Khủng hoảng giải Oscar 2019: Tranh cãi, tức giận và lời nguyền thị phi

Phương Anh |

Lễ trao giải Oscar năm 2019 vừa khép lại với rất nhiều tranh cãi và ồn ào.

Thị phi vì nỗ lực câu kéo khán giả

Giải thưởng của Viện Hàn Lâm Khoa học Nghệ thuật Mỹ (AMPAS) hay còn gọi là giải Oscar luôn được coi là giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới. Thế nhưng, trong lịch sử 91 năm của mình, Oscar và hội đồng AMPAS chưa bao giờ phải đối mặt với nhiều chỉ trích và thị phi như năm nay.

Năm 2018, tỷ suất người xem trực tiếp giải Oscar đã rơi xuống mức thấp kỷ lục 26,5 triệu người xem, giảm 20% so với năm 2017. Dù danh giá đến đâu thì việc mất đi sự quan tâm của khán giả cũng là một dấu hiệu đáng báo động với ban tổ chức.

Đối mặt với cơn "khủng hoảng", Oscar đã nhiều lần cố gắng câu kéo sự chú ý của khán giả nhưng đều thất bại.

Khủng hoảng giải Oscar 2019: Tranh cãi, tức giận và lời nguyền thị phi  - Ảnh 1.

Tháng 8 năm 2018, hội đồng AMPAS công bố sẽ đưa hạng mục "Phim được yêu thích nhất" vào hệ thống giải thưởng trong lễ trao giải Oscar 2019.

Quyết định này lập tức gây tranh cãi mạnh mẽ với Oscar luôn là giải thưởng mang tính chất hàn lâm và là sân chơi danh giá của các bộ phim giàu tính nghệ thuật. Vinh danh dành cho các tác phẩm đại chúng là nhiệm vụ của các giải thưởng khác như giải "Sự lựa chọn của công chúng".

Với hạng mục "Phim được yêu thích nhất", Oscar hy vọng sẽ gây được chú ý với lứa khán giả trẻ nhưng quyết định này rõ ràng đã gây phản tác dụng.

Một số ý kiến còn chỉ trích rằng giải "Phim được yêu thích nhất" chính là hạng mục được bày sẵn cho bom tấn siêu anh hùng Black Panther. Nói cách khác, đây là một chiêu trò "mua giải" của hãng phim đại gia Disney.

Khủng hoảng giải Oscar 2019: Tranh cãi, tức giận và lời nguyền thị phi  - Ảnh 2.

Sau cùng, Oscar đã phải vội vàng tuyên bố lui kế hoạch thay đối cơ cấu hệ thống giải thưởng để xoa dịu dư luận đang dậy sóng.

Tới tháng 12, tức là chỉ còn hơn 2 tháng tới lễ trao giải, danh hài da màu Kevin Hart được tuyên bố sẽ đảm nhiệm vai trò MC của chương trình năm nay.

"Vận xui" tiếp tục xảy đến với giải Oscar khi dân mạng Mỹ bất ngờ đào xới lại loạt bài đăng kỳ thị người đồng tính của Kevin Hart từ nhiều năm trước. Chỉ hai ngày sau, Kevin Hart đã phải công khai xin lỗi và từ bỏ vai trò MC trước sự hoang mang của ban tổ chức giải thưởng.

MC lễ trao giải điện ảnh lớn nhất hành tinh từng là một vị trí danh giá mà nhiều người thèm khát nhưng nay lại trở thành "lời nguyền thị phi" khiến hết thảy các nhân vật nổi tiếng đều muốn tránh xa. Lần đầu tiên sau 30 năm, lễ trao giải Oscar buộc phải diễn ra mà không có MC.

Khủng hoảng giải Oscar 2019: Tranh cãi, tức giận và lời nguyền thị phi  - Ảnh 3.

Danh hài Kevin Hart vội vã "trốn chạy" khỏi vị trí MC cho lễ trao giải Oscar.

2 tuần trước khi đêm trao giải diễn ra, thị phi vẫn tiếp tục bám lấy giải Oscar khi hội đồng AMPAS đưa ra quyết định sẽ đẩy phần trao tượng của hai hạng mục "Quay phim xuất sắc" và "Dựng phim xuất sắc" vào phần quảng cáo, tức là khán giả xem chương trình trực tiếp sẽ không được theo dõi người thắng giải của hai hạng mục này.

