Khủng hoảng Qatar: Với nhiều người Ả rập Saudi, hạn chót 18/6 sẽ là thảm họa

Thi Anh |

Còn chưa đầy 1 tuần nhưng nhiều người Ả rập Saudi vẫn chưa biết nên rời Qatar mãi mãi hay liều bỏ lại đồ đạc phía sau, chờ quan hệ hai bên tốt đẹp trở lại.

Tháng trước, đứa con thứ tư của Abdullah vừa chào đời. Anh mong ngóng họ hàng mình từ Ả rập Saudi tới Qatar để thăm cháu.

Vị học giả người Ả rập Saudi này đã chuyển tới Doha 3 năm trước để làm việc trong một trường đại học ở Qatar. Một trong những nguyên do khiến Abdullah đi tới quyết định này là bởi quy định di chuyển giữa Ả rập Saudi và Qatar được nới lỏng. Giữa hai nước có biên giới đường bộ. Các chuyến bay giữa Doha và Riyadh vừa rẻ lại vừa nhiều.

Hơn thế nữa, cả hai nước đều là thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), nên công dân của hai bên có thể di chuyển và tự do sang nước kia làm việc.

Thế nhưng, ngay khi người thân của Abdullah mua vé máy bay tới Doha, cuộc sống của anh bị đảo lộn. Ả rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và các tuyến giao thông với Qatar.

Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, lãnh đạo các nước này còn yêu cầu công dân của mình rời Qatar trong vòng 2 tuần. Những người Qatar sinh sống tại 3 nước vùng Vịnh láng giềng cũng phải trở về nhà trong thời hạn tương tự.

Lựa chọn khó khăn

Hạn cuối 18/6 đang đến gần và quyết định của chính phủ các nước có thể sẽ khiến nhiều gia đình ly tán và làm tổn hại tới nguyên tắc chủ chốt của GCC - khối kinh tế thương mại thành công duy nhất ở Trung Đông hiện tại - khi hàng nghìn người phải rời bỏ cuộc sống cũng như sự nghiệp họ dày công vun đắp ở phía bên kia biên giới quê nhà.

"Bọn trẻ con thì đang đi học. Chuyện này không dễ dàng. Anh không thể hủy hoại cuộc đời của bọn trẻ. Anh không thể rời đi nhanh chóng như thế", Abdullah nói, "Hiện giờ mọi thứ đều đang bị đình lại. Một số người thân của tôi đã mua vé tới Doha và họ đang vừa chờ đợi, vừa hy vọng".

Abdullah vẫn chưa quyết định xem nên đi hay ở. "Tôi vẫn mông lung lắm", anh chia sẻ với Financial Times.

Abdullah không phải trường hợp cá biệt khi người dân vùng Vịnh tính toán tới tổn thất do cấm vận trong khu vực gây ra. Đại sứ của Riyadh cho biết, có hơn 17.000 người Ả rập Saudi sống ở Qatar. Đa phần bị thu hút bởi các công việc lương cao khi Doha bỏ hàng chục tỉ USD phát triển truyền thông, văn hóa và chuẩn bị cho World Cup 2022.

Khủng hoảng Qatar: Với nhiều người Ả rập Saudi, hạn chót 18/6 sẽ là thảm họa - Ảnh 1.

Công tác xây dựng hạ tầng, chuẩn bị cho World Cup 2022 của Qatar đã thu hút nhiều lao động.

Người Bahrain thì tới Qatar làm việc trong lĩnh vực tài chính. Ngoài ra, việc tập trung nhiều trường đại học đẳng cấp quốc tế cũng khiến Qatar trở thành một miền đất hứa.

Tuy nhiên, trong số các nước láng giềng Qatar, số người Ả rập Saudi bị ảnh hưởng vẫn cao hơn các nước khác bởi họ tới từ một quốc gia đông dân. Giờ họ lại đứng trước một lựa chọn khó khăn: Nên đóng gói tất cả hành lý và rời Qatar mãi mãi hay để đồ đạc lại phía sau rồi hy vọng sẽ trở lại vào một ngày nào đó?

"Vấn đề không phải chỉ là bỏ nhà bỏ cửa. Anh sẽ phải bỏ cả việc. Nếu về quê thì sẽ thất nghiệp", một giáo sư người Ả rập Saudi nói, "Làm sao anh có thể đảm bảo rằng tôi không bị thất nghiệp?"

Ngoài việc phải đương đầu với những lựa chọn khó khăn, công dân các nước vùng Vịnh còn phải đối mặt với những thách thức cơ bản khác. Ngay cả khi quyết định quay trở về quê nhà thì họ vẫn có quá ít thời gian để tìm người mua nhà. Nếu có tìm được thì họ cũng phải chấp nhận bán thấp hơn giá thị trường.

Dù tình thế trở nên căng thẳng nhưng không có làn sóng bất mãn nào đáng chú ý trong dự luận bởi nhưng ai phản đối chính sách của Riyadh về Qatar sẽ phải đối mặt với 5 năm tù giam. UAE và Bahrain cũng cảnh báo rằng, tỏ ra "cảm thông" với Qatar là phạm tội, người vi phạm có thể bị tống giam và phạt tiền.

Trong tình huống ấy, anh Abdullah vẫn tỏ ra khá lạc quan khi nghĩ tới các phương án kế tiếp: "Tôi muốn giữ tinh thần lạc quan bởi anh không thể tưởng tượng được viễn cảnh Bahrain, Qatar và UAE chấm dứt quan hệ với nhau. Tôi không quan tâm tới khía cạnh chính trị, nhưng nói thật, về mặt xã hội, đây là một thảm họa".

Riyadh và hai đồng minh vùng Vịnh đã tỏ ra mềm mỏng hơn khi tuyên bố ý định thiết lập đường dây nóng để "cân nhắc tới các tình huống nhân đạo" của người Qatar có liên quan tới công dân nước mình.

Tuy nhiên động thái này chỉ để tỏ lòng khoan dung với những công dân kết hôn với người Qatar. Cảng biển, không phận, biên giới đất liền của các nước vùng Vịnh vẫn đóng chặt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại