 2: Các ngón chân dựng thẳng lên.
- Bước 3: Từ từ đưa tay về phía trước và cố gắng vươn để chạm vào các đầu ngón chân (chân vẫn phải giữ thẳng).
Chẩn đoán:
- Nếu bạn có thể chạm vào ngón chân trong khi ngồi thẳng, điều đó có nghĩa là trái tim vẫn đang hoạt động rất tốt. Xin chúc mừng bạn!
- Những người không thể với tay chạm được đến cuối ngón chân chứng tỏ phần lưng và chân hơi cứng, chứng tỏ các động mạch cứng và kém đàn hồi hơn những người khác. Điều này khiến cho máu không thể lưu thông một cách hiệu quả.
Cứng động mạch xảy ra có thể là do các thói quen không lành mạnh như hút thuốc, lười vận động... khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu.
Những người trong tình trạng này có nguy cơ cao gặp phải một cơn đau tim hoặc đột quỵ. Bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Lưu ý: Kết quả này không chắc chắn người dẻo dai sẽ thoát được nỗi lo bệnh tim, cũng như người cứng nhắc chắc chắn sẽ bị đột quỵ. Tuy nhiên qua bài kiểm tra này, bạn phần nào nhận ra nguy cơ bệnh tật để phòng ngừa kịp thời.
Để chắc chắn về tình trạng sức khỏe bản thân, tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để tránh những biến chứng sau này.
2. Các dấu hiệu cảnh báo tim không khỏe
Bài chạm ngón chân là một phương pháp để giúp bạn tự kiểm tra sức khỏe tim mạch tại nhà. Ngoài ra, để biết mình có trái tim không khỏe mạnh hay không, bạn cũng nên chú ý đến những dấu hiệu khác nữa.
Các vấn đề liên quan đến tim mạch có thể âm thầm, bất ngờ. "Đặc biệt với phụ nữ, các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh tim thường không theo một mô típ điển hình", Kerry Hildreth, phó giáo sư về lão hóa và sức khỏe tim mạch tại Trường Đại học Y Colorado (Mỹ) cho biết.
- Đau ngực hoặc đau nhức
Đau ngực là một dấu hiệu thường gặp ở bệnh tim mạch nhưng cũng có thể gặp ở nhiều bệnh khác không thuộc tim mạch.
Nhưng nếu bạn trải qua những cơn đau tỏa ra vai, cánh tay, cổ hoặc hàm thường xuyên, nên tới bác sĩ khám ngay để sớm phát hiện ra bệnh.
- Khó thở
Nếu hoạt động nhẹ nhàng mà cũng khiến bạn khó thở thì có thể tim đang gặp "rắc rối". Chưa hết, gặp triệu chứng này khi gắng sức, khi nằm, đặc biệt vào ban đêm khiến bạn tỉnh ngủ và ngồi dậy, bạn hãy nghĩ đến bệnh tim.
- Các triệu chứng giống như cúm
Cảm thấy buồn nôn, mệt mỏi hoặc ớn lạnh, đổ mồ hôi có thể là dấu hiệu cảnh báo dòng máu đến não không đủ. Triệu chứng dạ dày nặng, khó chịu cũng không nên bỏ qua.
Khi không vận động và không khí xung quanh không quá nóng, mà bạn vẫn bị đổ mồ hôi quá nhiều, điều này báo hiệu một cơn đau tim sắp đến.
- Chóng mặt
Cảm giác đầu lúc nào cũng lâng lâng hoặc chóng mặt có thể là một dấu hiệu tắc nghẽn dòng máu tới cơ tim. Càng chính xác hơn khi kèm theo đó là tim đập mạnh (hay đánh trống ngực).
- Mệt mỏi hoặc mất ngủ
Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi cả ngày dù không có áp lực nào thì đã đến lúc nên đi kiểm tra tim. Mệt mỏi là một trong những dấu hiệu cho thấy bạn có thể gặp các vấn đề về bệnh tim mạch.
- Nhịp tim bất thường
Bạn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức, ngay cả đi bộ chỉ 5-10 phút. Ngoài ra, đừng bỏ qua nhịp đập bất thường, bởi tim có thể không khỏe.
* Theo Boldsky, Prevention