De'Audra Ansley đăng ký theo học chuyên ngành kỹ thuật y sinh tại Đại học Texas ở San Antonio vào năm 2008, nhưng đã bỏ dở giữa năm thứ nhất sau khi cảm thấy kiệt sức và chán nản trong các lớp học.
Ansley nói: “Tôi cảm thấy như mình không nhận được các kỹ năng thực tế hoặc kinh nghiệm thực chiến mà tôi cần để làm việc trong lĩnh vực công nghệ từ các lớp học của mình. Vào thời điểm đó, tôi cũng nghĩ không biết mình có thể đi được bao xa nếu không có bằng cử nhân”.
Hiện tại, Ansley, 33 tuổi là product manager tại một công ty bất động sản có trụ sở tại trung tâm Texas. Cô làm việc từ xa tại nhà ở Houston và kiếm được hơn 100.000 USD mỗi năm (hơn 2,4 tỷ đồng/năm), theo các tài liệu CNBC Make It thu thập. Ansley không muốn chia sẻ tên sếp và mức lương chính xác để cô có thể thoải mái nói về tình hình công việc của mình.
Đây là cách Ansley xây dựng sự nghiệp của mình mà không cần bằng cử nhân đúng chuyên ngành:
Không nản lòng khi không được công nhận
Ansley có được công việc đầu tiên với vai trò trợ lý sản xuất tại BMF, một công ty marketing ở Austin, bằng cách nêu bật các kỹ năng mềm của bản thân như giao tiếp, lãnh đạo và quản lý thời gian - cô chứng minh qua các dự án làm bán thời gian trước đó - điều kiện cơ bản cần có.
Tại BMF, Ansley đã học được hai kỹ năng quan trọng nhất mà sau này cô cần để trở thành một product manager: giải quyết vấn đề và làm việc giữa các đội nhóm.
Cô nói: “Tôi chịu trách nhiệm điều phối các sự kiện tại South by Southwest với hàng trăm người tham dự và đảm bảo rằng các đồng nghiệp của tôi, nhà cung cấp và khách hàng đều đang làm công việc của họ và mọi người đều vui vẻ”.
Ansley biết rằng để nổi bật trong lĩnh vực của mình - và có thể cạnh tranh trong tương lai với những người có bằng cử nhân - cô cần phải sở hữu những kỹ năng đặc biệt và kinh nghiệm làm việc thực tế.
Cô nhớ lại: “Thay vì tiệc tùng vào cuối tuần, tôi thức đọc sách kinh doanh hoặc tham gia các lớp học trực tuyến về thiết kế sản phẩm và phát triển tổ chức”.
Năm 2015, sau khi làm việc tại BMF được ba năm, Ansley quyết định muốn học thêm chuyên môn kỹ thuật và nghỉ việc để làm việc tại Texas Windstorm Insurance Association. Ở đó, cô là chuyên gia về tài liệu, tổ chức và phân tích tài liệu bảo hiểm trực tuyến.
Từ năm 2015 đến năm 2021, cô giữ một số vai trò marketing và hành chính tại các công ty khác nhau ở Austin.
Việc chuyển đổi giữa các công việc khó khăn hơn Ansley dự đoán - mỗi khi nhận được email từ chối, cô lại đặt câu hỏi liệu quyết định nghỉ học có đúng đắn hay không.
Ansley nhớ lại: “Đó là thử thách nối tiếp thử thách với cảm giác thất bại, những người thân thiết với tôi nói với tôi rằng tôi sẽ không bao giờ kiếm được hàng tỷ đồng nếu chưa học xong đại học. Nhưng cuối cùng, tôi đã không để những lời nói đó làm mình nản lòng. Tôi lấy những nhận xét và sự từ chối của doanh nghiệp để tiếp thêm động lực cho mình. Tôi muốn chứng minh những người đó sai”.
Sức mạnh của “networking”
Khi Ansley tìm kiếm những cơ hội mới, cô không bao giờ ngại tìm kiếm feedback và hướng dẫn.
“Tôi trả lời hầu hết các email từ chối việc làm mà tôi nhận được với hai câu hỏi giống nhau: ‘Làm cách nào để tôi có thể thể hiện mình là một ứng viên tốt hơn? Hay có yếu điểm nào trong sơ yếu lý lịch của tôi”.
Ansley giải thích. “Mọi người dễ tiếp nhận những yêu cầu như vậy hơn bạn nghĩ, họ đánh giá cao việc bạn muốn tiến bộ hơn”.
Ansley cho biết cách tiếp cận chủ động này khiến cô mở rộng networking, từ đó giúp cô chuyển đổi từ lĩnh vực marketing sang quản lý sản phẩm.
Vào năm 2020, Ansley nhìn thấy một bài đăng trên LinkedIn từ Kami Smith - một người mà cô gặp qua người bạn chung nhiều năm trước về việc rời bỏ bộ phận tiếp thị để trở thành product manager.
Kami Smith đã khuyến khích Ansley nghiên cứu, thu thập dữ liệu, quy trình phát triển phần mềm và các kỹ năng kỹ thuật khác mà người quản lý sản phẩm sử dụng trước khi ứng tuyển vào các vị trí. Cô cũng đề nghị sẽ giới thiệu Ansley cho nhiều vị trí đang tuyển dụng trong đội nhóm của cô ấy.
Trong khi một số công ty thích người quản lý sản phẩm có bằng cử nhân về quản lý kinh doanh, quản lý chuỗi cung ứng hoặc các lĩnh vực liên quan nhưng không phải lúc nào cũng bắt buộc. Ansley nói, điều quan trọng hơn nhiều là các kỹ năng kỹ thuật, tư duy chiến lược và kinh nghiệm mà bạn có.
Ansley đã tích lũy kinh nghiệm quản lý sản phẩm của mình bằng cách tình nguyện tham gia các dự án đa chức năng, theo dõi những người quản lý sản phẩm mà cô làm việc cùng và giúp đỡ các đồng nghiệp trong việc thử nghiệm và phân tích thị trường.
Sau một thời gian làm cộng tác viên, vào tháng 8 năm 2021, Ansley bắt đầu công việc đầu tiên của mình trong lĩnh vực quản lý sản phẩm. Dần dần nó giúp cô kiếm được mức thu nhập hàng tỷ đồng/năm và cô vẫn làm tiếp tục công việc này cho tới hiện tại khi được thăng chức làm giám đốc.
Hiện tại, cô làm việc từ xa tại nhà. Cô duy trì lịch làm việc thông thường từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, đôi khi sớm hơn hoặc muộn hơn tùy thuộc vào khối lượng công việc.
Một số nhân viên tại công ty được yêu cầu làm việc tại văn phòng, nhưng Ansley được thuê từ xa và được phép làm việc tại nhà toàn thời gian. Ansley cho biết cô đánh giá cao sự linh hoạt này.
Ansley nói quản lý sản phẩm là một “nghề nghiệp tuyệt vời” dành cho những người không có bằng cử nhân vì nó dựa vào các kỹ năng có thể chuyển giao như quản lý dự án và phân tích dữ liệu.
Cô nói: “Ngay cả khi không có nền tảng kỹ thuật, rất nhiều công ty cung cấp chương trình đào tạo tại văn phòng hoặc cho phép truy cập các tài nguyên kỹ năng. Nếu bạn sẵn sàng học hỏi, cộng tác với người khác và là một người kiên nhẫn, bạn có thể xuất sắc trong công việc này”.
*Bài viết là một phần của loạt bài Make It's Ditching the Degree của CNBC - tôn vinh những người phụ nữ đã xây dựng được sự nghiệp thành công với mức thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Tham khảo CNBC