Ao ước thấy ánh sáng đèn
Bình thường vẫn nhận giúp việc nhà để kiếm sống nhưng mấy ngày qua, chị Sivakala Rajeeswari, 40 tuổi, không có thời gian làm bất cứ việc gì ngoài đi xếp hàng. "Tôi không có cơ hội đi làm ở bất cứ đâu", Rajeeswari nói, "Khi nào sự khốn khổ này mới kết thúc đây?"
Gần đây, với người dân Sri Lanka, riêng việc chờ đợi để mua được nhu yếu phẩm thôi cũng đủ hết ngày. Sữa bột, thuốc men, xăng dầu… mỗi món lại phải đứng xếp hàng ở những lối khác nhau. Trong vài tuần qua, mỗi ngày người dân phải dành vài tiếng đồng hồ chỉ để xếp hàng – nhằm mua lấy những thứ hàng hóa thiết yếu.
Zahara Zain, chủ một doanh nghiệp thực phẩm nhỏ, nói rằng những gì đang diễn ra gợi cô nhớ về Sri Lanka khốn khó của hơn 50 năm trước. "Có cảm giác như chúng tôi đang sống lại thời kì những năm 1970, lúc mà mọi thứ đều được phân chia theo khẩu phần".
Nhiên liệu, thực phẩm đều thiếu thốn, hoặc nếu có thì giá bán tăng theo ngày. Nhưng các tiểu thương cũng chẳng lấy thế làm hạnh phúc. Chính sách cắt điện 13 giờ/ngày để giảm tiêu thụ nhiên liệu buộc rất nhiều chủ cửa hàng phải tạm dừng buôn bán vì không có điện chạy tủ lạnh, điều hòa hay quạt.
Binh lính phải túc trực ở trạm xăng để "giữ bình tĩnh" cho khách hàng, những người đã đứng hàng tiếng đồng hồ dưới cái nóng cùng cực chờ tới lượt đổ xăng. Có người còn tử vong trong lúc chờ đợi.
Binh lính Sri Lanka phải túc trực ở trạm xăng. Ảnh: CNN
Cách đây chưa lâu, Sri Lanka vẫn còn được ca ngợi là ngôi sao kinh tế đang lên. Theo NYT, chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, từ một đất nước bị nội chiến tàn phá, Sri Lanka vươn lên nhóm quốc gia có mức thu nhập trung bình cao.
Nền kinh tế lấy du lịch làm trọng điểm mang về hàng tỉ USD. Xe Audi nhập khẩu, nhà hàng, quán cafe hạng sang, trung tâm thương mại cao cấp phục vụ giới trung lưu xuất hiện ngày càng nhiều.
Thế mà lúc này, mong mỏi của người dân Sri Lanka đơn giản chỉ là được thấy ánh sáng đèn. Ngay cả tầng lớp trung lưu có của ăn của để cũng không khỏi bức xúc.
"Chưa bao giờ chúng tôi nghèo thế này, dù rõ là chúng tôi có tiền tiết kiệm và cũng kiếm được tiền", Upul - một người dân Sri Lanka nói. Upul có 1 công việc chuyên môn với mức lương tốt nhưng anh vẫn không thể mua được nhu yếu phẩm cho gia đình.
Chuyên gia kinh tế Shahana Murkherjee của Moody’s Analytics nhận định, Sri Lanka đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kép: vừa trả nợ nước ngoài, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước. Đây là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất ở nước này kể từ khi giành độc lập năm 1948.
Phát biểu trong một cuộc tranh luận tại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardana cảnh báo: Đây mới chỉ là khởi đầu!
"Thiếu hụt thực phẩm, điện, xăng dầu sẽ trở nên tồi tệ hơn. Rồi sẽ xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm vô cùng nghiêm trọng và chết đói", ông Abeywardana nói.
3 phần đen đủi, 7 phần yếu kém
Dịch Covid-19 kéo dài và chiến sự ở Ukraine đã làm ngưng trệ du lịch, gián đoạn chuỗi cung ứng, nâng giá hàng hóa tăng cao, đẩy Sri Lanka chìm vào hố sâu suy thoái. Dù vậy, giới chuyên gia nhấn mạnh, những yếu tố này chỉ là chất xúc tác, còn căn nguyên vấn đề thực chất đã tồn tại bên trong quốc gia này suốt nhiều năm.
Chủ tịch Murtaza Jafferjee của Viện tư vấn chính sách Advocata (trụ sở tại Sri Lanka) thẳng thắn nhìn nhận tình hình ở Sri Lanka: "30% do vận rủi. 70% do yếu kém trong quản lý… Một chuỗi sai lầm nối tiếp sai lầm".
CNBC dẫn lời bà Dushni Weerakoon, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Chính sách Sri Lanka, phân tích, từ năm 2007, nước này đã phát hành trái phiếu chính phủ "mà không nghĩ kĩ xem sẽ trả các khoản vay bằng cách nào". Theo bà, việc xây nguồn dự trữ bằng cách vay ngoại tệ, thay vì kiếm về từ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, khiến nước này không thể chống đỡ được các cú sốc từ bên ngoài.
Đồng rupee Sri Lanka hiện là đồng tiền có hoạt động kém nhất thế giới. Ảnh: CGTN
Năm 2019, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tuyên bố cắt giảm thuế từ 15% xuống còn 8%, bãi bỏ 7 loại thuế. Chính phủ mất đi nguồn thu đáng kể, ngân sách thâm hụt lớn, khả năng hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch vì thế mà suy yếu.
Ông Shanta Devarajan, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, nhận định đây cũng là một lý do để các cơ quan xếp hạng hạ bậc tín nhiệm của Sri Lanka xuống mức "mặc định" – đồng nghĩa với việc mất đi quyền tiếp cận thị trường nước ngoài. Theo New York Times, năm 2019, lần đầu tiên trong lịch sử, quốc gia này công bố tài sản nước ngoài là con số âm.
Trong nỗ lực giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối, năm 2021, Sri Lanka ra lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học và hóa chất nông nghiệp, tiến tới trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất thuần hữu cơ. Quốc gia này tự tin sẽ tiết kiệm khoảng 200 triệu USD. Nhưng thực tế là chính sách này đã gây sụt giảm nghiêm trọng sản lượng các mặt hàng chủ lực như lá trà, quế, tiêu…, tăng thâm hụt gạo – vốn là lương thực chính.
Việc sử dụng ngoại tệ để trả các khoản nợ khổng lồ từ thời Tổng thống Mahinda Rajapaksa (2005 – 2015) làm dự trữ ngoại hối của Sri Lanka giảm chỉ còn 2,1 tỉ USD, tính tới tháng 1/2022. Ngay cả trước khi xung đột ở Ukraine xảy ra, giá nhiên liệu cũng như giá nhiều loại hàng hóa của Sri Lanka đã bắt đầu tăng cao, do nước này thiếu tiền để trả cho các nhà cung cấp.
Trong bối cảnh đó, quyết định in thêm tiền và tích trữ USD càng kéo giá trị của đồng rupee liên tục lao dốc. Lạm phát tính tới tháng 2/2022 tăng lên mức kỉ lục – 17,5%. Đồng rupee Sri Lanka đã trở thành đồng tiền có hoạt động kém nhất thế giới.
Sri Lanka phải tìm tới cả các nước nghèo hơn mình như Bangladesh để xin mở hạn mức tín dụng nhằm mua nhiên liệu và sữa bột. Dầu mỏ từ Iran thì trả bằng lá trà. Quốc gia này cuối cùng đã phải nghĩ tới việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF sau nhiều lần ra sức chối bỏ.
(Mời quý độc giả đón đọc kỳ II)