Annie Li năm nay 35 tuổi, đã kết hôn nhưng chưa có con. Ngay khi cô nói điều này với nhà quản lý tuyển dụng tại một công ty game ở Trung Quốc, không khí buổi phỏng vấn thay đổi hoàn toàn.
“Trước khi tôi nói với cô ấy về tuổi tác và tình trạng hôn nhân của mình, quá trình phỏng vấn diễn ra khá thuận lợi”, Li nói. “Nhưng khi tôi tiết lộ những thông tin trên, thái độ của cô ấy đột nhiên thay đổi. Buổi phỏng vấn kết thúc; nhà tuyển dụng nói rằng kinh nghiệm của tôi phù hợp với các công ty nước ngoài hơn là công ty của họ”.
Li nghi ngờ rằng tuổi tác chính là thứ khiến mình bị từ chối. Nhiều người lao động tại Trung Quốc cho biết, sự cạnh tranh trong các ngành nghề có tốc độ phát triển nhanh sẽ gia tăng khi họ chạm mốc 35 tuổi. Trên thực tế, không ít nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên phải ít hơn “35 tuổi”, kể cả trong khối nhà nước.
***
Sự phân biệt tuổi tác trong lĩnh vực công nghệ tại quốc gia này là đặc biệt nghiêm trọng. Những người trên 35 tuổi nhưng không giữ các vị trí cao trong bộ máy sẽ có nguy cơ bị đào thải khi công ty cắt giảm chi phí.
Khoảng 2/3 số người trên 35 tuổi ở Trung Quốc bị sa thải vào tháng 3/2020 vẫn đang phải tìm việc làm 6 tháng sau đó. Thông tin này được công bố vào tháng 1/2021 bởi Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Hội đồng Nhà nước, dựa trên dữ liệu và khảo sát trên cổng thông tin việc làm Zhaopin.
Ở Trung Quốc, nơi độ tuổi kết hôn trung bình là 27,1 đối với nam và 24,9 đối với nữ, những người ở độ tuổi 35 thường kèm theo gánh nặng về gia đình. Nếu chọn sinh con, phụ nữ trong độ tuổi này sẽ được nghỉ thai sản ít nhất 14 tuần, thậm chí là 18 tuần ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Trong thế giới công nghệ phát triển dồn dập, như vậy được xem là “quá lâu”.
Năm 2020, Huawei bị chỉ trích nặng nề khi sa thải hơn 7.000 nhân viên, phần lớn trong số đó đều trên 35 tuổi. Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi sau đó đã phải lên tiếng đính chính rằng tập đoàn này không đánh giá nhân viên theo tuổi tác.
Theo báo cáo được công bố trên trang tuyển dụng trực tuyến Maimai vào tháng 3 vừa qua, độ tuổi trung bình của người lao động tại 19 công ty Internet hàng đầu Trung Quốc là 29,6. Với hai “gã khổng lồ” công nghệ ByteDance và Pinduoduo, con số này thậm chí chỉ còn 27.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tuổi trung vị của quốc gia này ngày càng tăng và nguồn cung nhân tài trẻ có hạn, nhiều người tự hỏi liệu các ông lớn công nghệ có cần phá vỡ “rào cản vô hình” này.
Tại Tencent, độ tuổi trung bình của người lao động là 29. Doanh nghiệp này đã thuê 30.714 nhân viên trong độ tuổi 30-50, 20.548 nhân viên dưới 30 tuổi. Số nhân viên trên 55 tuổi chỉ là 88 người.
Trong số 13 lãnh đạo cấp cao của Tencent, không có ai trên 55 tuổi, kể cả nhà sáng lập kiêm CEO Ma Huateng.
Độ tuổi trung bình tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc
Brian Tang - Giám đốc LITE Lab thuộc Khoa Luật, ĐH Hong Kong - cho biết: “Nhiều lĩnh vực về công nghệ tại Trung Quốc, chẳng hạn như mạng xã hội, trò chơi trực tuyến, thương mại điện tử và streaming video - đang nhắm tới phân khúc những người trẻ tuổi. Vì thế, họ thuê người lao động có nhóm tuổi tương tự để dễ tiếp cận và thấu hiểu hành vi và sở thích của khách hàng mục tiêu”.
***
Matt Lin là một lập trình viên người Trung Quốc đã ngoài 40 tuổi. Anh cho biết, khác với bác sĩ hay những ngành nghề khác ưu tiên người lớn tuổi giàu kinh nghiệm, giá trị của lập trình viên trên thị trường sẽ giảm dần theo tuổi tác.
“Những công việc tốt với chúng tôi thì chẳng liên quan gì tới lập trình nữa. Chúng chủ yếu là quản lý đội ngũ nhân viên hoặc các nhiệm vụ xa dần việc lập trình”, anh nói.
Joseph Zhu - một lập trình viên trên 30 tuổi ở Nam Ninh - nhận định, tuổi tác là yếu tố bất lợi trong ngành công nghệ.
“Nếu muốn nhảy việc khi đã luống tuổi, bạn sẽ không còn đáp ứng được những nhu cầu cơ bản nữa”, Zhu cho biết. “Bởi lẽ, ngành công nghệ phát triển rất nhanh. Nếu dám chủ động sáng tạo, bạn sẽ luôn nằm trong lực lượng lao động được săn đón. Nếu chỉ biết hoàn thành công việc được giao, bạn sẽ gặp khó khăn ở tuổi trung niên”.
