Thông tin trên được ông Trương Việt Đông, kiểm soát viên VEC gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trong văn bản số 1603/VEC-KVS về việc xã hội hoá trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc, dự án do VEC làm chủ đầu tư.
Trong văn bản, kiểm soát viên này cho biết, nhà đầu tư được VEC ưu ái tự lập phương án thiết kế, dự toán, tính toán phương án tài chính của dự án trình VEC xem xét, đàm phán ký hợp đồng.
“Việc lựa chọn nhà thầu như vậy là ngược trình tự đầu tư xây dựng cơ bản”, ông Đông nhận định.
Vẫn theo kiểm soát viên này, VEC không tổ chức công khai kêu gọi nhà đầu tư tham gia hợp tác đầu tư trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc, không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu, tổng mức đầu tư cho các công việc cần xã hội hoá tại các trạm dừng nghỉ cũng không được phê duyệt để quản lý chi phí…
“VEC không quản lý được chi phí đầu vào, không thẩm định lại thiết kế, dự toán, không có quy định chặt chẽ, đầy đủ về việc thẩm tra, phê duyệt quyết toán phần chi phí đầu tư thực hiện này để làm cơ sở tính toán lại phương án tài chính, thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư vào lợi nhuận của VEC”, ông Đông nêu trong văn bản.
Hậu quả của những việc làm này, theo kiểm soát viên, có thể dẫn tới tổng vốn đầu tư của tất cả các trạm dịch vụ trên tuyến cao tốc là chưa phù hợp. “Hiện nay vốn đầu tư đều dựa trên đề xuất của nhà đầu tư nên có chi phí lớn, dẫn đến thời gian hoàn vốn bị kéo dài. VEC không có lợi nhuận, không tăng hiệu quả kinh tế của các dự án đường cao tốc”, kiểm soát viên Trương Việt Đông nói.
Video: Cao tốc vừa thông xe đã hỏng: Dấu hiệu bớt xén, thay đổi vật liệu
Theo ông Đông, trách nhiệm để xảy ra những vấn đề trên thuộc về Hội đồng thành viên VEC.
“Hội đồng thành viên VEC chịu trách nhiệm quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và báo cáo Bộ GTVT các vấn đề vượt thẩm quyền”, kiểm soát viên Trương Việt Đông nhấn mạnh.
Trả lời VTC News sáng 18/10, ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc VEC cho biết đang đi công tác nên sẽ kiểm tra và thông tin sau.