Khủng hoảng Qatar: Ông Tillerson trắng tay ra về vì các bên chăm chăm "giữ thể diện"?

Tất Đạt |

Dù rất nỗ lực, nhưng các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong cuộc khủng hoảng này.

Cuộc đàm phán không hiệu quả

Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã kết thúc cuộc hội đàm với các đồng cấp từ Ả Rập Saudi và 3 đồng minh Ả Rập nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar, nhưng vẫn chưa có giải pháp triệt để nào được đưa ra.

Mặc dù một thỏa thuận giữa Mỹ và Qatar về vấn đề tài trợ khủng bố đã được kí kết, nhưng việc đó vẫn không làm căng thẳng vùng Vịnh giảm đi chút nào.

Trước cuộc đàm phán ở Ả Rập Saudi, một quan chức cấp cao Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cho biết: dù giải pháp nào được đưa ra, nó cũng phải giải quyết được tất cả các vấn đề cốt lõi được nhất trí bởi Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập.

Bốn nước áp đặt các lệnh trừng phạt lên Qatar vào ngày 5/6, buộc tội Doha tài trợ khủng bố và làm đồng minh với Iran - quốc gia "không đội trời chung" với các nước vùng Vịnh. Doha đã bác bỏ tất cả cáo buộc.

Nhóm Saudi và Qatar đều là đồng minh của Mỹ. Vì vậy, ông Tillerson chịu trách nhiệm tới gặp ngoại trưởng hai bên để chấm dứt cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ giữa các đồng minh của họ tại vùng Vịnh.

Ông cũng đã gặp riêng với Quốc vương Ả Rập Saudi Salman và Thái tử Mohammed bin Salman để thảo luận hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố và vấn đề tài trợ cho khủng bố.

Khủng hoảng Qatar: Ông Tillerson trắng tay ra về vì các bên chăm chăm giữ thể diện? - Ảnh 1.

Ông Tillerson bắt tay Quốc vương Salman ngày 12/7. Ảnh: Reuters

Các quan chức Mỹ cho biết ông Tillerson sẽ tới Qatar ngày hôm nay để tóm tắt cuộc nói chuyện ở Saudi cho quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani.

Trong khi đó, Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed al-Nahayan nhận định rằng chuyến thăm của ông Tillerson có vẻ như không thể giải quyết được vấn đề.

"Tôi nghĩ rằng căng thẳng sẽ dịu bớt đi đôi chút, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời và thậm chí các vấn đề sẽ còn nghiêm trọng hơn trong tương lai."

Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau khi ông Tillerson và người đồng nhiệm Qatar ký hiệp ước chống khủng bố vào hôm thứ Ba (11/7), bốn quốc gia này cho biết như vậy là chưa đủ. Bốn nước cũng nhắc lại 13 yêu cầu trước đó để ngừng các lệnh trừng phạt lên Qatar – quốc gia sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới.

Anwar Gargash, Ngoại trưởng UAE, cũng đã gửi đơn khiếu nại lên Cao ủy Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, cáo buộc rằng đài truyền hình Al Jazeera ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa bè phái và bài Do thái.

Hãng Al Jazeera từng phủ nhận các cáo buộc ủng hộ bạo lực và khẳng định các cáo buộc vi phạm quyền tự do ngôn luận của đài, không đưa ra bình luận gì thêm trước đơn khiếu nại nói trên.

Không chỉ chuyện tài trợ cho khủng bố

Jean-Marc Rickli, chuyên gia phân tích rủi ro của Trung tâm An ninh Geneva, chỉ ra lo ngại về vai trò của Iran trong sự bất ổn nội bộ và ảnh hưởng tổ chức Anh em Hồi giáo trong khu vực cũng như cạnh tranh giữa lãnh đạo các bên.

"Bất kể mọi chuyện có đi về đâu, nhất định một trong hai bên sẽ mất thể diện, mà trong giới Ả Rập, thể diện là điều tối quan trọng," ông Rickli bày tỏ.

Khủng hoảng Qatar: Ông Tillerson trắng tay ra về vì các bên chăm chăm giữ thể diện? - Ảnh 2.

Ông Tillerson trong cuộc họp mặt với các nước Ẩ Rập.

Pháp cho biết sẽ cử Ngoại trưởng đến thăm cả Qatar và Saudi vào ngày 15-16/7 để cùng tham gia giải quyết khủng hoảng.

Hôm 11, khối bốn quốc gia Ả Rập cho biết họ đánh giá cao những nỗ lực của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Mỹ lo lắng cuộc khủng hoảng có thể ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự và chống khủng bố của mình, cũng như làm tăng ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại