Khủng hoảng ngoại giao Tổng thống Mỹ Biden đối mặt sau khi rút quân khỏi Afghanistan

Hà Linh |

Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định rút toàn bộ binh sĩ tại Afghanistan được dự đoán có thể dẫn đến nhiều vấn đề nhức nhối gây ảnh hưởng lâu dài.

Khủng hoảng ngoại giao Tổng thống Mỹ Biden đối mặt sau khi rút quân khỏi Afghanistan - Ảnh 1.

Trong ảnh chụp năm 2019 là binh sĩ Mỹ tại tỉnh Wardak, Afghanistan. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp gỡ người đồng cấp Afghanistan Ashraf Ghani và Chủ tịch Hội đồng cấp cao tái điều giải quốc gia Abdullah Abdullah. Sự kiện được tổ chức sau khi Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ công bố báo cáo trong đầu tháng 5 kết luận:

“Bằng nhiều biện pháp, Taliban đang có sức mạnh cao nhất kể từ năm 2001”.

Trong những ngày qua, Taliban đã tiến hành nhiều cuộc phản công ở Bắc Afghanistan, địa điểm cách xa vùng chiến lược truyền thống của lực lượng này.

Nhà đàm phán của Chính phủ Afghanistan tham gia vào các cuộc đối thoại với Taliban, ông Habiba Sarabi, chia sẻ: “Với việc Mỹ rút quân chỉ trong vài tuần, Taliban đang chuyển động nhanh chóng, dẫn đến môi trường an ninh chuyển biến xấu. Chúng tôi đã bất ngờ quy mô và khoảng thụt lùi tại phía Bắc”.

Kênh CNN đánh giá Mỹ đã góp phần dẫn đến tình hình an ninh xấu đi tại Afghanistan khi trong hơn một thập niên luôn nói rằng muốn rút quân khỏi đây. Điều này đã giảm thiểu nỗ lực của Chính phủ Afghanistan và tăng cường ý chí của Taliban.

Nếu chính quyền Tổng thống Biden không có hành động nhanh chóng, Afghanistan có thể rơi vào tình trạng như Iraq mùa hè năm 2014 với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng nhiều khu vực khi Mỹ rút quân 3 năm trước đó.

Liên hợp quốc (LHQ) ước tính rằng kể từ tháng 5 đến nay, Taliban đã chiếm 50 trong tổng số 370 khu vực hành chính tại Afghanistan.

Cơ quan nghiên cứu mang tên Quỹ Bảo vệ Dân chủ tại Washington đánh giá Taliban hiện kiểm soát 25% dân số Afghanistan trong khi chính phủ kiểm soát 40% dân số, chỉ 1/3 người dân nước này sống trong khu vực giao tranh giữa Taliban và chính phủ.

Tiền đề trong các cuộc đàm phán nhiều năm giữa Mỹ-Taliban là Washington rút hoặc giảm quân số đổi lại Taliban ngừng mối quan hệ với al-Qaeda vốn là nhóm gây ra vụ khủng bố 11/9/2001.

Khủng hoảng ngoại giao Tổng thống Mỹ Biden đối mặt sau khi rút quân khỏi Afghanistan - Ảnh 3.

Theo LHQ, Taliban đã chiếm 50 trong tổng số 370 quận tại Afghanistan. Ảnh: CNN

Các Tổng thống Mỹ, từ thời ông Barack Obama đã liên tục đánh tiếng nước này rút quân khỏi Afghanistan. Nhưng đến cuối cùng, cựu Tổng thống Obama vẫn để lại 8.400 binh sĩ khi ông kết thúc nhiệm kỳ 2. Cựu Tổng thống Donald Trump muốn giảm số binh sĩ tại Afghanistan xuống còn 0 nhưng cuối cùng vẫn để lại 2.500 người.

Trong cả 2 trường hợp của cựu Tổng thống Obama và Trump, Lầu Năm Góc đều giữ lại một lượng nhỏ binh sĩ ở Afghanistan với vai trò chính sách đảm bảo để ngăn chặn Taliban tái chiếm phần lớn lãnh thổ.

Về phần Tổng thống Biden, ông cam kết rút hoàn toàn binh sĩ khỏi Afghanistan vào dịp 11/9. Điều này đồng nghĩa với việc các đồng minh của Mỹ ở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng dần rút quân.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng tuyên bố rằng phần đông trong số 6.000 nhà thầu Mỹ cũng sẽ rời Afghanistan.

Điều này dự kiến tác động đáng kể đến Không quân Afghanistan bởi phụ thuộc nhiều vào các nhà thầu Mỹ để vận hành trực thăng và chiến đấu cơ phức tạp được chuyển giao bởi Washington.

Thiếu những nhà thầu này, Không quân Afghanistan đối mặt với nguy cơ suy giảm sức mạnh và chính phủ nước này cũng để tuột lợi thế trong đối đầu với Taliban.

Ngoài ra, Mỹ cũng bỏ lại hàng nghìn người Afghanistan từng hỗ trợ quân đội nước này. Có 18.000 công dân Afghanistan từng hợp tác với Mỹ đang tìm thị thực rời quốc gia bởi lo ngại cho sự an toàn khi Washington rút quân.

Vậy có giải pháp nào cho những rắc rối này?

Đầu tiên, các nhà thầu Mỹ sẵn sàng ở lại Afghanistan nên được tạo điều kiện thực hiện ý nguyện. Thứ hai, những người Afghanistan từng hợp tác với quân đội Mỹ cần được xử lý thị thực nhanh chóng.

Cuối cùng, Mỹ cần thể hiện rõ rằng nước này sẽ can thiệp quân sự tại Afghanistan nếu Taliban không duy trì thỏa thuận ngừng quan hệ với al-Qaeda và tham gia đàm phán hòa bình thực chất với chính phủ Afghanistan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại