Ban chấp hành TƯ vừa ban hành Quy định 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Mục đích nhằm bảo đảm việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các khuyết điểm, vi phạm trong việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Uỷ ban Kiểm tra TƯ sẽ là chủ thể thực hiện việc kiểm tra, còn chủ thể giám sát là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Uỷ ban Kiểm tra TƯ; Chi bộ nơi cán bộ đang sinh hoạt.
Đối tượng kiểm tra, giám sát là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Việc kiểm tra, giám sát kê khai tài sản sẽ dựa vào 3 căn cứ: khi có kế hoạch, yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; khi có kiến nghị, phản ánh, tố cáo có căn cứ về việc kê khai tài sản không trung thực; khi cán bộ có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước về kê khai tài sản.
Nội dung kiểm tra, giám sát gồm việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản, biến động tài sản hằng năm thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của cán bộ thuộc đối tượng kiểm tra, giám sát.
Ngoài ra, nội dung kiểm tra, giám sát này cũng áp dụng đối với vợ hoặc chồng và con chưa thành niên của các cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý.
Nội dung còn lại là việc giải trình về biến động tài sản và nguồn gốc của tài sản tăng thêm.
Các vi phạm về kê khai tài sản bao gồm việc không kê khai, kê khai không trung thực, kê khai không đúng quy định; không giải trình về biến động tài sàn và nguồn gốc tài sản tăng thêm, giải trình không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời theo quy định và yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Các vi phạm trong quá trình kiểm tra, giám sát về kê khai tài sản là khi đối tượng kiểm tra, giám sát và các cơ quan tổ chức có liên quan không chấp hành yêu cầu của chủ thể kiểm tra, giám sát và có hành vi cản trở, bất hợp tác trong quá trình kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản.
Việc sửa chữa, bổ sung, giả mạo về hồ sơ, thông tin, tài liệu liên quan đến tài sản, biến động tài sản và nguồn gốc tài sản của bản thân và gia đình; gây áp lực, mua chuộc tổ chức, cá nhân đang thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản; cung cấp thông tin, tài liệu nhằm làm sai lệch kết quả giám sát, kết luận kiểm tra việc kê khai tài sản cũng là các vị phạm trong quá trình kiểm tra, giám sát.
Đối với chủ thể kiểm tra, giám sát, vi phạm là khi làm lộ thông tin về tài sản của đối tượng kiểm tra, giám sát; làm sai lệch hồ sơ kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản; nhận xét, kết luận thiếu căn cứ, không khách quan trong quá trình kiểm tra, giám sát.
Theo Quy định 85, Ủy ban Kiểm tra TƯ chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo kết quả việc thực hiện Quy định này; định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quy định, báo cáo và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, bổ sung, sửa đổi Quy định khi cần thiết.
Tỉnh uỷ, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc TƯ, trên cơ sở quy định này ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện cấp uỷ cấp mình quản lý.