Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Sergey Lavrov đã bác bỏ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất cho Mỹ. Ông khẳng định rằng, thỏa thuận mua bán năm 2017 bao gồm một điều kiện cấm Thổ Nhĩ Kỳ bán hoặc chuyển giao hệ thống cho bất kỳ bên thứ ba nào mà không có sự chấp thuận của Nga. Phát ngôn của ông Lavrov nhằm đáp trả các báo cáo cho rằng, Washington đang đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ S-400 để được trở lại tham gia vào chương trình máy bay chiến đấu F-35.
Ông Lavrov nhấn mạnh, để chuyển giao hoặc sửa đổi các hệ thống phòng thủ này theo bất kỳ cách nào, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần sự cho phép từ Nga. Điều kiện này nhằm duy trì quyền kiểm soát của Moskva đối với công nghệ quốc phòng mà họ xuất khẩu, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các thỏa thuận buôn bán vũ khí quốc tế.
Quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ
Theo tờ báo Hy Lạp Ekathimerini, các quan chức cấp cao của Mỹ đã đề xuất với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ của họ vào tháng 7 rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể chuyển hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất cho Mỹ hoặc chuyển nó đến khu vực do Mỹ kiểm soát tại Căn cứ Không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, Mỹ sẽ xem xét khôi phục sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào chương trình máy bay chiến đấu F-35. Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã bị loại khỏi chương trình này sau khi mua hệ thống S-400 từ Nga.
Ekathimerini trích dẫn các nguồn tin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ phản đối đề xuất của Mỹ, nhưng không bác bỏ hoàn toàn. Michael Rubin, một thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ và là cựu quan chức Lầu Năm Góc tiết lộ rằng, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố sẽ không từ bỏ S-400.
Vài ngày sau, Ekathimerini tiếp tục đưa tin rằng, các nguồn tin của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ không xác nhận cũng không phủ nhận bất kỳ diễn biến nào liên quan đến các cuộc đàm phán về S-400 và F-35, nhấn mạnh rằng lập trường của Ankara vẫn không thay đổi. Lập trường của cả hai nước về S-400 và F-35 đều "không có sự thay đổi" và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục cho rằng, các đồng minh nên tránh áp đặt các hạn chế hoặc lệnh trừng phạt lẫn nhau, vì những hành động như vậy trái ngược với tinh thần hợp tác của NATO.
Nguồn tin cũng lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ mong đợi các đồng minh của mình đưa ra quyết định phù hợp với các mục tiêu an ninh chung của NATO và dỡ bỏ mọi hạn chế áp đặt với nước này.
Thỏa thuận S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã trở thành tâm điểm chú ý kể từ khi được kí kết vào năm 2017. Với giá khoảng 2,5 tỷ đô la, Thổ Nhĩ Kỳ đã sở hữu một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới, gây ra mối quan ngại đáng kể cho các đồng minh NATO của nước này. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được lô S-400 đầu tiên vào tháng 7/2019, làm gia tăng căng thẳng với cả Mỹ và NATO, những bên coi việc mua hàng này là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh của liên minh.
Mỹ đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ, nêu ra những lo ngại rằng sự hiện diện của S-400 có thể gây tổn hại đến công nghệ của NATO, đặc biệt là máy bay chiến đấu F-35 mà Thổ Nhĩ Kỳ có ý định mua. Để đáp trả, Washington đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 và đến tháng 12/2020, áp đặt các lệnh trừng phạt nhắm vào ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã bảo vệ quyết định của mình. Bất chấp áp lực của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối rút lui khỏi thỏa thuận S-400, vốn vẫn là điểm gây tranh cãi trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ kể từ đó.
Hệ thống phòng không S-400
Hệ thống phòng không S-400 của Nga nổi tiếng trên toàn thế giới, được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không tinh vi nhất hiện nay. S-400 được thiết kế để đánh chặn nhiều mục tiêu trên không, bao gồm máy bay tàng hình, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái. Hệ thống radar của S-400 có phạm vi phát hiện lên tới 600 km, cho phép nó giám sát nhiều mục tiêu cùng lúc trên không phận rộng lớn.
Hệ thống S-400 có thể sử dụng nhiều loại tên lửa đất đối không cho các vai trò khác nhau. Tên lửa 48N6 của có thể đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách lên đến 250 km, trong khi tên lửa 40N6 tiên tiến hơn có thể tấn công mục tiêu ở phạm vi 400 km. S-400 có thể tấn công mục tiêu ở độ cao lên đến 30 km, vượt xa khả năng của nhiều hệ thống phòng không khác. Ngoài ra, S-400 có thể theo dõi đồng thời tới 300 mục tiêu và tấn công tới 36 mục tiêu, nhờ radar mảng pha với độ phân giải và độ chính xác cao.
Thiết kế mô-đun cho phép S-400 có khả năng thích ứng cao và triển khai nhanh chóng. Hệ thống có nhiều thành phần khác nhau, bao gồm một trung tâm chỉ huy và điều khiển, các đơn vị radar, bệ phóng và nhiều biến thể tên lửa, có thể được sắp xếp và vận chuyển dựa trên nhu cầu hoạt động. Tính linh hoạt này, kết hợp với khả năng chống lại nhiều loại mục tiêu, giúp nâng cao hiệu quả của S-400 trong việc phòng thủ chống lại các mối đe dọa phức tạp, đa chiều.