Những điểm chính trong phiên tòa
Thẩm phán William Ehrcke của Tòa án Tối cao British Columbia đã bày tỏ lo ngại và đặt ra nghi vấn liệu chồng bà Mạnh - ông Lưu Hiểu Tông - có thể làm người bảo lãnh được hay không. Mặt khác, thẩm phán khẳng định không thể có bất kì hình thức nào để đảm bảo 100% bà Mạnh sẽ không bỏ trốn. Phiên tòa tạm dừng và sẽ tiếp tục vào ngày hôm nay (11/12 - giờ Canada).
Công tố viên chính phủ John Gibb-Carsley cho biết hội đồng xét xử luôn "có mối quan tâm đặc biệt" về sự uy tín của ông Lưu trong vai trò là người bảo lãnh - xét tới việc ông không có đủ sự liên kết mật thiết với Canada và Vancouver. Trong khi đó, trách nhiệm của người bảo lãnh là phải đảm bảo bị cáo trở lại tòa khi hết hạn tại ngoại.
Ông Ehrcke cho biết tòa án cần một người bảo lãnh thật sự "chắc chắn" và lấy dẫn chứng rằng visa du lịch của ông Lưu có thể hết hạn.
"Một người tới đây bằng visa du lịch thì hiển nhiên không phải là công dân của British Colombia rồi. Rõ ràng là như thế, không phải sao?" thẩm phán đặt ra câu hỏi với luật sư của bà Mạnh David Martin.
Ông Lưu Hiểu Tông - chồng bà Mạnh Vãn Chu. Ảnh: James MacDonald/Bloomberg
Trước đó, luật sư Martin cho biết chồng bà Mạnh sẵn sàng trả chi phí bảo lãnh lên tới 11 triệu USD giá trị bằng tiền mặt và thế chấp hai căn biệt thự tại Vancouver để đưa vợ rời khỏi trạm giam, đặc biệt trong bối cảnh bà Mạnh có thể bị dẫn độ tới Mỹ.
Theo ông Martin, ông Lưu sẽ đảm bảo bà Mạnh sẽ tuân thủ theo yêu cầu tại ngoại. Ngoài ra, các số liệu bất động sản và bản tuyên thệ cho hay tổng giá của 2 căn biệt thự là ngoài 15 triệu USD, cao hơn rất nhiều mức bảo lãnh cần thiết.
Các mối lo ngại chính khi bà Mạnh được tại ngoại
Vụ án xét xử nhân vật cấp cao của Huawei đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và rất nhiều nhà đầu tư ở hai bên bờ Thái Bình Dương trước lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn. Bà Mạnh đã tham gia phiên tòa với sự hỗ trợ của phiên dịch viên tại tòa án Vancouver.
Luật sư Martin biện hộ: "Bà Mạnh là người có cá tính và nhân phẩm tốt. Bà ấy sẽ tuân thủ yêu cầu của tòa án".
Đáp lại, ông Ehrcke hỏi ông Martin làm thế nào mà ông Lưu có thể trở thành người bảo lãnh cho vợ, đặc biệt khi tòa án cũng không thể yêu cầu ông Lưu bắt buộc phải ở lại Canada được. Sau đó, luật sư Martin nói ông không biết về tình trạng nhập cư của ông Lưu tại Canada.
Khoản tiền bão lãnh được đưa ra là 11 triệu USD bằng tiền mặt và bất động sản. Phía công tố viên yêu cầu giá trị bảo lãnh được trả một nửa bằng tiền mặt và một nửa thế chấp bằng các căn biệt thự.
Trước đó, chuyên gia của phía biện hộ là Scot Filer - giám đốc điều hành của Tập đoàn quản lý rủi ro Lions Gate và là cựu thành viên của Cảnh sát Hoàng gia Canada - đã đứng ra lí giải hình thức giúp đảm bảo CFO của Huawei không bỏ trốn.
Cụ thể, ông Filer thừa nhận hình thức kiểm soát bằng công nghệ định vị là không đủ. Tuy nhiên, nếu có thêm 2 sĩ quan an ninh, 1 tài xế túc trực theo dõi địa điểm của bà Mạnh thì sẽ giảm nguy cơ bà Mạnh rời khỏi Canada.
Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. Ảnh: Jason Alden/Bloomberg
"Tôi chắc chắn rằng những gì chúng tôi có sẽ thuyết phục được tòa án," ông Filer nói.
Ngoài ra, ông Martin cho biết bà Mạnh sẽ trả thêm các khoản phí an ninh để "tăng cường đảm bảo" rằng bà sẽ ở lại Canada cho tới hết thời hạn tại ngoại.
Công tố viên Gibb-Carsley phản bác, viện chứng rằng bà Mạnh "quá giàu có" và có thể dễ dàng trả mọi chi phí cần thiết rồi rời khỏi Canada. Sau khi biết quá trình hoạt động của mình bị điều tra, bà Mạnh và các quan chức cấp cao của Huawei đã hoàn toàn tránh di chuyển tới Mỹ - ông Gibb-Carsley cho hay.
Luật sư của bà Mạnh sau đó lên tiếng rằng thân chủ không hề có tiền án, có các nhân vật cấp cao khác làm chứng và cho rằng có những mối liên kết đáng kể để bà tiếp tục ở lại Vancouver. Phía luật sư dẫn chứng thêm về tình trạng sức khỏe, nhu cầu sử dụng thuốc hàng ngày của bà Mạnh để yêu cầu đưa bà rời khỏi trại giam khu vực Vancouver.
Bên cạnh đó, bà Mạnh chỉ có hai hộ chiếu có hiệu lực - một từ Trung Quốc và một từ Hồng Kông - và đã đều bị tịch thu. Điều này đồng nghĩa với việc bà Mạnh không thể di chuyển bằng các chuyến bay phổ thông. Nếu muốn trốn thoát bằng đường bộ, thì bà Mạnh chỉ có thể tới Mỹ, mà đây lại là quốc gia "trông chờ" vào cuộc dẫn độ của vị CFO này - bên luật sư lập luận.
Động thái chưa từng có của Mỹ
Bà Mạnh bị bắt giữ vào ngày 1/12 khi đang chờ chuyển chuyến bay ở Vancouver để tới Mexico. Các tội danh của bà bao gồm tham gia vào quá trình vi phạm lệnh cấm vận bán các thiết bị viễn thông của Trung Quốc cho Iran.
Đây là động thái chưa từng thấy từ phía Mỹ khi bắt giữ và xét xử một nhân vật quan trọng của Trung Quốc - con gái của tỉ phú Huawei Nhậm Chính Phi.
Vụ việc đã làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trong bối cảnh chiến tranh thương mại vừa mới tạm dừng được ít lâu.
Theo các chuyên gia, động thái của Mỹ chứng tỏ Washington đang triển khai kế hoạch kìm hãm sự phát triển thần tốc của Trung Quốc cũng như buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho chủ nghĩa bảo hộ và nạn đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Phiên điều trần tại Vancouver là khởi đầu cho quy trình pháp lí tại Canada và có thể dẫn tới việc dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ. Kể cả khi Mỹ - Canada có hiệp ước dẫn độ, thì quá trình dẫn độ cũng có thể phải mất tới hàng tháng, thậm chí hàng năm.
Nếu một thẩm phán quyết định dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ, thì phía bà Mạnh vẫn có nhiều cơ hội để kháng án.