Khủng hoảng ngành chăn nuôi lợn ở Trung Quốc: Nông dân làm gì cũng lỗ

Thạch Lam (Theo SCMP) |

Dịch tả lợn châu Phi cùng biến động giá thịt lợn sau đó thúc đẩy làn sóng chuyển đổi cơ cấu trong ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc.

Cứ nuôi là lỗ

Giữa tháng 6, Liang Rixiang, một nông dân chăn nuôi lợn ở Trung Quốc, ra một quyết định “thắt ruột gan” là giảm quy mô trang trại nuôi lợn bà mất công xây dựng suốt 10 năm qua. Bà bán 4 trong số 10 con lợn nái giống, trong đó có hai con đang chửa.

Trang trại 100 con lợn của Liang được xem là tương đối lớn trong ngôi làng của bà ở tỉnh Liêu Ninh. Tuy nhiên, cả bà và những người hàng xóm có trang trại nhỏ hơn vẫn không thể tránh khỏi áp lực kinh tế do giá thịt lợn giảm mạnh. Giá mặt hàng này ở Trung Quốc giảm tới 60% kể từ đầu năm 2021 đến nay.

“Dù bạn nuôi lợn như thế nào đi chăng nữa thì bạn cũng sẽ thua lỗ. Nếu nuôi lợn để bán cho các lò mổ, bạn sẽ lỗ. Nếu nuôi lợn nái để bán lợn con, bạn cũng sẽ lỗ”, bà Liang nói.

Trên khắp Trung Quốc, hàng trăm nghìn trang trại chăn nuôi lợn quy mô nhỏ do các hộ gia đình vận hành đều đang gặp khó khăn như bà Liang. Mặc dù nguồn cung thịt lợn của Trung Quốc phần lớn đã phục hồi sau đợt dịch tả lợn châu Phi tồi tệ nhất trong giai đoạn 2018 – 2019, những đợt bùng phát trở lại và áp lực về giá giảm đang thúc đẩy sự chuyển đổi cơ cấu trong ngành mà chỉ có các trang trại lớn mới có thể đứng vững được khi lợi nhuận giảm và nhiều rủi ro vẫn tồn tại.

“Nhìn chung, cả ngành chăn nuôi lợn đang dần chuyển hướng sang sản xuất quy mô lớn và chuyên môn hóa”, Pan Chenjun, chuyên gia phân tích cấp cao về nông nghiệp tại Rabobank, nói.

Khủng hoảng ngành chăn nuôi lợn ở Trung Quốc: Nông dân làm gì cũng lỗ - Ảnh 1.

Ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc đang dần chuyển hướng sang sản xuất quy mô lớn và chuyên môn hóa. Ảnh: Tai Hailun.

Dịch tả lợn châu Phiphá hủy phần lớn đàn lợn của Trung Quốc trong giai đoạn 2018 – 2019 và các biến thể mới của dịch bệnh này vẫn đang hoành hành.

Mặc dù các tập đoàn nông nghiệp lớn có thể đứng vững trước tác động của dịch bệnh này, song nhiều hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ - lực lượng từng đóng góp phần lớn vào sản lượng lớn của Trung Quốc – lại đang phải vật lộn để tồn tại trong ngành nông nghiệp gắn liền với họ suốt hàng nghìn năm nay.

“Trước đây, đối với hầu hết nông dân, chăn nuôi lợn giống như hình thức tiết kiệm. Họ sẽ bỏ tiền ra mua ngũ cốc và cho lợn ăn trong những thời kỳ bình thường và khi cần tiền, họ sẽ bán chúng”, Yang Xidi, CEO của công ty công nghệ nông nghiệp Yunnan Kunzhou Agriculture, cho hay.

Thịt lợn chiếm khoảng 60% tổng tiêu thụ thịt ở Trung Quốc và đây cũng là quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Giá thịt lợn ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số giá tiêu dùng của quốc gia này.

Mỗi năm, quốc gia 1,4 tỷ dân này tiêu thụ khoảng 700 triệu con lợn của Trung Quốc, chiếm hơn nửa sản lượng thịt lợn hàng năm của thế giới. Yếu tố văn hóa và thói quen tiêu dùng là lý do giải thích cho sự hiện diện mạnh mẽ của các nông hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ ở Trung Quốc. Các nông hộ thường sở hữu từ vài chục đến hàng trăm con lợn và đây vẫn là lực lượng sản xuất lớn chủ yếu của quốc gia này.

Năm 2019, Trung Quốc có 26 triệu trang trại lợn, với 99% trong số đó có quy mô nhỏ, cung cấp chưa tới 500 con lợn mỗi năm, theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc. Tuy nhiên, thị phần về sản lượng của lực lượng này có xu hướng giảm trong bối cảnh giá cả biến động liên tục trong hai năm qua và chính phủ đang nỗ lực hiện đại hóa ngành chăn nuôi này.

Trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát vào năm 2018, các trang trại lợn quy mô lớn, với nguồn cung hơn 500 con lợn mỗi năm, chiếm 47% sản lượng lợn toàn Trung Quốc. Thị phần của họ tăng lên 57% vào năm ngoái, theo số liệu thống kê chính thức.

Mặc dù chưa bao giờ chính thức phản đối việc các nông hộ nuôi lợn, song các cơ quan chức năng Trung Quốc lại đang nỗ lực để chuyển đổi ngành nông nghiệp manh mún này thành ngành có tổ chức hơn, hiệu quả hơn và thân thiện với môi trường hơn. Tuy nhiên, cho đến trước khi dịch tả lợn châu Phi bắt đầu lan rộng khắp cả Trung Quốc, tiến trình chuyển đổi này vẫn rất chậm chạp.

Vào đỉnh điểm của đợt bùng phát dịch tả năm 2019, bà Liang và những người nuôi lợn gần đó lúc nào cũng bị ám ảnh bởi loại virus này. Chỉ cần một con lợn bị bệnh, tất cả đàn lợn trong làng sẽ bị tiêu hủy. Bà Liang nhớ lại một người bạn của bà khi đó phải chôn toàn bộ đàn lợn nái giống hơn 100 con, khiến bà phải bỏ nghề nuôi lợn mãi mãi.

“Ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi là điều không thể lường trước được. Các nông hộ quy mô nhỏ thường chỉ có một trang trại và họ sẽ mất mọi thứ nếu lợn bị mắc bệnh. Trong khi đó, các tập đoàn lớn hơn có thể giảm thiểu được rủi ro thua lỗ bởi họ có nhiều trang trại ở những địa điểm khác nhau”, theo Lin Guofa, chuyên gia phân tích cấp cao tại công ty tư vấn Bric Agriculture Group.

Dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung lợn của Trung Quốc giảm từ khoảng 700 triệu con vào năm 2018 xuống còn 540 triệu con vào năm 2019, đồng thời đẩy giá thịt lợn lên cao kỷ lục. Để đáp ứng nhu cầu thường xuyên của người dân trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19, cơ quan chức năng Trung Quốc đành phải nới lỏng các quy định hạn chế trong việc thành lập các trang trại chăn nuôi lợn mới. Bị cám dỗ bởi giá thịt lợn cao khi đó, nông dân lại đổ xô nuôi lợn.

Nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phá sản hàng loạt

Tuy nhiên, sự lạc quan quá mức dẫn đến thị trường quá tải, gieo mầm cho tình trạng hỗn loạn hơn trong năm nay. Khi giá thịt lợn giảm còn giá ngũ cốc tăng cao, lợi nhuận trung bình kiếm được từ việc nuôi lợn giảm xuống mức lỗ 283 nhân dân tệ (44 USD) tính đến ngày 22/6, từ mức có lợi nhuận hơn 3.300 nhân dân tệ trong cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty cung cấp dữ liệu thị trường Sublime China Information.

Theo số liệu thống kê chính thức công bố ngày 15/7, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2021 tăng 35,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đằng sau những con số đó là vô số nông dân, những người chớp cơ hội giá lên cao để nhảy vào nuôi lợn, bị phá sản.

“Những người này nhảy vào ngành chăn nuôi lợn với tư tưởng cờ bạc. Nhiều người trong số họ trước đó từng là công nhân nhập cư trên các thành phố lớn rồi quyết định trở về làng sau khi thấy các nông hộ nuôi lợn khác kiếm được nhiều tiền. Họ là những người biết rất ít về các kỹ thuật nuôi lợn nên thường phải chịu chi phí cao”, Lin cho biết.

Sự biến động về giá cả trong ngành chăn nuôi lợn, thường được các chuyên gia trong ngành gọi là chu kỳ lợn, vẫn thường được theo dõi sát sao kể từ đầu những năm 2000. Theo các chuyên gia, mặc dù các đợt bùng phát tả lợn thường là nguyên nhân gây ra chu kỳ lợn, song sự gia tăng nhanh chóng của các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là nguyên nhân cơ bản dẫn tới biến động giá.

“Nông hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ cũng giống như các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán. Lựa chọn đầu tư của họ thường không theo logic nào. Tất cả đều lao vào khi giá cao rồi đồng loạt thoát ra khi thua lỗ. Trong bối cảnh đó, cán cân cung - cầu rất dễ bị biến động và cuối cùng dẫn đến chu kỳ lợn”, ông Yang nói.

Làn sóng phá sản của các nông hộ nhỏ lẻ thu hút sự chú ý của các cơ quan ban ngành. Tháng trước, Hiệp hội Nông nghiệp Chăn nuôi Trung Quốc phải kêu gọi người chăn nuôi lợn không hoảng sợ khi giá giảm, không tin vào những tin đồn hoặc áp dụng tư duy đánh bạc trong chăn nuôi.

Khi các nông hộ nhỏ lẻ rút lui, những trang trại được hỗ trợ bởi các tập đoàn lớn nhanh chóng nhảy vào lấp đầy khoảng trống. “Dư địa cho nông dân chăn nuôi theo kiểu nhỏ lẻ đang dần cạn kiệt. Bởi chi phí đang ở mức quá cao nên họ khó có thể cạnh tranh thị phần với các trang trại lớn lâu năm”, ông Pan cho hay.

