Tình hình ở Venezuela gần đây trở nên hết sức căng thẳng. Ngày 10/1/2019, Nicolas Maduro tổ chức lễ nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ hai cho đến năm 2025 sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 20/5/2018.
Phe đối lập không công nhận kết quả bầu cử và ngày 23/1/2019, Chủ tịch Quốc hội Venezuela, thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido tự tuyên bố mình là tổng thống lâm thời. Trước đó, Tòa án Tối cao đã loại ông khỏi chức vụ chủ tịch Quốc hội.
Lợi dụng tình hình này, một nhóm quân nhân thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã nổi dậy, nhưng bị quân đội trung thành với chính phủ nhanh chóng giải tán.
Sau đó, phe đối lập đã huy động dân chúng biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Caracas và nhiều thành phố khác đòi Nicolas Maduro phải ra đi. Các cuộc biểu tình đã bị cảnh sát đàn áp, làm ít nhất 29 người chết và nhiều người khác bị thương.
Phản ứng của các nước
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức công nhận Juan Guaido là Tổng thống lâm thời và áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Venezuela. Hơn thế nữa, Washington đã quyết định đưa năm nghìn quân tới Colombia để làm điểm xuất phát chuẩn bị cho một cuộc xâm lược vào Venezuela.
Các nước thuộc nhóm Lima, Tổ chức các nước châu Mỹ gồm Brazil, Bolivia Argentina, Peru, Colombia, Chile, Costa Rica, Paraguay, Ecuador, Honduras, Guatemala tuyên bố ủng hộ Juan Guaido.
Liên minh châu Âu (EU), Anh, Pháp, Cananda, Australia cho biết họ bác bỏ kết quả bầu cử Tống thống và tuyên bố ủng hộ phe đối lập Venezuela. Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha nói họ sẽ công nhận nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là Tổng thống Venezuela nếu không có cuộc bầu cử công bằng trong vòng 8 ngày.
Trong khi đó Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Cuba, Nicaragua, Triều Tiên, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria đứng về phía chính phủ Nicolas Maduro. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định ủng hộ mạnh mẽ ông Maduro và coi sự can thiệp từ bên ngoài vào các vấn đề nội bộ của Venezuela là "trái với luật pháp quốc tế."
Liên Hợp Quốc vẫn công nhận ông Nicolas Maduro là Tổng thống duy nhất của Venezuela. Trong khi đó, Tổng thống Maduro kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng thông qua đối thoại.
Vì sao Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela?
Trong những năm đầu thế kỷ 21, thắng lợi của các đảng cánh tả ở Venezuela, Chile, Argentina, Bolivia, Brasil, Nicaragua, Ecuador... đã dẫn đến một xu hướng thiên tả lan rộng tại khu vực Mỹ La tinh được coi là sân sau của Mỹ.
Việc lật đổ Tổng thống Maduro và chính phủ Venezuela đã được Washington lên kế hoạch ngay từ khi Tổng thống Hugo Chavez thắng cử năm 1999 và nằm trong chiến lược của Washington nhằm thay đổi các chế độ không đi theo quỹ đạo của Mỹ.
Âm mưu lật đổ chính quyền của Tổng thống Maduro đã có từ lâu.
Tháng 8/2018, một vụ mưu sát ông Maduro bằng máy bay không người lái đã xảy ra tại một cuộc diễu binh ở thủ đô Caracas.
Trước đây, Washington cũng đã thiết lập một kênh thông tin bí mật và tổ chức các cuộc họp thường xuyên giữa các thành viên của chính quyền Mỹ với các phần tử phản bội trong quân đội Venezuela. Ngày 5/1/2019, Mỹ công nhận Quốc hội do thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido lãnh đạo là cơ quan hợp pháp duy nhất của Venezuela.
Ngay trước khi Tổng thống Maduro nhậm chức, ngày 10/1/2019, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã công bố một lệnh trừng phạt chính trị và kinh tế mới nhằm vào Caracas. Thắng lợi của ông Maduro trong cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức tháng 5/2018, cũng như lễ nhậm chức của ông tất nhiên không được Mỹ công nhận.
Cũng trong thời gian này Washington đã tập hợp một liên minh với cái tên "những người bạn của Venezuela" giống như nhóm "những người bạn của Syria" và "những người bạn của Libya" trước đây. Như vậy, rõ ràng cơ sở ủng hộ thủ lĩnh phe đối lập Guaido không phải người dân Venezuela, mà là các chính phủ nước ngoài.
