Khủng hoảng ở khu vực Mỹ Latin xuất phát từ nguyên nhân nào?

Nguyễn Nhâm |

Một bức tranh tối màu bao trùm khắp khu vực Mỹ Latin, bất ổn chính trị, nguy cơ hỗn loạn đang lan truyền.

Nguyên nhân của những biến động này xuất phát từ nhiều vấn đề khác nhau ở mỗi nước. Nhưng tựu trung là các thách thức từ chính trị, kinh tế cho đến xã hội có thể đưa đất nước rơi vào khủng hoảng bất cứ lúc nào.

Từ khủng hoảng lan rộng…

Ngoài Venezuela đã trải qua những cuộc khủng hoảng trong một thời gian dài, khu vực Mỹ Latin đang chìm trong bất ổn, nguy cơ hỗn loạn đang lan truyền cả khu vực từ nước nhỏ đến nước lớn.

Chile đang phải đối mặt với làn sóng hỗn loạn lớn nhất do sự gia tăng giá phương tiện giao thông công cộng và tiền điện. Hàng ngàn người xuống đường biểu tình gây tê liệt thủ đô Santiago, khiến ít nhất 18 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và hơn nghìn người bị bắt giữ. Chính phủ Chile đã phải thông báo trưng cầu ý dân về hiến pháp mới.

Tình hình Bolivia diễn biến phức tạp sau khi Tổng thống Evo Morales - người giành chiến thắng ngay tại vòng 1 cuộc bầu cử ngày 20/10. Cơ quan giám sát thông báo đã có những “hành vi thao túng” trong bầu cử. Tuy nhiên, ông Morales vẫn tuyên bố nhậm chức khiến người dân phẫn nộ, xuống đường biểu tình. Ngày 12/11, ông đã phải từ chức và tị nạn chính trị ở Mexico.

Tại Paraguay, những cuộc biểu tình lớn chống lại Tổng thống Mario Abdo vì một thỏa thuận với Brazil về Nhà máy thủy điện bị cho là xâm hại lợi ích quốc gia. Phe đối lập muốn bắt đầu một quá trình luận tội tổng thống, trong khi Chủ tịch Hạ viện Paraguay không chấp nhận và yêu cầu tiếp tục trao quyền điều hành cho tổng thống.

Chính trường Peru đang rơi vào khủng hoảng do mâu thuẫn giữa Tổng thống Martin Vizcarra với phe đối lập đang kiểm soát quốc hội. Đỉnh điểm là việc ông Vizcarra tuyên bố giải tán quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử sớm, động thái này dẫn tới biểu tình lớn trên cả nước.

Tại Ecuador, Tổng thống Lenin Moreno quyết định ngừng trợ cấp nhiên liệu do một thỏa thuận với Quỹ tiền tệ Quốc tế, giá nhiên liệu tăng vọt khiến cuộc biểu tình lan rộng làm tê liệt một phần đất nước, chính quyền nước này phải chuyển ra khỏi thủ đô. Ông Moreno đã cáo buộc người tiền nhiệm của mình đứng đằng sau các cuộc biểu tình.

Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở Brazil, Guatemala gây áp lực thay đổi chính quyền liên quan đến nạn tham nhũng. Tại Haiti, người dân đòi Tổng thống Jovenel Moise từ chức vì liên quan đến tham ô các khoản tiền viện trợ từ Venezuela .

Đến nguyên nhân chủ yếu…

Các chuyên gia cho rằng những khó khăn về kinh tế, tình trạng nợ nước ngoài kéo dài, những thất bại trong các chính sách kinh tế của nhiều chính phủ, đã tác động tiêu cực đến đời sống của người lao động, gia tăng tình trạng bất mãn trong xã hội.

Sau thời kỳ tăng trưởng cao, kinh tế Mỹ Latin bị rơi vào đình trệ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán kinh tế khu vực này chỉ tăng trưởng 0,2% trong năm nay, thấp nhất trong các khu vực trên thế giới. Ủy ban Kinh tế về Châu Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC) hồi tháng 7 đã giảm dự báo xuống còn 0,5% (dự báo trước đó là 1,3%). 3 quốc gia tăng trưởng âm là Venezuela (-23%), Nicaragua (-5%), Argentina (-1,8%).

Tại các quốc gia Mỹ Latin, nạn tham nhũng đang hoành hành, tạo nên những nhóm quyền lực, làm kiệt quệ nguồn tài nguyên, tổn hại đến các nguồn đầu tư và làm nghèo hóa một bộ phận dân chúng, khiến họ xuống đường biểu tình. Cùng với đó, tội phạm ma túy và tội phạm có tổ chức đang tồn tại song hành với các nền chính trị và tạo nên các chính quyền dính líu tội phạm.

