Thịt gà, trứng gà đồng loạt giảm giá
Ngồi thẫn thờ ngoài hiên nhà, ông Bùi Đức Chính, một hộ nuôi gà tại xã Thanh Vân (Tam Dương, Vĩnh Phúc), cho biết, ngày trước chuồng gà nhà ông lúc nào cũng có 3 vạn gà, nhưng giờ teo tóp bớt lại chỉ còn 2,5 vạn con gà đẻ trứng Ai Cập do giá trứng gà ngày càng giảm.
Theo ông Chính, cách đây một tháng, giá trứng gà Ai Cập lúc nào cũng ổn định ở mức 1.800-1.900 đồng/quả, thời kỳ đỉnh điểm vào cuối năm 2015 giá trứng xuất tại chuồng lên tới 2.800 đồng/quả.
Thế nhưng, hơn một tháng nay, giá trứng bắt đầu giảm mạnh và chạm đáy, xuống còn 1.000-1.200 đồng/quả. Bán cả chục trứng gà không mua nổi cân đậu phụ (PV - giá đậu phụ ở Vĩnh Phúc là 15.000 đồng/kg).
Trứng gà rớt giá, khó bán khiến người chăn nuôi điêu đứng
"Giá trứng giảm, mỗi ngày gia đình tôi lỗ khoảng 4-5 triệu đồng", ông Chính nói và cho biết, 2,5 vạn con gà đẻ Ai Cập mỗi ngày ăn hết 2,5 tấn cám, tính ra hết khoảng 20 triệu đồng. Trong khi đó, mỗi ngày ông thu được 1,7 vạn trứng gà và bán với giá 1.000-1.200 đồng/quả thì lỗ 300 đồng/quả.
"Giá giảm đã đành, giờ còn khó bán, trứng gà tồn đầy trong nhà. Trứng chất trong nhà thành núi rồi, cao như đống rơm. Cứ chỗ nào trống là để chứa trứng gà. Chủ đại lý cám thì ngày nào cũng đến nhà đòi nợ", ông Chính than thở.
Năm nay là năm chăn nuôi khốn khó, đàn lợn 700 con của gia đình ông vẫn còn trong chuồng, trong đó 200 con đến kỳ xuất bán, trọng lượng đều đạt 120-130 kg/con mà giá 17.000 đồng/kg vẫn không bán được.
"Ở đây, những hộ chăn nuôi gà nhỏ lẻ đều trắng tay, treo chuồng trại. Còn gia đình tôi đang cố gắng cầm cự từng ngày. Nhưng cứ đà này thì không thể chống chọi thêm. Tôi đang tính đi xuất khẩu lao động, chứ chăn nuôi suốt nửa năm nay chỉ thấy lỗ", ông Chính buồn rầu nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Tiến, chủ một trang trại chăn nuôi gia cầm tại Thường Tín (Hà Nội) cũng cho hay, không chỉ giá trứng giảm mạnh mà giá thịt gà cũng giảm mất gần 1/3 giá.
Cách đây hơn một tuần, giá gà ta nuôi 4 tháng vẫn bán được giá 60.000-65.000 đồng/kg tuỳ loại, song bây giờ chỉ còn 45.000 đồng/kg mà vẫn khó bán.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội gia cầm Đông Nam Bộ, cho biết, giá gà công nghiệp lông trắng ở ngoài miền Bắc giảm còn 17.000-18.000 đồng/kg, người chăn nuôi lỗ khoảng 5.000-6.000 đồng/kg. Cùng loại gà này, ở miền Nam, giá gà là 23.000-24.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 2.000 đồng/kg.
Còn với trứng gà công nghiệp, giá giảm chỉ còn 800-900 đồng/quả, trong khi trước đó luôn ở mức 1.500-1.600 đồng/quả. Người nuôi gà công nghiệp cũng đang lỗ nặng.
Người nuôi gà lỗ nặng do giá trứng giảm mạnh
Tăng đàn ồ ạt khiến cung vượt cầu
Theo các chủ trang trại chăn nuôi, giá thịt gà và trứng gia cầm đồng loạt giảm mạnh, nguyên nhân chủ yếu là do thời gian qua, giá thịt lợn giảm mạnh, các hộ gia đình tập trung ăn thịt lợn khiến thịt gà, trứng gà tồn đọng, kéo theo giá giảm đồng loạt.
Báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cũng nhận định, các cấp ngành, địa phương tập trung giải cứu đàn lợn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thịt nên "bỏ quên" thịt và trứng gia cầm.
Việc tiêu thụ chững lại khiến một số nơi, nhất là các tỉnh khu vực phía Bắc, bị ứ đọng trứng, người dân khó tìm đầu ra, giá giảm mạnh,... Hiện trứng vịt có nơi bán chỉ 13.000-15.000 đồng/chục quả.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Ngọc lại cho rằng, nguyên nhân chính khiến giá gà giảm mạnh là do gà nhập khẩu về nhiều, nhất là ở các tỉnh miền Bắc. Gà dai Hàn Quốc giá rất rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng/kg, lại hợp với khẩu vị của người dân nên giá gà công nghiệp trong nước rất khó cạnh tranh.
Còn lý do khiến giá trứng gia cầm giảm mạnh là do cung vượt cầu, tức đang khủng hoảng thừa.
Theo ông Ngọc, mọi năm, giá trứng gà chỉ giảm mạnh vào thời điểm trước Tết âm lịch nửa tháng và sau Tết âm lịch 1 tháng, bởi khi đó, các doanh nghiệp ngừng sản xuất, nghỉ Tết nên trứng tồn đọng, khó tiêu thụ. Còn những tháng khác trong năm, giá thường tăng giảm quanh mức 200 đồng/quả.
Năm nay, đàn gia cầm đẻ trứng tăng chóng mặt. Nếu trước đây, các cơ sở bán giống chỉ bán cho hộ dân với điều kiện phải mua cám của họ, thì nay điều kiện ràng buộc này đã bỏ. Do vậy, đàn gà đẻ tăng không kiểm soát, dẫn đến nguồn trứng gia cầm lớn, vượt so với nhu cầu.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, thừa nhận, những năm qua, chăn nuôi gia cầm có sự bùng nổ về số lượng và sản lượng, tăng trưởng bình quân 2016 về sản lượng là 9,9%, so với bình quân thế giới 3,7% thì Việt Nam gấp 2-3 lần.
Chính tăng trưởng “nóng” đã dẫn tới hệ quả là khủng hoảng thừa hiện nay.