James Bolton, Cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ không úp mở khi tuyên bố chính quyền của Tổng thống Trump quyết tâm hành động chống lại bộ ba Havana, Caracas và Managua để bảo vệ cái mà họ gọi là "quyền lợi, tự do và phẩm giá của con người ở khu vực."
Giải pháp nào cho Venezuela?
Cuộc khủng hoảng Venezuela đã lên đến đỉnh điểm, tình hình hết sức phức tạp, nhưng vẫn có thể giải quyết được bằng các biện pháp ngoại giao.
Tổng thống Maduro tuyên bố sẵn sàng đối thoại toàn diện với Tổng thống Trump và thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido, đồng thời chấp nhận tiến hành bầu cử Quốc hội trước thời hạn. Một giải pháp như vậy sẽ giúp đưa đất nước Venezuela tránh được tình trạng bạo lực, nhanh chóng ổn định tình hình.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: Reuters
Không thể loại trừ khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela khi một số quan chức có tư tưởng hiếu chiến trong Nhà Trắng ủng hộ giải pháp quân sự và đang ráo riết chuẩn bị cho kế hoạch này.
Tuy nhiên, khả năng này khó xảy ra và nếu Washington liều lĩnh thì sẽ là thảm họa không chỉ đối với Venezuela mà còn đối với cả nước Mỹ và khu vực Mỹ La tinh.
Bài học Việt Nam, Afghanistan, Iraq, Libya, Syria... vẫn còn đó và ông Trump đang có kế hoạch rút quân khỏi một số nước để giảm bớt chi phí cho ngân sách quốc gia, hơn nữa khi mà quân đội và Toà án tối cao Venezuela vẫn trung thành với Tổng thống Maduro thì trước khi tiến hành bất cứ một hành động quân sự nào, Lầu Năm Góc cũng cần phải cất nhắc hết sức kỹ lưỡng.
Đại bộ phận người dân Venezuela vẫn ủng hộ chính phủ và bác bỏ sự can thiệp của Mỹ. Họ cho rằng, ủng hộ bạo lực và cực đoan sẽ đẩy đất nước vào một cuộc nội chiến.
Chính sách lá mặt lá trái của Mỹ và phương Tây
Mỹ và các nước phương Tây luôn luôn cổ suý cho nền dân chủ, nhưng lại ủng hộ Tổng thống tự xưng Guaido.
Theo Hiến pháp Venezuela, việc bổ nhiệm một Tổng thống mới chỉ có thể được thực hiện trong trường hợp Tổng thống đương nhiệm qua đời, tự nguyện từ chức hoặc do bệnh tật không thể đảm đương được nhiệm vụ và phải được sự chấp thuận của Quốc hội và theo quyết định của Tòa án tối cao.
Việc ông Guaido tự tuyên bố là Tổng thống lâm thời không chỉ vi phạm Hiến pháp Venezuela mà còn trái với thông lệ quốc tế.
Mỹ và phương Tây lấy cớ Tổng thống Maduro là độc tài, phải tìm cách lật đổ, nhưng chính Mỹ và các nước này đã ủng hộ cuộc đảo chính đẫm máu giết hại Tổng thống Salvador Allende của Chile và đưa nhà độc tài khét tiếng Agusto Pinochet lên cầm quyền năm 1973.
Nhà bình luận chính trị Maryhen Jimenez Morales, giảng viên trường đại học Oxford chuyên nghiên cứu về các chế độ độc tài ở Mỹ Là tinh đã mỉa mai:
"Tổng thống Pháp Macron chỉ ủng hộ các cuộc biểu tình chống chính phủ chừng nào những cuộc biểu tình này không xảy ra trên đất Pháp và ông ta dường như đã quên hàng ngàn người bị bắt, bị thương và 8 người bị chết do chính quyền của ông đàn áp những người biểu tình áo vàng hồi cuối năm 2018 vừa qua".
Bà còn nói thêm rằng, các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho biết mức độ tín nhiệm của Tổng thống Macron, Thủ tướng Đức Merkel và Thủ tướng Theresa May thấp hơn nhiều so với Tổng thống Nicolas Maduro.
Venezuela đang đứng trước những khó khăn, thách thức chưa từng có. Những gì đang diễn ra tại Venezuela không phải là cuộc đấu tranh chống tham nhũng và độc tài. Đây thực sự là một âm mưu nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Maduro. Tuy nhiên, những người đứng đằng sau âm mưu này cần nhớ rằng, tất cả các kế hoạch đảo chính chống lại Tổng thống Hugo Chavez trước đây và Tổng thống Maduro hiện nay đều bị thất bại.
*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.