Như thông tin đã đăng tải trước đó, hợp đồng mua sắm hệ thống tên lửa phòng không S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang có nguy cơ đi tới đổ vỡ do Ankara chịu sức ép quá lớn từ Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải từ bỏ S-400 do lợi ích của hệ thống phòng không này mang lại chẳng thể bù đắp thiệt hại khi họ mất 100 tiêm kích tàng hình F-35A cũng như các gói hỗ trợ kinh tế khác.
Bằng chứng rõ ràng nhất là bộ trưởng quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố trì hoãn thời hạn tiếp nhận tổ hợp S-400 đầu tiên, hành động được bình luận là Ankara đang tìm lối thoát.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hợp đồng S-400 thì đối với Nga cũng không phải là vấn đề quá lớn, khi họ đã nhận tiền đặt cọc và có thể sang tên tổ hợp phòng không này cho một đối tác thân thiết ngay lập tức.
Còn đối với Ankara, họ sẽ vừa mất tiền đặt cọc lại còn có nguy cơ không thể hợp tác với Nga trên chiến trường Syria như trước kia, nhất là khi các nhóm phiến quân mà họ ủng hộ vẫn bị vây hãm ở Idlib.
Trong tình cảnh này, một kịch bản vừa được nhắc tới có thể sẽ mang lại lợi ích lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ khi họ không bị mất bất cứ thứ gì, nhưng sẽ làm Nga phải cảm thấy "lạnh gáy"
Để tránh thiệt hại cho Thổ Nhĩ Kỳ, có thể Mỹ vẫn đồng ý cho Ankara nhận S-400, đi kèm với việc tiếp tục bàn giao tiêm kích tàng hình F-35 để đổi lấy bí mật của vũ khí này.
Từ trước tới nay Mỹ vẫn luôn tìm cách nắm được bí mật của tên lửa phòng không Nga. Sau khi Liên Xô tan rã, Washington qua nhiều con đường đã mua được một số tổ hợp S-300V và S-300PT nhưng S-400 thì họ vẫn chưa có cơ hội tiếp cận.
Nếu Ankara đồng ý với đề xuất trên, tức là âm thầm cho Mỹ tiếp cận tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa tối tân S-400 thì họ sẽ thu về vô số lợi ích, khi vừa có được S-400 lại vẫn nhận đủ tiêm kích tàng hình F-35, thậm chí không loại trừ cả Patriot PAC 3.
Nga sẽ rất khó giám sát hành động trên của Ankara, bởi vì họ chỉ có thể ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ bán lại S-400 cho Mỹ nhưng gần như bất lực nếu chuyên gia quân sự Mỹ âm thầm tham gia quá trình vận hành để nắm bắt vũ khí này.
Dù sao đi nữa Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một quốc gia NATO, họ sẽ nghiêng về phía khối quân sự khổng lồ này nhiều hơn do nhận được quá nhiều lợi ích trong quá trình hợp tác.
Bên cạnh đó, nếu kịch bản trên trở thành hiện thực thì còn có thể coi là thắng lợi cực lớn của Tổng thống Erdogan, khi ông ta biến cả Mỹ lẫn Nga trở thành quân cờ trong tay mình.
Thậm chí không loại trừ khả năng trong thời gian ngắn sắp tới, thương vụ mua sắm vũ khí đình đám này còn tiếp tục xuất hiện diễn biến mới mà chẳng ai có thể ngờ nổi.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-kich-ban-lanh-gay-doi-voi-nga-khi-tho-nhi-ky-co-ca-s400-lan-f35/812383.antd