Theo Đài NBC (Mỹ), Lầu Năm Góc đã dự tính kế hoạch đặc biệt về một đòn tấn công phủ đầu bằng các máy bay ném bom hạng nặng B-1 nhằm vào Triều Tiên.
Nguồn tin từ hai quan chức quân sự cấp cao đương nhiệm và hai quan chức cấp cao đã nghỉ hưu của Mỹ cho biết trọng tâm của kế hoạch tấn công phủ đầu Triều Tiên là sử dụng các máy bay ném bom hạng nặng B-1B xuất phát từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam.
Các cặp máy bay B-1 đã tiến hành 11 đợt thao tác thực hành sứ mệnh tấn công kiểu này kể từ cuối tháng 5 năm nay, đợt thao tập gần nhất diễn ra ngày 7/8 vừa qua.
Tuy nhiên, theo trang mang quân sự Aviationist, các máy bay ném bom B-1B Lancer có thể sẽ không tham gia ngay ở những đợt tấn công đầu tiên nếu Mỹ quyết định đánh đòn phủ đầu.
Kịch bản nào có thể xảy ra?
Theo Aviationist, kịch bản tấn công phủ đầu thông thường nhằm vào Bình Nhưỡng sẽ là một chiến dịch không quân quy chuẩn: Khai hỏa bằng tên lửa hành trình, phần lớn (nếu không muốn nói là tất cả) sẽ được phóng đi từ tàu chiến hoặc tàu ngầm, tiếp đến là các đợt không kích chiến lược và chiến thuật (do các máy bay chiến thuật đảm nhiệm).
Cuộc chiến tranh Triều Tiên có thể diễn ra theo 4 giai đoạn:
1) Củng cố và thu thập thông tin tình báo (đang thực hiện).
2) Ồ ạt tấn công bằng tên lửa hành trình.
3) Không kích bằng máy bay ném bom chiến lược.
4) Các máy bay chiến thuật tham gia trấn áp hỏa lực và pháo binh Triều Tiên dùng tấn công Seoul.
Một tên lửa hành trình Tomahawk của Hải quân Mỹ khải hỏa. Ảnh: Businessinsider
Giai đoạn 1 liên quan tới việc bố trí các phương tiện cần thiết để thu thập dữ liệu định vị chính xác mục tiêu.
Giai đoạn này đã bắt đầu từ vài tháng trước đây. Các vệ tinh và máy bay do thám đã được triển khai theo dõi Triều Tiên nên nếu Mỹ thực sự quyết định tấn công, những hoạt động tình báo này sẽ chỉ cần tăng cường thêm để giúp xác định các mục tiêu ở những giai đoạn đầu của cuộc không kích, nhất là khi Triều Tiên đã di chuyển các xe phóng tên lửa khắp đất nước.
Giai đoạn 2 có thể sẽ chứng kiến sự tham gia của các tàu khu trục thuộc vùng hoạt động của Hạm đội 7, mỗi chiếc về lý thuyết có thể mang tới 90 tên lửa hành trình chiến thuật Tomahawk (thực tế ít hơn vì những tàu chiến này thường mang theo cả tên lửa tấn công và phòng thủ). Tàu ngầm cũng có thể sẽ được sử dụng để phóng các tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk (TLAM).
Ở giai đoạn 3, một số máy bay ném bom chiến lược của Mỹ có khả năng sẽ được huy động theo sứ mệnh tấn công luân chuyển toàn cầu, từ Mỹ cũng như từ Guam, để tấn công các mục tiêu cụ thể như boong ke hay hầm ngầm.
Một số máy bay tàng hình B-2 Spirit sẽ xuất kích (có thể sử dụng bom phá boong ke thông minh hạng nặng GBU-57A/B Massive Ordnance Penetrator, nặng 13.608 kg), tiếp đến là một số chiếc B-1 và có thể cả B-52.
Giai đoạn 4 sẽ là công việc của các máy bay chiến thuật (từ các căn cứ trên bộ hoặc tàu sân bay) tham gia truy lùng các tên lửa đạn đạo di động và bất cứ mục tiêu pháo binh nào khác để ngăn chặn Bình Nhưỡng tấn công đáp trả (thậm chí là hạt nhân). Đây không phải công việc dễ dàng vì rất nhiều phương tiện đã được Triều Tiên cất giấu dưới lòng đất hoặc đã di tản.
Trong trường hợp này, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cùng với các tàu chiến mang tên lửa Aegis sẽ giữ vai trò đánh chặn các tên lửa khi chúng được phóng đi nhằm vào Hàn Quốc.
Các máy bay không người lái tầm cao RQ-4 Global Hawk từ căn cứ không quân Yokota, Nhật Bản sẽ thực hiện nhiệm vụ đánh giá thiệt hại sau không kích (BDA). Một số cuộc xuất kích cũng có thể dung máy bay do thám U-2.
Máy bay E-6 Mercury của Quân đội Mỹ: Ảnh: The Aviationist
Trong số rất nhiều các phương tiện yểm trợ, E-6 Mercury của Hải Quân Mỹ có thể sẽ đóng một vai trò lớn trong cuộc chiến tranh không quân của Mỹ với Triều Tiên.
E-6B TACAMO ("Nhận và chuyển lệnh") nằm trong số những tài sản quan trọng nhất trong kho vũ trang của Mỹ. Chúng có thể giao tiếp với gần như mọi dải tần radio, với vệ tinh thương mại và trên Internet, sử dụng cả hệ thống VOIP an toàn.
E-6 được sử dụng để chuyển thông tin hoặc mệnh lệnh cho các tàu ngầm tấn công tên lửa đạn đạo. Trong trường hợp chiến tranh, chúng có thể định hướng cho các lực lượng hạt nhân và thông thường qua việc tiếp nhận, xử lý và truyền tải các thông điệp hành động khẩn cấp (EAM).