Nỗi căm phẫn của cộng đồng người Hồi giáo ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Indonesia và Malaysia, đã gia tăng cùng với chiến dịch trấn áp của quân đội Myanmar đối với cộng đồng thiểu số người Rohingya, khiến hơn 10.000 người thuộc cộng đồng này phải chạy sang Bangladesh lánh nạn. Quân đội Myanmar bị cáo buộc đã có những hành vi bạo lực và hãm hiếp người Rohingya.
Hai chuyên gia này cho rằng cách đối xử của chính quyền Myanmar với cộng đồng người Rohingya đã góp thêm yếu tố tôn giáo vào cuộc khủng hoảng này, bởi quân đội Myanmar đa số theo Phật giáo, còn người Rohingya lại là người Hồi giáo.
Theo hai chuyên gia, những gì diễn ra ở bang Rakhine của Myanmar, nơi tập trung lượng lớn người Rohingya, không chỉ thu hút sự chú ý của các tổ chức nhân quyền, mà còn cả những thành phần Hồi giáo cực đoan và quân thánh chiến trên toàn Đông Nam Á. Một số người ủng hộ cộng đồng Rohingya cũng đã bày tỏ hy vọng nhóm khủng bố Mujahideen sẽ đến Myanmar để tham gia chiến đấu chống chính quyền.
Hai nhà phân tích cũng dẫn chứng việc cộng đồng thánh chiến trên mạng của Indonesia đã đăng trên mạng xã hội Facebook nhiều bài viết và hình ảnh tuyên truyền liên quan đến người Rohingya, trong đó có cả một bản đồ chỉ đường cho quân thánh chiến Indonesia thâm nhập Myanmar qua tỉnh Aceh.
Một số người sử dụng mạng xã hội ở Indonesia cũng đã tỏ ý định đánh bom tự sát để bảo vệ cộng đồng Rohingya. Hai chuyên gia này nhận định, cuộc khủng hoảng Rohingya gây phản ứng còn mạnh hơn cả vụ Thị trưởng Jakarta Basuki Tjahaja Purnama bị cáo buộc báng bổ đạo Hồi, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình rầm rộ của người Hồi giáo tại Indonesia./.