Marco Saavedra vừa tốt nghiệp đại học vào năm 2011, ba năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra và cũng là thời điểm phong trào Chiếm Lấy Phố Wall bùng lên.
Giống như nhiều người trong thế hệ của mình, Saavedra phải đối mặt với quãng thời gian đen tối khi rất khó kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp đại học vì khủng hoảng kinh tế, một định mệnh đã tác động lên thế hệ Y với một khoảng cách giàu nghèo khiến các nhà kinh tế học lo sợ rằng họ sẽ không bao giờ có thể phục hồi. Hoàn cảnh khiến thế hệ Y hoài nghi hơn về Chính phủ so với các thế hệ khác và nhiều người trở thành các nhà hoạt động.
Saavedra, 28 tuổi, tham gia phong trào Chiếm Lấy Phố Wall ở Ohio, và hiện đang làm việc tại nhà hàng của gia đình anh ở Bronx ở thành phố New York, nơi anh hoạt động trong các chiến dịch về quyền nhập cư.
Laura Banks, 31 tuổi, chưa bao giờ quan tâm đến việc biểu tình, nhưng cũng có những kỷ niệm tồi tệ về việc làm từ những năm ngoài 20 tuổi. Xung quanh cô có rất nhiều bạn bè mất việc làm và cha cô, một luật sư, cũng đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng.
"Chúng tôi cảm thấy như đang bị dồn vào chân tường. Chúng tôi cảm thấy như bị bỏ lại ở phía sau," Banks nói, hiện đang làm quản lý dự án cho Express Scripts tại St. Louis.
Cô kết hôn năm ngoái nhưng chưa có kế hoạch về việc có con, một phần là do lo ngại về một vụ khủng hoảng tài chính khác.
Lãng phí cả một thế hệ
Saavedra và Banks là một phần của thế hệ Y, bao gồm những người sinh ra từ năm 1980 đến năm 1996, hiện là nhóm công dân lớn nhất ở Mỹ. Trong khi phải đối mặt với gánh nặng nợ sinh viên, sự khan hiếm công ăn việc làm trong thời kỳ Đại suy thoái đã dẫn đến việc không ít người phải kéo dài thời gian học tập vì không kiếm được việc làm, ăn bám bố mẹ thêm 1 thời gian nữa về gặm nhấm những hoài nghi về tương lai.
Nhóm này có nguy cơ trở thành một "thế hệ lạc lối", Fed St Louis cảnh báo trong một báo cáo vào tháng 5 sau khi theo dõi sự tích lũy của cải thuần của nhóm này bị tụt dưới mức bình thường so với các thế hệ trước.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 trở nên khốc liệt hơn đối với người trẻ vì không có cách nào để bù đắp khoản nợ mà họ đã chi cho giáo dục, xe hơi và thẻ tín dụng. Thế hệ này cũng không may mắn chứng kiến giá các loại tài sản như cổ phiếu và bất động sản tăng vọt để họ có thể làm giàu nhanh chóng như các thế hệ trước.
Sức ép từ các khoản nợ sinh viên là một trong những tiếng oán thán từ phong trào Chiếm Lấy Phố Wall, một phong trào chủ yếu là do những người trẻ tuổi đổ lỗi cho các công ty tham lam và một hệ thống gian lận mang lại lợi ích cho nhóm 1% trên chi phí từ những người khác.
Mặc dù chỉ còn là câu chuyện quá khứ, đến nay Chiếm Lấy Phố Wall vẫn còn hiện diện trên Twitter, nơi mà nó đưa ra các chính sách môi trường tiến bộ, phê phán chính sách của Tổng thống Donald Trump về vấn đề nhập cư và các vấn đề khác.
Hoài nghi về chủ nghĩa tư bản
Nhưng phong trào Chiếm phố Wall và cuộc khủng hoảng tài chính đã có tác động lâu dài đến triển vọng của thế hệ Y.
Một cuộc thăm dò tháng 4/2016 của Đại học Harvard cho thấy chỉ có 41% những người từ 18 đến 29 tuổi ủng hộ chủ nghĩa tư bản, vẫn cao hơn con số 33% ủng hộ chủ nghĩa xã hội nhưng đó là 1 số lượng đủ thấp để phải xem xét lại.
John Della Volpe, người phụ trách cuộc thăm dò này, cho biết thế hệ Y ghi nhớ cuộc khủng hoảng đã làm hại cha mẹ của họ và những người khác như thế nào dù họ đã tuân thủ luật lệ.
Della Volpe cảm nhận được sự ủng hộ rộng rãi của những người trẻ tuổi về "chủ nghĩa tư bản tận tâm" để giải quyết các vấn đề nhức nhối như chênh lệch giàu nghèo và một hệ thống tài chính bị xâm phạm.
"Tôi nghĩ rằng họ có một định nghĩa khác về giấc mơ Mỹ. Giấc mơ đó mang ít màu sắc kinh tế hơn và xoáy sâu hơn vào sự linh hoạt và hạnh phúc," ông nói.
Lo lắng cho tương lai
Banks không có nhiều kỳ vọng vào chính phủ, đặc biệt là sau chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 giữa Trump và Clinton, mà cô gọi là "thứ độc hại và mang nặng tính hận thù nhất mà tôi từng thấy".
Và cô đã có được những bài học từ cuộc khủng hoảng về tài chính cá nhân. Cô đã bị sốc khi cô và chồng cô được chấp thuận cho một khoản vay thế chấp gấp bốn lần số tiền họ muốn, nhưng họ đã từ chối số tiền đó. "Khi thị trường nhà đất sụp đổ, những gì tôi thấy là rất nhiều người Mỹ sống ngoài khả năng của họ và rất nhiều ngân hàng hoạt động vô trách nhiệm", Banks nói.
"Tôi thực sự sợ việc có con," cô nói thêm. "Tôi sợ thị trường sẽ sụp đổ một lần nữa trong vài năm tới."