“Trung bình mỗi tháng, tôi bán 5-8 kg trà đinh với giá 3-4 triệu đồng/kg, trà nõn 10-15 kg với giá 800.000-1,5 triệu đồng/kg thì ngang bằng lúc trước bán vài tạ chè thường chỉ 200.000-300.000 đồng/kg” - chị Lê Thị Minh (ở Tân Cương, Thái Nguyên ) nói.
Để có kết quả thành công hôm nay, chị đã có cả một hành trình dài thấm đẫm gian khó. Thậm chí có lúc chị đã tự tay đổ bỏ hàng chục, hàng trăm cân chè vì không đạt yêu cầu. Đầu tiên chị cải tiến toàn bộ quy trình sản xuất từ khâu hái, xao sấy, đánh hương cho đến đóng gói thành phẩm.
Trong đó, yếu tố quan trọng nhất để làm ra loại trà thượng hạng đòi hỏi người chế biến phải có tay nghề cao và tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc sản xuất. Công đoạn xao chè là quan trọng nhất, quyết định đến mùi hương, màu sắc của nước. Nếu để non lửa chè sẽ có mùi ngái, nước đục, còn để già lửa sẽ dẫn đến hiện tượng cháy, nước đỏ.
Trà đinh chỉ lấy phần búp non với 4-5 người hái chuyên nghiệp. Ảnh: Internet
Hiện sản phẩm trà đinh nõn do chị Minh sản xuất được phân phối tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước và có mặt tại Nga, Trung Quốc, EU...
Theo chị Minh, để một sản phẩm bán được giá cao, ngoài chất lượng tốt thì chưa đủ, mặt hàng còn phải phù hợp với xu thế thị trường và thị hiếu của khách hàng.
Nhằm tiếp cận người tiêu dùng một cách khôn khéo, thời gian đầu chị thường tặng kèm các tép nhỏ trà thượng hạng khi khách mua sản phẩm chè khác, từ đó tìm kiếm ra được nguồn khách mới trong các mối cố định.
“Sau mỗi lần mua hàng, tôi thường xin lại số điện thoại của khách để khi họ dùng xong có thể hỏi thêm về tình hình sản phẩm, từ đó đưa ra chiến lược sản xuất, tiếp cận thị trường cho phù hợp. Bởi tôi luôn tâm niệm rằng chỉ có người trực tiếp dùng sản phẩm mới đánh giá được chính xác thứ họ cần” - chị chia sẻ với báo chí.
Chị Minh đã bắt kịp xu hướng thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm trà đinh Thái Nguyên. Ảnh: Vietnamnet
Để bắt kịp dòng chảy của thị trường, chị thường xuyên tìm đặt mua các sản phẩm trà xuất khẩu của nước bạn như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ... để thấy được xu hướng, mẫu mã, kiểu cách mà người dùng trên thế giới đang hướng tới. Qua đó, thấy sản phẩm của mình cần có những gì và đổi mới ra sao.
Ngoài ra, chị còn sớm áp dụng công nghệ thông tin trong khâu buôn bán. “Nếu 7-8 năm trước mà hỏi tôi về ATM, chuyển khoản, hóa đơn điện tử chắc tôi chết lặng bởi chẳng biết đó là gì, vì ngay cả việc nhìn thấy cây rút tiền cũng là thứ xa xỉ” - nữ nông dân Thái Nguyên nhớ lại.
Sau 10 năm vận hành, dây chuyền sản xuất trà giờ trở nên chuyên nghiệp và quy củ. Đây đang là cỗ máy “hái ra tiền”, giúp chị Minh đổi chè thành vàng ròng. Chị cũng mở được thêm hai nhà xưởng với dây chuyền hiện đại, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nhân công, thu về mỗi năm hàng tỉ đồng.
Điều đặc biệt ở chè đinh Thái Nguyên là chỉ lấy phần búp của những bãi chè có tuổi đời đáng kể. Đây là một trong những lý do làm cho loại chè Thái Nguyên đặc sản này đắt. Thêm nữa, những đồi chè lâu đời này được người dân chăm sóc vô cùng cẩn trọng, không có thuốc trừ sâu, chỉ bón phân hữu cơ hoặc phân vi sinh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. |
Hiện trà Việt Nam dù xuất khẩu với khối lượng thứ năm toàn thế giới (đạt 217 triệu USD năm 2016) nhưng vẫn bị xếp vào hạng “không có thương hiệu”. Ông Nguyễn Hữu Tài (Chủ tịch Hiệp hội Trà Việt Nam) cho biết mỗi năm, ngành trà phải chịu thiệt hại hàng trăm tỉ đồng do ngành trà chưa thực hiện được đúng luật tiêu chuẩn, quy chuẩn về nguyên liệu, cách thức chế biến, tiêu thụ do Nhà nước ban hành. |