Cứ vào khoảng tháng 8 đến tháng 11 âm lịch, người dân một số nơi như Ngọc Lặc, Lang Chánh (Thanh Hóa)... lại tất bật vào vụ sấy cau để bán cho thương lái Trung Quốc.
Nhờ nghề này mà nhiều chủ lò sấy cau kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.
Cau tươi được các chủ lò sấy thu mua từ các vùng ở Thanh Hóa và một số địa bàn lân cận như Nghệ An, Quảng Bình.
Bà Nguyễn Thị Yên, chủ lò sấy cau tại xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) cho biết: Mỗi năm công việc sấy cau chỉ thực hiện trong vòng 3 tháng, từ khoảng tháng 8 đến tháng 11 âm lịch, sau đó các thương lái Trung Quốc sang xem hàng và thống nhất giá cả.
Cũng theo bà Yên, cau tươi hiện tại được gia đình thu mua với mức khoảng từ 60.000-80.000 đồng/kg và cau được sấy có giá bán 400.000 đồng/kg.
Trước khi sấy thì phải lựa chọn và phân loại quả. Công đoạn sấy cau cũng khá đơn giản, trước hết phải luộc cau qua với nước, sau đó để ráo rồi mới đem đi sấy. Cau được sấy bằng than củi, điện trong vòng nhiều ngày.
Các cơ sở sấy cau tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động. Ngoài ra có khoảng 40-50 lao động thời vụ đi bẻ cau. Theo đó, tùy theo vị trí công việc, thu nhập của nhân công dao động thấp nhất từ 4,5-5 triệu đồng/tháng, cao nhất là 9 triệu đồng/tháng.
Theo các chủ lò sấy thì mỗi vụ sấy cau mang lại thu nhập cho họ từ 500-700 triệu đồng.
Tuy nhiên, công việc này cũng có nhiều rủi ro. Trước đây có những vụ do giá thu mua cau quá cao, lúc thuê xe vận chuyển sang cho thương lái Trung Quốc lại bị ép giá, không trả tiền khiến cho nhiều chủ hàng mất tiền tỷ.