Ngày 29/11, Đoàn kiểm tra số 1 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương để công bố Kế hoạch Kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, mục đích của đợt kiểm tra lần này là thông qua công tác kiểm tra để đánh giá đúng về tình hình, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Từ đó, tìm ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn công tác, từ đó có biện pháp thiết thực, hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong cơ chế, chính sách về thu hồi tài sản, từ đó đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh thể chế, chính sách cho phù hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, bảo đảm thực thi công lý, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.
Trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả tự kiểm tra công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Đảng ủy Công an Trung ương, Thiếu tướng Lương Tam Quang - Chánh Văn phòng Đảng ủy Công an Trung ương, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, trong những năm qua, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt được kết quả ngày càng tốt hơn, một số vụ án gần đây, tài sản được thu hồi đạt tỷ lệ cao.
Tuy nhiên, số tiền và tài sản bị thất thoát do chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế là rất lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.
Việc thu hồi tài sản tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ tiền và tài sản thu hồi còn thấp hơn so với tổng số thiệt hại mà các đối tượng chiếm đoạt, gây thất thoát.
Một số khó khăn trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt cũng được chỉ ra.
Đó là, hành vi phạm tội diễn ra trước thời gian điều tra đã lâu, đối tượng phạm tội đã sử dụng hết số tiền bất chính, thủ đoạn che dấu tài sản tinh vi, nhờ người khác đứng tên tài sản do phạm tội mà có, chuyển tiền hoặc tẩu tán ra nước ngoài gây khó khăn cho việc xác định thu hồi tài sản.
Bên cạnh đó, việc kê khai tài sản hiện nay vẫn còn hình thức, kê khai mới dựa vào tự giác, cơ quan có thẩm quyền chưa chủ động xác minh bản kê khai.
Do đó, để xác định tài sản của người tham nhũng để kê biên, phong toả gặp nhiều khó khăn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, công tác thu hồi tài sản được các đơn vị nghiệp vụ trong ngành công an thực hiện quyết liệt.
Số liệu báo báo cáo cho thấy, số tiền phải thu hồi ngày càng lớn, trong đó, 9 tháng đầu năm 2018 lên đến trên 6.000 tỷ đồng và nhiều tài sản khác.
Phó Thủ tướng cho biết, nhiều nội dung của Báo cáo tự kiểm tra sẽ được làm rõ sau khi đoàn thực hiện công tác kiểm tra, nghiên cứu tài liệu hồ sơ thu thập được tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công an.