Kịch bản Iraq 2003 đang được lặp lại tại Syria

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell sau này khẳng định rằng cuộc chiến được dựng lên từ những điều không có thật.

Sáng 7/4/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho các chiến hạm của Mỹ ở Địa Trung Hải bắn 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat gần thành phố Homs của Syria. Đây là hành động quân sự đơn phương của Mỹ.

Cuộc không kích này được tiến hành trong khi mới chỉ nghi ngờ chính quyền Syria sử dụng vũ khí hoá học tại Idlib và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang họp chưa đưa ra được kết luận ai chịu trách nhiệm về vụ này.

Kịch bản Iraq 2003 đang được lặp lại tại Syria - Ảnh 1.

Năm 2003, Tổng thống Mỹ lúc đó George Bush đã phát động chiến tranh Iraq.

Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid Muallem cũng tuyên bố Syria chưa hề sử dụng và sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hoá học trong tương lai. Hơn nữa, Tổ chức cấm vũ khí hoá học OPCW đã tiêu huỷ toàn bộ kho vũ khí hoá học của Syria từ năm 2014.

Hành động quân sự này được tiến hành với cái cớ hoàn toàn không mang tính thuyết phục, không dựa trên cơ sở pháp lý nào, thậm chí chưa có sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ và chưa nhận được sự đồng thuận của dư luận quốc tế, đặc biệt của Hội đồng Bảo an.

Hành động quân sự này có phần giống chiến dịch quân sự của Mỹ, Anh và một số nước tham gia liên quân chống Iraq 20/3/2003.Ngày 20/3/2003, Tổng thống Mỹ lúc đó G. Bush đã phát động cuộc chiến tranh tổng lực và chiếm đóng Iraq với cái tên Mỹ miều "Operation Iraqi Freedom" ( Chiến dịch tự do cho Iraq ).

Mục đích chính của chiến dịch quân sự này là lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein. Để tiến hành cuộc chiến tranh này, chính quyền G. Bush đã lấy lý do Iraq sở hữu vũ khí huỷ diệt hàng loạt WMD gồm vũ khí hoá học và sinh học, cho rằng Iraq là mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ, đồng thời tố cáo chính phủ Iraq nuôi dưỡng tổ chức khủng bố Al-Qaida.

Mỹ cũng đã khai hỏa khi Uỷ ban của Liên hợp quốc về thanh sát và điều tra các loại vũ khí huỷ diệt của Iraq UNMOVIC còn đang thi hành nhiệm vụ và chưa có kết luận gì về vấn đề này. Hội đồng Bảo an cũng còn đang thảo luận xem Iraq có vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc hay không. Chính phủ Iraq cũng nhiều lần tuyên bố không còn tàng trữ bất cứ loại vũ khí huỷ diệt nào.

Kịch bản Iraq 2003 đang được lặp lại tại Syria - Ảnh 2.

Năm 2003, Colin Powell, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó, đã trưng ra một vật thể và nói rằng đây là vũ khí giết người hàng loạt của Iraq. Năm 2017, đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cáo buộc chính phủ Syria thực hiện cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học.

Đến nay, sau 14 năm có mặt tại Iraq, Mỹ vẫn không tìm ra được bất cứ bằng chứng nào về việc Iraq sở hữu vũ khi huỷ diệt và quan hệ với các tổ chức khủng bố. Những lý do và thông tin sai lệch về vũ khí huỷ diệt tại Iraq được Cơ quan tình báo Mỹ CIA đưa ra trước chiến tranh đã bị phê phán mạnh mẽ trên thế giới cũng như trong nội bộ nước Mỹ.

Chính cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, người đã cầm một vật thể nhỏ giơ lên trước Đại hội đồng LHQ đầu 2003 và nói rằng đây là loại vũ khí giết người hàng loạt của Iraq, sau này đã khẳng định rằng một cuộc chiến được dựng lên từ những điều không có thật. Cũng chính ông đã thừa nhận mình bị biến thành "bù nhìn" ở thời điểm quyết định quan trọng.

Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên tờ Le Nouvel Observateur của Pháp sau khi nổ ra chiến tranh, Collin Powell đã nói: "CIA đã lừa tôi" và "nỗi hổ thẹn nhất trong cuộc đời hoạt động ngoại giao của tôi là đã buộc phải nói dối".

Kịch bản Iraq 2003 đang được lặp lại tại Syria - Ảnh 3.

Tiếp theo cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powel, năm 2013, kỷ niệm 10 năm cuộc chiến Iraq, ông Hans Blix, người đứng đầu Uỷ ban thanh sát vũ khí của Liên hợp quốc tại Iraq UNMOVIC đã nói rằng: Cuộc chiến này là một sai lầm khủng khiếp, vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên hợp quốc. Cái gọi là "vũ khí huỷ diệt hàng loạt" của Iraq thật sự chẳng có.

Ngày 7/4/2017, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng dự thảo nghị quyết của Mỹ, Pháp và các đối tác phương Tây đưa ra tại Hội đồng Bảo an cáo buộc quân chính phủ Syria sử dụng vũ khí hoá học ở Idlib là tài liệu hoàn toàn giả mạo, hoàn toàn dựa vào những thông tin giả.

Bà M. Zakharova ví đây là Colin Powel số hai. Trong khi đó, Ngoại trường Nga Sergey Lavrov trong một cuộc họp báo tại Tashkent đã nói rằng cuộc tấn công Syria rạng sáng 7/4/2017 làm cho chúng ta nhớ lại chiến dịch quân sự của Mỹ chống Iraq năm 2003.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại