Tấm bản đồ với kích thước 55x21 inch, có niên đại từ ngày 27/10/1962 đã cho thấy vào thời điểm đó, Không quân Mỹ đang nhằm vào mục tiêu là các cơ sở quân sự của Liên Xô.
Chúng bao gồm căn cứ máy bay ném bom và máy bay chiến đấu MiG, các kho chứa tên lửa đất-đối-không, tên lửa hành trình và hạt nhân, cũng như các tàu tên lửa lớp Komar đang neo tại nhiều vị trí trên khắp Cuba (từ San Antonio de los Banos cho tới Santa Clara, Camaguey, Banes, và Punta Gerardo).
Bản đồ năm 1962 cho thấy Mỹ đang nhắm tới 9 mục tiêu tại Cuba. Ảnh: CNN
Dẫn lời cố Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, công ty đấu giá RR (đơn vị rao bán tấm bản đồ), cho biết cố Tổng thống Mỹ Kennedy "đã nghiền ngẫm tấm bản đồ này trước khi quyết định trình hoãn cuộc tấn công".
Ông Kennedy đã giao lại tấm bản đồ cho ông McNamara sau khi cuộc khủng hoảng chấm dứt và gọi đây là "Bản đồ chiến thắng".
Tổng thống Kennedy và Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara hội ý về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Ảnh: CNN
Ngày 27/10/1962 (còn gọi là "Thứ Bảy đen tối") được các nhà sử học đánh giá là thời khắc nguy hiểm nhất trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba nói riêng và trong lịch sử loài người nói chung.
Theo hãng tin Sputnik (Nga), vào ngày hôm đó, tên lửa đất-đối-không của Liên Xô đã bắn hạ một máy bay do thám U-2 của Không quân Mỹ. Ngay sau đó, các tàu khu trục Mỹ đã thả bom chìm vào tàu ngầm Liên Xô, buộc nó hoặc phải phóng tên lửa, hoặc phải nổi lên trên mặt nước. Thuyền trưởng tàu ngầm Liên Xô đã chọn phương án thứ 2.
Căn cứ máy bay MiG và các kho chứa tên lửa hạt nhân Liên Xô được xem là mục tiêu tiềm năng của Mỹ. Ảnh: CNN
Cũng trong ngày 27/10, Tổng thống Kennedy đã 3 lần họp với các cố vấn, do Bộ Tổng tham mưu Liên quân thúc giục Mỹ tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu Liên Xô ở đảo Caribbean.
Rất may tới phút chót, chiến tranh đã không nổ ra. Ngay trong đêm hôm đó, Đại sứ Liên Xô tại Mỹ Anatoly Dobrynin đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Robert Kennedy và hai phía đã nhất trí tiến tới một thỏa thuận.
Trong đó, Moscow rút các tên lửa triển khai tại Cuba, đổi lại Mỹ rút vũ khí hạt nhân khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và cam kết không xâm lược Cuba.
Một sơ đồ khác cho thấy các vị trí Liên Xô cất giữ tên lửa hạt nhân. Ảnh: CNN
Ngày 20/11/1962, các tên lửa cuối cùng của Liên Xô được chuyển khỏi Cuba. Vài tháng sau đó, Washington cũng rút các tên lửa Jupiter khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện tấm bản đồ đang được định giá trên 20.000 USD.