Theo các nhà phân tích, nếu giá thịt lợn tiếp tục giảm, tỷ lệ nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ tiếp tục giảm trong năm nay.

Khủng hoảng ngành chăn nuôi lợn ở Trung Quốc: Nông dân làm gì cũng lỗ - Ảnh 2.

Các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang phải chịu những tiêu chuẩn về đầu vào cao hơn trước. Ảnh: Liang Rixiang.

Việc chính phủ ban hành các yêu cầu khắt khe hơn về môi trường đồng nghĩa ngưỡng đầu vào đối với các nông hộ quy mô nhỏ - những người thường vận hành trang trại bằng các phương pháp truyền thống, tương đối thô sơ – cũng cao hơn trước.

Trung Quốc thắt chặt quy định đối với các trang trại chăn nuôi lợn từ năm 2015 với đạo luật bảo vệ môi trường mới. Kết quả là, nhiều cơ sở nhỏ lẻ, hoạt động kém hiệu quả phải đóng cửa vì không đáp ứng được tiêu chuẩn về chất thải.

Dù đã nới lỏng quy định này vào năm 2019 để khuyến khích hoạt động sản xuất thịt lợn, song chính phủ Trung Quốc năm nay lại siết quy định khi nhận thấy nguồn cung phục hồi.

Các trang trại lợn lớn không chỉ có vị thế tốt hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn mới của chính phủ mà còn có thể phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn có thể giảm thiểu sự không chắc chắn bằng cách sử dụng công cụ tài chính, như hợp đồng lợn hơi tương lai ra mắt trên Sở giao dịch hàng hóa Đại Liên vào đầu năm 2021.

Năm ngoái, nguồn cung lợn nội địa của Trung Quốc là 527 triệu con, thấp hơn 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 10 doanh nghiệp chăn nuôi hàng đầu cung cấp khoảng 55 triệu con, tăng 35,3% so với năm trước, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Mô hình cộng sinh giữa công ty và nông dân

Phương pháp được các công ty chăn nuôi lợn hàng đầu ở Trung Quốc áp dụng là mô hình “công ty cộng sinh với nông dân”. Theo đó, các công ty cung cấp cho nông dân lợn con, ngũ cốc, thuốc thú y và hướng dẫn kỹ thuật, trong khi nông dân cung cấp nhà cửa, thiết bị và nhân lực.

Hai bên ấn định giá giao hàng trước đối với một con lợn trưởng thành và công ty chịu trách nhiệm bán sẽ là bên chịu rủi ro thị trường. Nhờ mô hình này, các công ty chăn nuôi lợn hàng đầu đang nhanh chóng mở rộng được phạm vi hoạt động.

Trong khi đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường phải tự tìm nguồn cung lợn con, ngũ cốc và vaccine. Họ càng nuôi ít lợn thì chi phí càng cao. Họ cũng là người chịu mọi rủi ro khi giá thịt lợn giảm, vì phải giao dịch theo giá thị trường hiện tại.

Cách ngôi làng của bà Liang khoảng 350 km, ông Tai Hailun - chủ quán bar giờ chuyển sang nuôi lợn - cho rằng bản thân rất may mắn khi hợp tác với Dabeinong, công ty công nghệ nông nghiệp niêm yết ở Thâm Quyến.

Với số vốn đầu tư 20 triệu nhân dân tệ, ông bắt đầu xây dựng trang trại lợn mới với diện tích 20.000 m2 ở Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh, từ tháng 9/2020 và chào đón lứa lợn con đầu tiên vào cuối năm. Trang trại của ông Tai hiện là trang trại lớn nhất trong khu vực với 8.000 con lợn.

Ông Tai quyết định nhảy vào ngành chăn nuôi lợn vì nhận thấy lợi nhuận của ngành này tăng mạnh trong năm 2020. “Nhìn lại, tôi cảm thấy mình thật may mắn vì đưa ra quyết định đó. Nếu không thì tôi đã bị mắc bẫy bởi giá cả sau đó giảm mạnh”, ông nói.

Các chuyên gia cho rằng vẫn sẽ có chỗ cho các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong tương lai, miễn là họ tập trung vào việc thúc đẩy hiệu quả và kỹ năng quản lý.

Ông Lin của Tập đoàn Nông nghiệp Bric cho biết: “Chăn nuôi lợn vẫn là nguồn thu nhập rất quan trọng đối với nông dân Trung Quốc. Trong tương lai, Trung Quốc cũng giống như các quốc gia chăn nuôi lớn khác trên thế giới, tức là các tập đoàn lớn sẽ đóng vai trò chính trên thị trường, còn trang trại của các hộ gia đình sẽ là một phần không thể thiếu”.

Liang cho biết bà cũng đang suy nghĩ về tương lai. Con trai bà đang theo học bằng Tiến sĩ và sẽ không trở về điều hành trang trại lợn của gia đình. “Khả năng sinh lời sẽ không được như năm ngoái và việc chăn nuôi lợn cũng khá mệt mỏi. Tôi đang cân nhắc sớm bỏ nghề nuôi lợn”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại