LTS: Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 suýt chút nữa đã đẩy thế giới đến bờ vực của sự hủy diệt. Thật may là điều tồi tệ nhất đã không xảy ra. Các nhà lãnh đạo của cả 2 phe đã giữ được "những cái đầu lạnh".
Tuy nhiên, có rất nhiều bí mật mãi tới gần đây mới dần dần được hé lộ. Qua hồi ký mang tên "Những người khuấy động biển sâu" của Đại tá Hải quân Liên Xô Nikolai Andreyevich Cherkashin, chúng ta phần nào sẽ hiểu được tình hình lúc đó căng thẳng đến mức nào. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
4 phong bì "tuyệt mật"
Sự tham gia của bốn tàu ngầm Xô Viết trong việc phá vỡ cuộc phong tỏa đường biển hòn đảo Cuba của Hoa Kỳ có quyền được xem như chiến dịch mang tính chiến lược - chiến thuật đầu tiên sau Thế chiến 2 của hạm đội tàu ngầm Liên Xô.
Công tác chuẩn bị cho chiến dịch này của hạm đội tàu ngầm bí mật đến mức các kíp thủy thủ tàu ngầm chỉ biết họ sẽ đi đâu khi đã ra khơi. Cả bốn chiến hạm, - B-36, B-59, B-4 và B-130, được trù tính dùng trong chiến dịch, được phân lập "riêng rẽ" khỏi khối các tàu khác của hải đoàn, tập trung ở vịnh Olenya.
Đại tá hải quân về hưu Nikolai Andreyevich Cherkashin
Để che giấu thông tin thì các thuyền trưởng được thông báo tàu sẽ đi đến nước Cộng hòa Ghana xa xôi ở Phi Châu, còn hoa tiêu thì nhận một bộ bản đồ hoàn chỉnh cho toàn bộ Đại Tây Dương ...
Cuộc tranh đấu dữ dội nhất, nguy hiểm nhất giữa Hải quân Liên Xô và Mỹ trong suốt các thập kỷ của Chiến tranh Lạnh đã xảy ra cuối mùa thu năm 1962. Để đối phó lại sự phong tỏa đường biển của Hoa Kỳ với Cuba, Khrushchev ra lệnh triển khai các tàu ngầm tới biển Caribbean.
Trong trường hợp các tàu hàng Liên Xô bị chặn giữ, chúng sẽ giáng đòn tấn công từ dưới mặt biển vào các tàu chiến Mỹ. Tổng Bí thư và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã bị thuyết phục rằng tại khu vực xung đột đang có các tàu ngầm nguyên tử tuần dương.
Nhưng cho đến lúc này, chiếc tàu ngầm tên lửa duy nhất của Hải quân là K-19 đang sửa chữa sau tai nạn vô cùng nghiêm trọng xảy ra với lò phản ứng, và tất cả các tàu ngầm nguyên tử khác chỉ vừa mới được đưa vào đội ngũ.
Sự lựa chọn của Tổng tư lệnh rơi vào hải đoàn tàu ngầm diesel số 4 ở Polyarnyi trong đó Lữ đoàn 69 ở trạng thái sẵn sàng tốt hơn cả cho các hoạt động chiến đấu thực sự, hay đúng hơn, là hạt nhân của lữ đoàn với đội hình các tàu ngầm phóng ngư lôi cỡ lớn B-4, B-36, B-59 và B-130 – những "con bọ" như các thủy thủ gọi chúng theo chữ "Buka" ("bọ hung").
Đó là một cuộc phiêu lưu thực sự do hoàn cảnh gần như đang thời chiến: phái đi những tàu ngầm vốn chỉ thích nghi với các điều kiện Bắc Cực, nay tới vùng biển nhiệt đới nóng nực. Hệt như ném lũ chim cánh cụt tới sống ở châu Phi.
Thủy phi cơ và tàu khu trục của Hải quân Mỹ giám sát tàu ngầm của Liên Xô năm 1962.
Như nhảy đại xuống nước, chẳng biết nông sâu. Mà "nông sâu" trong vùng nước chưa quen biết này thì chưa ai biết, không một ai biết, ngay cả ngành hải văn trong nước.
Chưa chân vịt của tàu ngầm Liên Xô nào xé nước dưới lòng biển sâu vùng tam giác Bermuda đáng nguyền rủa kia, chưa tàu ngầm nào cày xới dọc ngang toàn bộ biển Sargasso đầy những truyền thuyết ảm đạm, chưa tàu ngầm nào từng vượt qua các rạn san hô rình rập đầy rẫy giữa các đảo của quần đảo Bahamas.
Nhưng điều quan trọng nhất là tình báo quân sự của chúng ta không thực sự biết những cái bẫy nào mà lực lượng phòng thủ chống ngầm (ASW) Mỹ đã chuẩn bị sẵn để giăng ra trong trường hợp có chiến tranh lớn.
Không ai biết có bao nhiêu tàu sân bay chống ngầm và các tàu chiến khác được Lầu Năm Góc triển khai để tìm kiếm các tàu ngầm Xô Viết. Chúng ta đi vào nơi chưa từng biết ...
Thần kinh căng thẳng còn vì đây là lần đầu tiên các thủy thủ tàu ngầm mang theo mình trong chuyến đi biển xa những quả ngư lôi nạp đầu đạn hạt nhân – một quả cho mỗi tàu ngầm.
Vào thời điểm cuối cùng, chuẩn đô đốc mới lên, Lữ trưởng lữ đoàn 69 đi nằm viện. kinh nghiệm quân sự của ông mách bảo rõ ràng: không có cơ hội thành công. Và khi đó người ta bổ nhiệm Đại tá hải quân Vitaly Agafonov làm chỉ huy bộ tứ gần như chắc chắn sẽ bị tiêu diệt.
- Rõ! - Agafonov đáp lại chỉ huy hải đoàn, và Tư lệnh Hạm đội Biển Bắc sau những lời về "nhiệm vụ quan trọng của đảng và chính phủ". Lấy đâu thời gian để suy nghĩ. Cấp trên nới hai giờ cho cuộc họp ở căn cứ Polyarnyi và sắp xếp với căn cứ bờ.
Agafonov vừa tổ chức kỷ niệm sinh nhật thứ bốn mươi của mình. Người đàn ông điềm tĩnh, chu đáo và kiên định, gốc nông dân vùng Viatka này có lẽ là người làm Tổng thống Kennedy đau đầu nhất.
Dù sao thì nhiều ngày liên tiếp Tổng thống Mỹ đã liên tục công bố trên truyền hình cho người dân của mình biết tiến trình cuộc đi săn lớn truy tìm "Những người Tháng Mười Đỏ". Thay vì bốn, Kennedy và các đô đốc của ông ta cho rằng có đến năm tàu ngầm Nga...
Bởi thế, cuộc họp không lâu. Và đặc biệt bí mật. Không một ai, kể cả các thuyền trưởng tàu ngầm, biết điểm đến cuối cùng của hải trình. Để giữ bí mật quân sự cho chiến dịch, các hoa tiêu được giao cả một bộ bản đồ tất cả các đại dương thế giới. Hãy đoán xem họ sẽ phải trải tấm nào trên bàn bản đồ đi biển?
Người ta lệnh cho các Đảng viên Cộng sản giao nộp thẻ đảng lại cho ban chính trị. Những chiếc tàu ngầm ra khỏi Polyarnyi trong vùng mũi Saida hoang vu có ba vòng bảo vệ.
"Bốn phong bì chứa mệnh lệnh chiến đấu cho chiến dịch được đặt trong một phong bì lớn gắn dấu 'Tuyệt mật' và 'Trao tận tay lữ đoàn trưởng lữ đoàn tàu ngầm 69', - Agafonov nhớ lại. 'Chúng tôi chỉ được phép mở các gói công văn này khi khởi hành ra biển, và công bố cho thủy thủ đoàn biết mình đi đâu và làm nhiệm vụ gì, - khi đã ở giữa đại dương.
Về nguyên tắc, nhiệm vụ của chúng tôi chưa đến nỗi là quá vô vọng: thực hiện một chuyến di chuyển bí mật xuyên Đại Tây Dương, đặt cứ mới tại cảng Mariel của Cuba, hơi chếch về phía tây thủ đô Havana, rất ít. Nhưng kế hoạch trên giấy nói nghe thì dễ...".
Tàu ngầm B-36 tại biển Sargasso.
Căng thẳng tột cùng
Câu chuyện của cựu lữ đoàn trưởng được bổ sung bởi thuyền trưởng tàu ngầm B-4, Trung tá hải quân Rurik Ketov:
"Phó Tổng tư lệnh Hải quân Xô Viết đô đốc Fokin đến tiễn chúng tôi… Fokin hỏi: "Nào, các đồng chí, hãy nói xem có gì chưa rõ?"
Tất cả ngập ngừng. Sau đó đến tham mưu trưởng Vasya Arkhipov: "Chúng tôi không rõ tại sao chúng tôi phải mang vũ khí hạt nhân?".
"Tình huống phải vậy. Các đồng chí sẽ sử dụng đến nó", - một cấp trên cho biết.
"Rõ. Nhưng khi nào dùng và dùng thế nào?".
Im lặng. Sau đó Fokin nhát gừng cho biết ông không đủ thẩm quyền thông báo về chuyện đó.
Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Hải quân Liên Xô (BTM HQLX), Đô đốc Rossokho văng một câu chửi thề rất tục rồi nói: "Đây, các cậu ghi vào nhật ký hàng hải: 'Sử dụng vũ khí đặc biệt trong các trường hợp sau đây. Thứ nhất, khi các cậu bị đánh bom, và vỏ bền bị thủng một lỗ. Thứ hai, khi các cậu nổi lên và bị bắn, và bị thêm một lỗ thủng nữa. Còn thứ ba – theo mệnh lệnh từ Moskva!'.
Tôi không thể hình dung được những gì xảy ra trong tâm hồn Agafonov những ngày ấy. Hải đoàn Polyarnyi bước vào giai đoạn đen tối nhất của mình. Đầu tiên tàu ngầm S-80 mất tích trên biển với tất cả kíp thủy thủ. Sau đó, trong tháng Giêng, ngư lôi lao vào tàu ngầm B-37 đang đậu ở bến cảng.
Vụ nổ kinh hoàng không chỉ hất tung chiếc tàu ngầm xấu số, mà còn cả chiếc S-350 đang neo đậu cùng nó, giết chết hơn một trăm hai mươi thủy thủ. Đến mùa hè, tháng Bảy, hỏa hoạn bùng lên ở khoang ngư lôi đằng mũi B-139, đe dọa gây ra một vụ nổ chết người tương tự.
Agafonov, đang trực chỉ huy ở hải đoàn, vội vã lao đến đài chỉ huy chiếc tàu ngầm bị cháy và ra lệnh cho tàu ngay lập tức nổ máy di chuyển ra khỏi bến. Ông đã dắt B-139 ra đến giữa cảng Ekaterina - nếu ngư lôi nổ tung, ít nhất khi đó các tàu khác không bị ảnh hưởng. Ông chẳng nghĩ đến mình. Lửa chỉ bị thuần hóa vào buổi tối - bảy giờ sau khi bùng lên...
Và bây giờ đến chiến dịch này – ngay trước miệng kẻ thù, như các chiến sĩ tàu ngầm gọi đối thủ tiềm năng. Tại Polyarnyi ông để lại vợ và hai con trai. Luba có thể nào một mình nuôi dạy chúng lớn lên, nếu họ phải đối mặt với số phận giống như các chàng trai trên S-80?
Viết di chúc ư? Mà di chúc để thừa kế những gì? Căn hộ như phòng giam, một con dao găm sĩ quan hải quân cùng hai chiếc vali sờn cũ.
Bác sĩ nói gì? Có sỏi trong gan ư? Quá vô nghĩa! ..
Lyubov Gordeevna Agafonova làm việc tại ban khí tượng thủy văn của hải đoàn. Như trong lời bài hát: "Em thời tiết ơi, em hãy đoán trước hạnh phúc cho chúng tôi!".
"Chúng tôi cho rằng có gián điệp ngồi tại ban tham mưu..."
Qua đảo Kildin các tàu ngầm lặn xuống và di chuyển về phía tây theo đội hình hành quân.
Và những chiếc hàng trình kế hàng hải trên tàu đếm những dặm biển và vùng biển đi qua – biển Barents, Na Uy, Iceland, Bắc Đại Tây Dương, biển Sargasso ...
Con đường dẫn chúng tới bờ biển nước Mỹ bị chặn bởi các phòng tuyến chống tàu ngầm của NATO, đã chuyển sang trạng thái hoạt động ráo riết do bối cảnh căng thẳng của mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô.
Đầu tiên, chúng trườn êm qua tuyến các chiến hạm cảnh giới và tuần tra đường không giữa các mũi cực bắc Châu Âu là Nord Cape và đảo Gấu của Na Uy mà không bị phát hiện. Sau đó, các tàu ngầm vượt qua tuyến Faroe-Iceland đang chịu sự kiểm soát của hải quân Anh và các máy bay Mỹ cất cánh từ Iceland.
Cuối cùng biên đội tiến ra khoảng mênh mông Đại Tây Dương và bẻ hướng tới quần đảo Bermuda, nơi tuyến ngăn chặn chống tàu ngầm chủ yếu đang đợi họ: giữa Newfoundland và quần đảo Azores.
Ngay từ những ngày hành quân đầu tiên, họ đã được nếm mùi vị kinh hoàng của một cơn bão đại dương mùa thu cực mạnh.
Bộ TM HQLX rõ ràng đã ấn định một tốc độ di chuyển bí mật trong tư thế ngầm không thực tế - 9 hải lý/h. Để duy trì thời hạn kiểm soát được thì cần phải nổi lên hằng đêm và siết thời gian mất đi do động cơ diesel. Để sạc ắc quy thì cũng phải nổi lên. Đây là cơn bão kéo dài hành hạ con tàu theo đúng nghĩa đen.
Sóng quật thân tàu mạnh đến nỗi có thể xé toạc những tấm thép của vỏ nhẹ, quăng quật đến mức chất điện phân nổi sóng trong các hố ắc quy, người đang ngủ bị ném khỏi giường sắt, đập mạng sườn người sĩ quan trực ban vào mạn tàu, đập ống nhòm vào răng thủy thủ đánh tín hiệu, nếu không kịp thời né tránh thác nước.
Người trực boong thượng đứng trên mặc bộ đồ combinezon chịu nước bằng cao su, tự xích mình vào bệ kính tiềm vọng để tránh ngã lăn ra sàn. Nhưng họ vẫn đi, qua các điểm kiểm tra hải trình đúng hạn quy định.
Từ quần đảo Azores họ chuyển hướng tới Bahamas. Ấm áp hẳn lên. Nhiệt độ nước biển đã tăng lên đến 27°C. Bắt đầu một cuộc tra tấn mới – oi bức, nghẹt thở, bị nướng chín. Những người còn sống đến ngày nay, vẫn còn đổ mồ hôi trán vì từ "Sargasso".
Phải, đó chính là vùng nhiệt đới nóng nực, mặc dù sắp hết tháng Mười, nhưng không khí nhiệt đới vẫn hiện diện. Ngay cả độ sâu lặn cũng không làm mát được thân tàu quá nóng. Các khoang tàu biến thành các nồi hấp, mà trong đó những thanh sô cô la và những dấu niêm phong gắn xi cũng chảy ra.
Máy móc chảy dầu, sau đó đến con người, những tấm vách ngăn gỗ thông trong các khoang ở - chảy nhựa.
Sắp tới tuyến chướng ngại chống tàu ngầm quan trọng nhất - giữa đảo Newfoundland và quần đảo Azores". Một thời các nhà đi biển coi biển Sargasso là không thể đi qua được vì có những bụi tảo khổng lồ bám chặt vào đáy tàu.
Người Mỹ đã làm huyền thoại này trở thành sự thật, chỉ thế chỗ các hải thảo khổng lồ dưới đáy biển bằng cách rải hàng nghìn km cáp, nối các đỉnh núi ngầm nằm rải rác dưới biển, kết hợp vào hệ thống tai nghe hydrophone duy nhất.
Hệ thống "Caesar" được chuẩn bị cho trường hợp có một cuộc chiến tranh lớn trong đại dương, và trường hợp này, mà người Mỹ trù tính, thì nay đang đến: hệ thống soi sáng môi trường dưới nước được đưa vào chế độ chiến tranh. Các khai thác viên tại các trạm bờ biển ngay lập tức phát hiện những tiếng ồn kỹ thuật trên nền biofon chung của đại dương.
Từ đâu mà Agafonov có thể biết rằng, một hệ thống phát hiện mục tiêu ngầm dưới nước SOSUS còn mạnh mẽ hơn và trải rộng hơn nhiều, đang tiếp tục đón chờ những chú "bọ hung" của ông?
Các thủy thủ tàu ngầm ở vào tình thế của các trinh sát viên, đang hy vọng trú ẩn trong rừng, nơi mà dưới mỗi bụi cây gắn một microphone, và từ mỗi bọng cây đều có một videocamera chĩa ra.
Ông chỉ có một phút để giương kính tiềm vọng, như một hiệu thính viên lập tức báo cáo về sự làm việc của các radar Mỹ, bỏ qua bề mặt đại dương với các chiến hạm chống tàu ngầm cùng các máy bay tuần tra.
Những chiếc tàu ngầm lặn xuống, nhưng thời gian trôi qua và người kỹ thuật viên thủy âm bằng giọng lo lắng báo cáo về tiếng ồn chân vịt của các tàu khu trục tiếp cận. Những chiếc tàu ngầm lảng ra xa chúng, tuân theo sơ đồ chiến thuật mới nhất.
Tuy nhiên, khi lặp đi lặp lại các nỗ lực hút không khí, việc nổi lên kết thúc theo kiểu vũ điệu ba lê xoay vòng 360 độ trên vực thẳm.
- Thoát đi đâu được - khắp mọi nơi người ta chờ sẵn anh! - Cựu trợ lý thuyền trưởng B-36, Anatoly Andreev kể. - Chúng tôi thậm chí bắt đầu nghĩ rằng có điệp viên cắm trong Bộ TTM HQLX biết chính xác tất cả các thao tác của chúng tôi.
Tuy nhiên, tên điệp viên vô hình vô thanh dưới nước đang nằm dưới đáy biển Sargasso giám sát. Tại đấu trường trong suốt trên tất cả các khía cạnh của nó đã diễn ra tấn kịch của các tàu ngầm hạm đội Biển Bắc. Tấn kịch suýt nữa biến thành thảm kịch ...
N.A.Cherkashin sinh tại thành phố Volkovysk nay thuộc tỉnh Grodno (CH Belarus).Tốt nghiệp xuất sắc khoa Triết ĐH Tổng hợp QG Moskva (MGU) mang tên M.V.Lomonosov và làm nghiên cứu sinh tại MGU, chuyên ngành "Lịch sử Triết học Nga". Nhà báo và nhà văn Liên Xô / Nga chuyên viết về nghề đi biển, nhà nghiên cứu lịch sử.
Nguyên sĩ quan binh chủng tàu ngầm Hải quân Xô Viết. Từ năm 1975 phục vụ tại Hạm đội Biển Bắc, binh đoàn tàu ngầm số 4, đóng quân tại thành phố Polyarnyi. Thuyền phó chính trị tàu ngầm B-409 đề án 641 "Foxtrot", đơn vị quân sự 20333.
Đã tham gia các chiến dịch đi biển dài ngày trên Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Về hưu với quân hàm Đại tá hải quân. Huân chương "Phục vụ Tổ quốc trong LLVT Liên Xô bậc II và III, cùng nhiều huy chương.
Giải thưởng quốc tế "Andrey Pervozvannyi" (1992), giải thưởng "Đoàn Thanh niên Komsomol" (1982) về hoạt động báo chí và văn học. Giải thưởng G.K. Zhukov về đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp củng cố và tăng cường khả năng phòng thủ của LB Nga.