Điểm khác nhau giữa tác động của Covid-19 và 2 cuộc khủng hoảng trong quá khứ
Trao đổi về tình hình kinh tế quý I/2020 với Trí Thức Trẻ, ông Trần Hoàng Ngân cho biết con số ước tính 3,82% do Tổng cục Thống kê đưa ra là rất khả quan trong tình hình hiện tại. Đặc biệt nếu so với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, GDP quý I ở thời điểm đó chỉ đạt 3,1%.
Dù vậy, ông cũng thừa nhận rằng kinh tế Việt Nam đang trải qua một cú sốc lớn vì bệnh dịch. Do có thêm độ trễ, nhiều khả năng quý II/2020, tác động với nền kinh tế sẽ lớn hơn. Tác động lớn, nhưng ông Hoàng Ngân tỏ ra lạc quan về khả năng phục hồi hậu dịch Covid-19.
Ông lý giải rằng "cú đập" lần này vào nền kinh tế là một biến ngoại sinh, một yếu tố "từ trên trời rơi xuống" chứ không phải do yếu kém nội tại.
"Cú đập này rất nặng nề nhưng nó cũng sẽ được vực dậy rất nhanh", ông Ngân nói và dẫn ra hai báo cáo mới nhất của World Bank và ngân hàng ADB dự kiến GDP 2020 Việt Nam lần lượt là 4,9% và 4,8% và bật tăng thành 7,5% và 6,8% vào năm 2021.
"Có thể hình dung tác động của cuộc khủng hoảng này với Việt Nam sẽ đi theo hình chữ V", ông nhận định. Mô hình chữ V thường được xem là kịch bản lạc quan nhất, hàm ý sự phục hồi nhanh khi nền kinh tế chạm đáy và bật tăng tương đương với đà sụt giảm.
Phân tích kỹ hơn, ông Ngân nhắc lại những tác động mà Việt Nam trải qua trong những kỳ khủng hoảng trước đó.
Cụ thể là khủng hoảng tài chính Đông Nam Á những năm 1997, 1998. Lúc này, Việt Nam chưa hội nhập sâu rộng (chưa gia nhập WTO, chưa có thị trường chứng khoán, độ mở nền kinh tế chỉ khoảng 60 – 65% GDP) nên tác động không lớn.
Ở thời điểm trước khủng hoảng, nền kinh tế tăng trưởng khoảng 8 – 9% (giai đoạn 1992 – 1997), đến khi khủng hoảng thì rơi xuống mức 5,76% năm 1998 và 4,7% năm 1999, và phục hồi vào năm 2000.
"Đáy của đợt suy giảm này kéo dài trong 2 năm", ông cho biết.
Nhưng mọi việc tồi tệ hơn ở cuộc khủng hoảng giai đoạn 2008 – 2009 khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO. Tác động của cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm 2008 cho đến năm 2012 và chỉ phục hồi mạnh trong vài năm trở lại đây. "Phải từ năm 2016 kinh tế mới có được đà tăng trưởng tốt", ông Ngân nói.
"Ảnh hưởng của lần khủng hoảng năm 2008 – 2009 nặng và kéo dài. Dù vậy, tôi tin điều này sẽ không diễn ra với năm nay khi chúng ta đang trong đà phát triển tốt", ông một lần nữa khẳng định quan điểm của mình.
Lý do ông đưa ra là kinh tế vĩ mô Việt Nam được giữ ổn định trong 5 năm, lạm phát kiểm soát dưới 4%. Liên tiêos trong 2 năm 2018, 2019, GDP đất nước đạt trên 7%.
"Việc giảm tăng trưởng ở thời điểm này vì dịch bệnh cũng là quy luật chung. Tuy nhiên, qua đợt dịch này, ông cho rằng các quốc gia khác cũng phải nhìn lại Việt Nam với kỹ năng quản trị, khống chế dịch bệnh tốt. Đó cũng phần nào giải thích cho những dự báo lạc quan của World Bank hay ADB".
Điều cần làm để nền kinh tế bật tăng
Tuy nhiên, để đảm bảo nền kinh tế có thể bật tăng trở lại, ông Hoàng Ngân có một số lưu ý:
Thứ nhất là phải tận dụng được cơ hội từ hiệp định EVFTA để đưa hàng Việt Nam qua thị trường châu Âu, đặc biệt khi thị trường những nước này sẽ phải giải quyết những "vết thương" hậu Covid-19.
Thứ hai, Chính phủ cần làm nhanh, sớm, quyết liệt các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, tránh tình trạng phá sản, giải thể ồ ạt. "Phải giữ cho doanh nghiệp tồn tại, doanh nghiệp mà chết, kinh tế sẽ phục hồi rất chậm", ông nói.
Những chính sách để giữ cho doanh nghiệp sống còn được ông điểm ra nhưng gia hạn nợ, hoãn, giãn thời gian trả nợ, trả nợ với điều kiện thuận lợi và minh bạch, giảm lãi suất khoản vay mới, miễn giảm thời gian nộp thuế, phí, tiền thuê đất...
Thứ ba, ông cũng đưa ra một số khuyến nghị cho gói tín dụng mà các ngân hàng thương mại (NHTM) đưa ra. Theo ông, để có thể giúp cho các NHTM mạnh dạn cho doanh nghiệp giảm lãi suất, cơ cấu nợ, cho vay mới thì phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phải có thông điệp rõ rằng về việc sẵn sàng cung cấp thanh khoản cho NHTM trong các tình huống khó khăn.
"Phải có sự cam kết chắc chắn để NHTM yên tâm trong việc gia hạn nợ", ông Ngân nói. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng NHNN có thể câm nhắc thêm việc điều chỉnh dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ cho thị trường...
Cuối cùng là về giải ngân đầu tư công với số vốn giải ngân gần 700.000 tỷ đồng. Theo ông Ngân, rào cản vốn nằm ở thể chế, quy trình. Tuy nhiên, Việt Nam đã có Luật Đầu tư công và các bộ, ngành sẽ sớm ban hành gnhij định hướng dẫn chi tiết để tháo gỡ vấn đề này.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng với những dự án đầu tư công liên quan đến các hạ tầng trọng yếu như sân bay, đường cao tốc thì có thể đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, rút ngắn quy trình, tận dụng thời điểm thông thoáng về vận tải để tiến hành làm ngay.
Ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh rằng các hạ tầng thiết yếu cần được làm sớm để khi hết dịch, những tắc nghẽn, vấn đề hạ tầng sẽ không còn là rào cản cho nền kinh tế.
"Hiện nay gói an sinh xã hội Chính phủ đã thảo luận xong, gói hỗ trợ doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện sớm, kịp thời, dễ thực thi, đúng đối tượng và đủ liều để doanh nghiệp tồn tại", ông nhấn mạnh.