Bất chấp những khó khăn được cảnh báo trước đó, thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib vẫn được đánh giá là hoạt động khá ổn định sau hơn một tuần triển khai.
Dù cho nội dung thỏa thuận chưa thật sự giải quyết triệt để bế tắc ở thành trì cuối cùng của phiến quân ở Syria, nó vẫn được đánh giá là một giải pháp "có còn hơn không", theo South Front.
Số phận của thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib sẽ phụ thuộc vào kết quả của các nỗ lực tuần tra đầu tiên giữa Nga-Thổ.
Tình hình trên chiến trường giữa quân đội Syria và các nhóm chiến binh được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn vẫn tương đối bình ổn. Các cuộc đụng độ vẫn diễn ra lẻ tẻ ở phía đông nam Idlib và phía Tây Aleppo nhưng không dẫn đến bất kỳ sự leo thang nào.
Như một động thái tôn trọng phần nào đó thỏa thuận ngừng bắn, cuộc đối đầu hiện tại giữa một bên là các nhóm vũ trang ở Idlib cùng Thổ Nhĩ Kỳ và phía bên kia là Syria, Nga và Iran đã chuyển sang "khẩu chiến" thay vì "động thủ".
Trong diễn biến biến mới nhất, nhóm khủng bố Hayat Tahrir al-Sham (HTS), Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF) và các nhóm vũ trang khác vẫn ngoan cố tuyên bố sẽ không rút lui khỏi chiến tuyến bất chấp thỏa thuận ngừng bắn Nga-Thổ.
Nhóm khủng bố Đảng Hồi giáo Turkistan (TIP) thậm chí còn tự tin khi tuyên bố sẽ nghiền nát "quân xâm lược Nga" nếu tiến quân đến đây. Các cứ điểm chính của nhóm này được đặt tại Jisr al-Shughur, ngay bên trong khu vực an ninh được lên kế hoạch dọc theo đường cao tốc M4, nơi Nga-Thổ sẽ tiến hành tuần tra chung.
Trong ngày 15/3, Nga-Thổ sẽ có cuộc tuần tra đầu tiên trong khu vực an ninh được nhất trí theo thỏa thuận. Theo các nhà phân tích, số phận của thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib sẽ phụ thuộc vào kết quả của các nỗ lực tuần tra đầu tiên giữa hai nước.
Tờ South Front đưa ra ba kịch bản chính:
Kịch bản thứ nhất: Các nhóm HTS, NLF, TIP chấp nhận rút lui khỏi khu vực an ninh dọc theo đường cao tốc M4 và ở phía Nam đường cao tốc này. Khu vực an ninh sẽ được thiết lập thành công và các cuộc tuần tra chung Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được triển khai mà không vấp phải bất kù rủi ro nào.
Trong trung hạn, diễn biến trên sẽ cho phép làm giảm leo thang tình hình ở phía Bắc Lattakia, và ở phía Nam và phía Đông của Idlib. Từ đó, một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn có thể sẽ được thiết lập trong khu vực.
Nga có thể nối lại cuộc tấn công ở Idlib nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thể trấn áp được các nhóm vũ trang ở Idlib.
Thổ Nhĩ Kỳ lúc này sẽ chuyển sang nỗ lực đối phó với các nhóm vũ trang bất tuân lệnh. Về mặt lý thuyết, nếu Thổ Nhĩ Kỳ có 2-3 năm hiện diện ở Idlib, nước này có thể vô hiệu hóa các nhóm khủng bố nguy hiểm nhất.
Ankara sẽ nỗ lực loại bỏ mối đe dọa khủng bố từ các nhóm chiến binh đang có ảnh hưởng lớn ở Idlib nhằm củng cố ảnh hưởng của chính mình trong khu vực.
Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng nó như một quân bài thương lượng trong các cuộc đàm phán chính trị cho cuộc xung đột ở Syria. Nếu không đạt được thỏa thuận như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ có thể chuyển sang cát cứ lâu dài các vùng lãnh thổ này.
Kịch bản thứ hai: Các nhóm khủng bố sẽ vẫn bám trụ dọc theo đường cao tốc M4 và khu vực an ninh của Nga-Thổ sẽ chỉ được tạo ra trên danh nghĩa.
Các cuộc tuần tra chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực sẽ trở nên bất khả thi vì mối đe dọa liên tục đến từ các nhóm khủng bố.
Tuy nhiên, trong trong trường hợp các cuộc tuần tra vẫn được thực hiện. Nguy cơ leo thang sẽ xảy ra. Các cuộc tấn công của khủng bố có khả năng dẫn đến thương vong cho quân cảnh Nga. Moscow sẽ đáp trả bằng cách nối lại chiến dịch ném bom trên không với quy mô toàn diện để chống lại phiến quân.
Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ còn cơ hội cuối cùng với thời gian ít ỏi để khắc chế các nhóm khủng bố tại đây. Nếu không làm được, quân đội Syria sẽ tiếp tục hoạt động tiến công ở Idlib với sự hỗ trợ toàn diện của Nga.
Kịch bản thứ ba: Lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thấu hiểu được những rủi ro của kịch bản số 2. Do đó, nếu các nhóm khủng bố không rút lui, Ankara và Moscow sẽ trì hoãn các cuộc tuần tra chung.
Hai bên sẽ tìm khắc phục các mối nguy hiểm trên tiền tuyến và tìm ra một số giải pháp có thể chấp nhận được.
Trong ngắn hạn, lệnh ngừng bắn sẽ vẫn được duy trì. Nhưng trong trung hạn, cách tiếp cận này chắc chắn sẽ dẫn đến một sự leo thang quân sự mới.
Cuộc dàn xếp chính trị trong hòa bình giữa chính quyền Damascus và phe đối lập "ôn hòa" Idlib sẽ là không thể được thực hiện cho đến khi nào khu vực này vẫn còn nằm trong tay những kẻ khủng bố.