Các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần tính toán giải pháp hợp lý nhằm giám sát giá SGK mới đảm bảo đúng quy luật thị trường, theo hướng đảm bảo tính đúng tính đủ, không để các đơn vị làm sách mới tham gia thị trường chịu thiệt hại song cũng phải kiểm soát tốt để các NXB không thể “bắt tay” nâng giá một cách vô tội vạ.
Thường thì, giá thành cho một cuốn sách bao gồm chi phí biên soạn, công in ấn, phát hành.Với mặt hàng đặc thù như SGK, ngoài ra còn có thêm chi phí cho việc tập huấn giáo viên.
Thực tế cho thấy, để SGK có được mức giá bình dân khoảng từ 47.000 đến 154.000 đồng một bộ tùy từng lớp học như hiện nay thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mỗi năm đều phát hành khoảng 100 triệu bản.
Họ chiếm lĩnh toàn bộ thị phần, trong khi tiền bản thảo cũng đã thu hồi được do SGK được tái bản gần 20 năm nay.
Còn với SGK mới, hiện nay có 5 bộ sách lớp 1, “thị phần” sẽ bị chia nhỏ và sẽ rất khó để các đơn vị có thể cân đối, vừa tính đúng, tính đủ vừa có thể đảm bảo việc kê khai giá SGK mới như SGK hiện hành theo đề xuất của Bộ GD&ĐT.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản-thiết bị giáo dục Việt Nam cho biết: Cả 5 bộ SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã được phê duyệt đều có hình thức đẹp, bắt mắt, khổ sách mới lớn hơn, giấy dày, màu đẹp hơn sách cũ nên các đơn vị làm sách sẽ khó có thể giữ được mức giá như SGK hiện hành.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: Việc Bộ GD&ĐT đề xuất giá SGK mới không được cao hơn giá SGK hiện hành của NXB Giáo dục Việt Nam là có phần áp đặt và chưa hợp lý.
Theo lý giải của PGS Trần Xuân Nhĩ, trong cơ chế thị trường, tiền nào của đấy, của tốt thì tiền cao.
Vùng nào không có điều kiện thì Nhà nước hỗ trợ giá hoặc mua sách cho thư viện rồi cho học sinh mượn, chứ không nên ép một mức giá bởi việc áp đặt 1 giá bán sẽ khiến cho các NXB mới gia nhập thị trường bị thua lỗ và không thể tiếp tục theo đuổi cuộc chơi.
Hệ quả là chủ trương xã hội hóa biên soạn, in và xuất bản SGK để tránh độc quyền sẽ có nguy cơ phá sản.
“Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã thành lập hội đồng để thẩm định nội dung, hình thức SGK, nhưng chưa thẩm định giá. Trước đây, chúng tôi có hội đồng quyết định giá. Do dó, tôi mong Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng thẩm định, trên tinh thần "tiền nào của đấy".
Thị trường sẽ lựa chọn và quyết định chứ không thể nói bộ sách này không được quá giá của bộ sách đã phát hành cách đây nhiều năm” - nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ đề xuất.
PGS.TS, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng: Hiện nay, xã hội đang có sự phân hoá mạnh, có gia đình mua 1 bộ SGK 1,2 triệu đồng là chuyện bình thường nhưng có gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn.
Vậy cơ sở định giá như thế nào, có hỗ trợ giá cho SGK hay không? Nếu hỗ trợ thì lấy từ nguồn nào cũng cần được đặt ra.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, nguyên tắc định giá SGK không thể so cái mới với cái cũ mà phải tuân thủ định giá trong cơ chế thị trường. Nếu nó là sản phẩm độc quyền thì Nhà nước phải kiểm soát chi phí cụ thể, cơ quan kiểm soát phải thật khách quan để Nhà nước, doanh nghiệp, người thụ hưởng hài hoà.
Còn nếu rất nhiều NXB cùng một ấn phẩm thì Nhà nước chỉ giám sát xem các bên có liên kết với nhau để nâng giá hay không, còn tất cả phải do thị trường quyết định.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, khi thị trường chỉ có 1 doanh nghiệp làm SGK thì Nhà nước phải kiểm soát giá để tránh độc quyền.
Còn khi thị trường đã có nhiều doanh nghiệp, nhiều NXB tham gia nên để các NXB, các doanh nghiệp được quyền định giá dựa trên các yếu tố đầu vào như khổ sách, loại giấy, mực in, số lượng bản in/đầu sách.
Nếu doanh nghiệp (NXB) định giá quá cao so với thực tế thì sản phẩm sẽ không thể cạnh tranh được với các đối tác khác và doanh nghiệp, NXB đó chắc chắn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Vai trò quản lý của Nhà nước là làm sao để giám sát, hạn chế được tình trạng doanh nghiệp cùng bắt tay để tăng giá bán một cách vô tội vạ, đẩy giá bán cao hơn so với giá thành.