Một số khác lại cho rằng, nhu cầu tuyển dụng lao động trẻ của các “gã khổng lồ” công nghiệp chỉ đơn giản là phản ánh hiện thực cuộc sống. Không thể đòi hỏi một người ở độ tuổi trung niên đã có con cái thích ứng với văn hóa 996 - làm việc 12 tiếng/ngày, từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần.
Mike Dai - một lập trình viên kỳ cựu sinh vào thập niên 80 - cho biết, lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc là “một ngành đòi hỏi nhiều nhân công và lao động nặng nhọc, được bao bọc dưới lớp vỏ tráng lệ”. Đây chính là lý do nhiều lập trình viên Trung Quốc ví bản thân như “những người nông dân biết code”, ám chỉ bản chất nặng nhọc của công việc.
Dù vậy, với những người như Li, nạn phân biệt tuổi tác là một sự sỉ nhục và gây bức bối.
Người phụ nữ này có bằng thạc sĩ tại ĐH hàng đầu Hong Kong, sở hữu 10 năm kinh nghiệm về mảng game.
2 tháng trước, Li thành kẻ thất nghiệp sau khi công ty game “kỳ lân” mà cô làm việc tuyên bố đóng cửa văn phòng ở Quảng Châu. Từ lúc cô nhận được tin văn phòng đóng cửa cho đến khi cô biết mình mất việc chỉ kéo dài vỏn vẹn 2 tiếng.
Kể từ khi bị sa thải, chưa bao giờ Li cảm thấy lạc lối như lúc này. Cô nộp 30 đơn xin việc, nhưng chỉ được gọi đi phỏng vấn 5 lần.
“CV của tôi đáp ứng tới 98% yêu cầu công việc, nhưng nhiều nơi cho biết họ chỉ nhận người dưới 35 tuổi”, Li nói. Cuối cùng, cô được tuyển vào làm quản lý đầu tư tại một quỹ game mới mở ở khu công nghệ cao Thâm Quyến, nhờ lời giới thiệu của bạn bè. Đây không phải là một kết cục tồi tệ, nhưng Li vẫn cảm thấy cay đắng.
“Thành thực mà nói, tôi cảm thấy bị xúc phạm khi các công ty từ chối mình”, cô tâm sự. “Ví dụ, họ sẽ nói những thứ như ‘bạn đã ở trong ngành này được 8 năm, còn chúng tôi chỉ cần người có 2-3 năm kinh nghiệm’”.
Nạn phân biệt tuổi tác không chỉ là vấn đề ở Trung Quốc. Năm 2018, IBM của Mỹ từng bị kiện vì sa thải nhân viên lớn tuổi để “thay máu” bằng lực lượng trẻ tuổi hơn.
Jimmy Zhao - một nhà tuyển dụng cấp cao cho HRPartners tại Thâm Quyến - cho biết, độ tuổi lý tưởng dành cho người lao động trong lĩnh vực Internet là dưới 40.
“Thị trường lao động Trung Quốc (đặc biệt trong lĩnh vực Internet) đang ngày càng nhạy cảm với vấn đề tuổi tác”, Zhao nói. Ông cũng bổ sung rằng, sau tuổi 35, người lao động trong ngành này thường cảm thấy khó phát triển hơn.
Theo Kelly Sun - một nhà tuyển dụng khác ở Thâm Quyến, càng gần tuổi 35, người lao động trong lĩnh vực công nghệ lại càng thêm lo lắng, về cả năng lực lẫn cơ hội thăng tiến của mình.
“Đối với nhiều người, thăng chức là việc bất khả thi”, cô cho biết.
***
Dai nhận xét, “khủng hoảng tuổi 35” là minh chứng cho thấy ngành công nghệ Trung Quốc vẫn còn yếu kém, khi không thể đào tạo nhân lực cho sự phát triển lâu dài, cũng như phụ thuộc một cách thiếu bền vững vào nguồn lao động trẻ mới tốt nghiệp.
Tuy nhiên, Dai vẫn hy vọng khá nhiều từ kinh nghiệm của Mỹ và Nhật Bản. Nhật Bản đã phải đối mặt với các thách thức kinh tế trong việc giải quyết vấn đề dân số già.
“Khi chúng tôi đến thăm các công ty game tại Nhật Bản, ở đó có rất nhiều lao động lớn tuổi”, anh nói. “Ngay cả những nhà sản xuất nổi tiếng như Hideo Kojima và Hidetaka Miyazaki cũng đã 40-50 tuổi, nhưng họ không hề chậm chạp chút nào”.
Dai tin rằng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn nhân lực trung niên khi dân số ngày càng già đi. “Khủng hoảng tuổi 35” sẽ không còn tồn tại trong tương lai sau này.
Tuy nhiên, thái độ là thứ cần phải được thay đổi đầu tiên.
Li cho biết, khi còn trẻ, cô chẳng bao giờ lo lắng về chuyện đàm phán lương khi đi tuyển dụng. Cô tự tin vào kinh nghiệm và bằng cấp của mình trong các cuộc phỏng vấn.
“Tuy nhiên, giờ đây, tôi luôn đặt mình trong trạng thái phòng thủ”, Li nói.