Tình trạng các chính trị gia có quyền “miễn trừ”, trốn tránh pháp luật và nấp dưới vỏ bọc của những chức vụ đảm nhiệm vẫn tồn tại ở khu vực Mỹ Latin. Ở một số quốc gia, các chính trị gia còn tổ chức các cuộc biểu tình chống lại chính người dân nhằm phân tán sự chú ý khỏi các hành động chính trị mờ ám của họ.

Tình trạng bất bình đẳng xã hội lớn, khoảng cách giàu-nghèo ngày càng gia tăng. Chẳng hạn, Chile vốn được coi là “hình mẫu” của khu vực cũng đã âm ỉ nhiều vấn đề xã hội. Giá vé phương tiện công cộng tăng, giáo dục, y tế không hiệu quả, lương hưu thấp, thu nhập của nhóm 10% người giàu nhất gấp 40 lần so với nhóm 10% người có thu nhập thấp.

Các lực lượng cánh tả và cánh hữu của các quốc gia Mỹ Latin đối kháng rất quyết liệt đối với các vấn đề công bằng xã hội, phân tầng xã hội và bất bình đẳng, hay niềm tin xã hội. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông và mạng xã hội cũng bị các thế lực lợi dụng để tuyên truyền, kích động, tạo hỗn loạn trong xã hội.

Các chuyên gia dự báo, các bất ổn chính trị sẽ ngày càng gia tăng, gây bất lợi cho tương lai của khu vực. Sự thất bại của một số chính quyền cánh tả sẽ gây khó khăn hơn cho chính quyền cánh tả của các nước còn lại. Sự chia rẽ, phân hóa giữa các nước trong khu vực cũng sẽ tiếp diễn, đây là cơ hội thuận lợi để các quốc gia bên ngoài can thiệp.

Và những vấn đề dư luận quan tâm

Một là, để hạn chế tình trạng hỗn loạn, cần tránh sử dụng sức mạnh quá mức và tình trạng bạo lực của lực lượng cảnh sát trong các cuộc biểu tình. Chính phủ cần đảm bảo tất cả người dân được hưởng quyền lợi chính đáng của mình.

Phái đoàn của thị sát khu vực đã cảnh báo, bạo lực không thể là câu trả lời cho các yêu cầu xã hội và chính trị của người dân, đồng thời nhấn mạnh số việc sử dụng tràn lan vũ khí không sát thương đã vượt quá nhu cầu giữ gìn trật tự, mức độ hợp lý và các yêu cầu về nhân quyền.

Hai là, nền kinh tế các nước Mỹ Latin vốn phụ thuộc vào việc xuất khẩu các nguyên liệu, nhiên liệu thô về nông sản và các hàng hóa khác. Những cải cách trong nước được cho là động lực tăng trưởng kinh tế ở khu vực này. Tuy nhiên, những quyết sách kinh tế ở các quốc gia này không đạt được hiệu quả mong muốn. Vì vậy, cần xem xét lại các quyết sách kinh tế-xã hội, khắc phục tình trạng bất bình đẳng thu nhập xã hội, phân hóa giàu nghèo.

Ba là, các chuyên gia đánh giá, nhiều chính trị gia Mỹ Latin, dù là cánh tả hay cánh hữu, sau khi thắng cử ít khi thực hiện các cam kết của mình mà tập trung vào việc duy trì quyền lực và thu vén cho lợi ích cá nhân hoặc tìm cách duy trì quyền lực của mình quá lâu. Vì vậy, chính phủ các nước cần quan tâm hơn nữa đối với người dân, coi người dân là đối tượng phục vụ.

Bốn là, xây dựng thể chế luật pháp chặt chẽ, tăng cường dân chủ trong xã hội, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy nhà nước, không để tội phạm tồn tại song hành với các nền chính trị. Tăng cường hợp tác quốc tế trong giải quyết tham nhũng ở cấp độ siêu quốc gia. Các chính phủ cần trao đổi thông tin về tài khoản ngân hàng, tài sản, việc xuất nhập cảnh một cách kịp thời và đầy đủ đối với những đối tượng tình nghi tham nhũng.

Như vậy, những biến động tại khu vực Mỹ Latin xuất phát từ nhiều vấn đề khác nhau ở mỗi nước, nhưng đều có mẫu số chung là tình trạng bạo lực triền miên và nạn tham nhũng hoành hành. Đây là dấu hiệu khó kiểm soát, dễ đẩy khu vực này vào những vòng xoáy nguy hiểm hơn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại