24 dự án này được kiểm toán tiếp theo sau khi thực hiện với 27 dự án BOT vào năm trước. Đáng lưu ý, trong số này, có cả những trạm BOT đầy “tai tiếng” như trạm Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, hay Hà Nội – Bắc Giang…
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 21/8, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, trên cơ sở kiểm toán 24 dự án BOT, KTNN đã kiến nghị giảm trừ thời gian thu phí 62,8 năm.
Dự kiến trong khoảng 4 tuần nữa, KTNN sẽ công bố kết quả kiểm toán đối với 24 dự án BOT này.
Qua đánh giá ban đầu thì các dự án này vẫn đi theo vết xe đổ của các dự án trước, như chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu chưa đủ năng lực và kinh nghiệm, vị trí đặt trạm chưa hợp lý…
Những sai sót, bất cập thường thấy như tính toán sai lưu lượng xe, mức phí, trạm thu phí, rồi chi phí đầu tư, hay chất lượng công trình thì phải hoàn thiện lại để giai đoạn sắp tới, việc thu hút và triển khai các dự án BOT hiệu quả hơn.
Về thời điểm thực hiện, ông Hồ Đức Phớc khẳng định, KTNN vào cuộc sớm nhất trong các cơ quan thanh, kiểm tra đối với các dự án BOT. Nếu là kiểm toán chi phí thì phải kiểm tra chi phí trực tiếp, gián tiếp và chế độ chính sách khác. Nếu có điều kiện có thể kiểm toán hiện trường, kiểm toán chất lượng công trình.
Riêng doanh thu phải kiểm toán trên hiện trường, phải xác định lưu lượng xe qua lại trên thực địa, mới tính được doanh thu có sát thực tiễn hay không. Từ đó mới quy chiếu ra được thời hạn thu hồi vốn là bao nhiêu.
Như vậy có thể thấy với sự vào cuộc quyết liệt và có trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước, nhiều bất cập trong triển khai dự án đầu tư theo hình thức BOT về giao thông tiếp tục được làm rõ, góp phần chấn chỉnh hoạt động thu hút đầu tư giao thông, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.