Lập tức, hơn 100 nhà làm phim bao gồm những chủ nhân tượng vàng như Martin Scorsese, Alfonso Cuaron và Roger Deakins đã giận dữ viết thư phản đối. Một lần nữa, ban tổ chức Oscar lại phải rút lại quyết định của mình để tránh ồn ào.

Oscar hay giải thưởng "hòa cả làng"

Sáng ngày hôm nay (25/2) theo giờ Việt Nam, lễ trao giải Oscar lần thứ 91 đã khép lại. May mắn là không có thêm lời phàn nàn nào về việc chương trình không có MC như truyền thống.

Thiếu vắng các đoạn dẫn dài dòng, lễ trao giải năm nay kết thúc sớm hơn thường niên khoảng gần một tiếng đồng hồ. Ban nhạc Queen và nữ diễn viên Julia Roberts thay MC nói lời mở đầu và kết thúc cho một giải Oscar nhanh gọn.

Khủng hoảng giải Oscar 2019: Tranh cãi, tức giận và lời nguyền thị phi  - Ảnh 4.

Người đẹp Julia Roberts là người công bố giải "Phim hay nhất" đồng thời thay MC nói lời kết thúc, mời khán giả ra về.

Chung cuộc, bộ phim ca nhạc Bohemian Rhapsody thắng lớn, ẵm 4 giải thưởng trên 5 đề cử nhưng chỉ có 1 giải thuộc nhóm hạng mục lớn. Ba bộ phim Green Book, Roma và Black Panther cùng chia nhau đem về 3 tượng vàng.

Đây là một kết quả được cho là "hòa cả làng", kiểu thiên hướng trao giải những năm gần đây của giải Oscar.

Trước thềm đêm trao giải, Roma- bộ phim đen trắng của đạo diễn người Mexico Alfonso Cuaron dẫn đầu với tất cả 10 đề cử và cũng là ứng cử viên mạnh nhất cho giải "Phim hay nhất". Nhiều chuyên gia dự đoán Roma sẽ làm nên lịch sử và giành tượng vàng nhưng chiến thắng lại bất ngờ thuộc về Green Book.

Ngay trong khán phòng lễ trao giải, đạo diễn da màu Spike Lee- người vừa giành giải "Kịch bản gốc xuất sắc" khoát tay tỏ vẻ bất đồng và đứng lên bỏ về khi Green Book được xướng tên tại giải thưởng quan trọng nhất.

Khủng hoảng giải Oscar 2019: Tranh cãi, tức giận và lời nguyền thị phi  - Ảnh 5.
Khủng hoảng giải Oscar 2019: Tranh cãi, tức giận và lời nguyền thị phi  - Ảnh 6.

Đạo diễn Spike Lee và nam chính phim Black Panther được cho là đã tỏ thái độ bất mãn với kết quả giải Oscar.

Kể về mối quan hệ giữa hai nhân vật có thật là người tài xế da trắng Tony Lip và nghệ sĩ piano da màu Don Shirley, Green Book bị nhiều nhà phê bình cho rằng đã đơn giản hóa quá mức mâu thuẫn sắc tộc trong phim.

"Kỳ quặc và đầy tránh né", "bộ phim dở nhất giành tượng vàng Oscar kể từ phim Crash năm 2006" là những bình luận dành cho Green Book sau khi giành giải.

Trước đó, Green Book còn bị chính gia đình của Don Shirley chỉ trích. Em trai của nghệ sĩ da màu nhận xét bộ phim là "một bản giao hưởng của những lời dối trá".

Một làn sóng ý kiến gay gắt cho rằng Green Book không xứng đáng với giải "Phim hay nhất" đang nổi lên trên mạng xã hội.

Nhìn chung, kết quả của lễ trao giải Oscar khó lòng làm thỏa mãn tất cả người hâm mộ điện ảnh. Nhưng những ồn ào và thị phi của chương trình năm nay có lẽ sẽ còn khiến khán giả và giới phê bình bàn luận trong một thời gian dài nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại