Khủng hoảng điện năng: Người dân Venezuela phải dự trữ từng chiếc lá, chật vật "sinh tồn" bằng hàng chợ đen

Hồng Anh |

Cuộc khủng hoảng mất điện trên diện rộng tại Venezuela đã bước sang ngày thứ 6, cùng với đó là tình trạng khan hiếm nước sạch, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân.

Chật vật xoay xở trong khủng hoảng

Lặng lẽ dừng xe bên một góc phố ở phía Đông thủ đô Caracas, Venezuela, bà Rosa Elena bước xuống và bắt đầu hái một nắm lá từ loài cây mọc khiêm nhường bên vệ đường.

"Đây là cây nim (cây xoan Ấn Độ)", bà Rosa nói với phóng viên của tờ The Guardian (Anh). "Nó có rất nhiều đường, và bạn có thể nấu loại lá này cùng nước trà".

Việc thu thập lá cây của bà Rosa thực chất chẳng hề liên quan tới nghiên cứu khoa học. Rosa bị tiểu đường, và khi Venezuela chìm vào cuộc khủng hoảng mất điện kéo dài từ thứ 5 tuần trước, bà bắt đầu lo lắng về nguồn dự trữ insulin của mình, vốn là thứ cần phải được bảo quản trong tủ lạnh.

Kể từ ngày hôm đó, Rosa đã phải đi quanh thành phố để thu thập và dự trữ lá cây nim, loài thực vật mà nhiều người cho là có thể kiểm soát được bệnh tiểu đường.

Khủng hoảng điện năng: Người dân Venezuela phải dự trữ từng chiếc lá, chật vật sinh tồn bằng hàng chợ đen - Ảnh 1.

Bà Rosa Elena tự tay đi hái lá cây nim. Ảnh: The Guardian.

Cuộc khủng hoảng điện năng trên diện rộng tại Venezuela đã bước sang ngày thứ 6, và rất nhiều người dân như bà Rosa đã phải nghĩ ra nhiều cách để xoay xở sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn điện, nước.

Mặc dù nguồn điện tại một số khu vực thuộc Caracas đã được khôi phục, tuy nhiên vẫn còn nhiều nơi chưa có điện kể từ tuần trước. Đầu tuần này, chính phủ Venezuela đã thông báo tiếp tục tạm đóng cửa trường học và công sở cho đến khi mạng lưới điện được khôi phục.

Thức ăn đã bắt đầu thối rữa trong tủ lạnh của người dân, và nhiều bệnh viện phải chật vật tìm cách duy trì các thiết bị y tế hoạt động. Một cảnh tượng thường thấy trong những ngày này ở ngoài đường phố của Venezuela là những người dân tập trung ở góc đường để cố gắng bắt sóng điện thoại.

Khu chung cư Residencias Karin ở phía Đông Nam khu tự quản Baruta vẫn tiếp tục mất điện, và cư dân của chung cư này đã tụ họp để chia sẻ kinh nghiệm và kĩ năng sinh tồn trong cảnh khó khăn, theo phóng viên của the Guardian.

Một cư dân cao tuổi đã tình nguyện cho mọi người mượn máy phát điện của mình để sạc điện thoại. Họ đã phủ lên đó một tấm bạt và bìa cứng để ngăn nước mưa và tránh tình trạng cháy máy do quá tải nhiệt.

Thông thường, nhờ các khoản trợ cấp của chính phủ nên xăng dầu gần như là miễn phí ở Venezuela. Tuy nhiên, do tình trạng mất điện kéo dài khiến hoạt động khai thác cũng như các trạm xăng phải ngừng hoạt động, nên người dân đã phải tìm đường đến chợ đen để mua nhiên liệu cho máy phát điện, phóng viên của báo the Guardian cho hay.

"Chính phủ gọi đó là hàng lậu - nhưng đối với chúng tôi đó là biện pháp để sống sót", một cư dân có tên là Carolina nói.

Ông Pedro Martínez, một người dân khác tại khu chung cư Residencias Karin, từng là nông dân ở miền Tây Venezuela. Ông đã chia sẻ cho mọi người những kĩ năng sinh tồn rất độc đáo để chống chọi với tình trạng hiện nay.

"Tôi là nông dân", ông Martínez nói. "Tôi chẳng biết gì về điện thoại cả, nên tôi có thể sống mà không cần đến chúng. Nhưng một điều tôi biết rõ là làm thịt khô". Ông Martínez đã giúp những người hàng xóm của mình chế biến món bò khô để dự trữ thực phẩm được lâu hơn. "Cá và thịt gà của họ đều đã ôi thiu hết rồi", ông này nói.

Đêm Chủ nhật vừa qua (10/3), cư dân tại khu chung cư này đã nghe thấy một tràng tiếng nổ cực lớn, khi một trạm biến áp gần đó đột ngột phát nổ không rõ lí do.

"Nghe như là tiếng máy bay cất cánh vậy", Carolina nói. Phảng phất đâu đó vẫn còn mùi nhựa cháy khét sau vụ nổ trạm biến áp.

Để đối phó với tình trạng mất điện và khan hiếm nước trong 6 ngày qua, các cư dân tại khu vực này đã phải bơm nước từ một chiếc giếng gần cổng vào chung cư, và thay phiên nhau mang đồ dự trữ cho những người hàng xóm cao tuổi sống trên các tầng cao.

Tình trạng khan hiếm nước cũng đang diễn ra trên toàn thành phố Caracas: tại một hiệu thuốc trong khu thương mại cao cấp Las Mercedes, người dân Venezuela xếp hàng dài đến vài khu phố để đợi mua nước sạch - thậm chí còn dài hơn cả hàng người ở bên ngoài các trạm xăng.

Anh Moisés de Lima mới có con cách đây không lâu. Phóng viên của The Guardian đã chứng kiến anh chất nhiều chai nước lên xe ô tô của mình để đề phòng cuộc khủng hoảng này còn kéo dài thêm nhiều ngày tới.

Khủng hoảng điện năng: Người dân Venezuela phải dự trữ từng chiếc lá, chật vật sinh tồn bằng hàng chợ đen - Ảnh 3.

Hiện chỉ có khoảng 100 trong số 1.800 trạm xăng tại Venezuela còn hoạt động trong cuộc khủng hoảng điện năng kéo dài. Nhiều người dân đã phải tìm đến chợ đen để mua nguyên liệu cho máy phát điện. Ảnh: EPA.

"Chúng ta đều như nhau"

Tối thứ Hai vừa qua, trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia, Tổng thống Nicolás Maduro đã cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump đứng sau "âm mưu ác quỷ" nhằm đẩy Venezuela vào cảnh hỗn loạn để lấy cớ can thiệp quân sự vào quốc gia Mỹ-Latinh này.

Tuy nhiên, phía Mỹ đã bác bỏ cáo buộc trên, và lên án tình hình hiện tại là hậu quả của nhiều năm điều hành yếu kém, tham nhũng và thiếu đầu tư của chính quyền ông Maduro.

"Tổng thống lâm thời" tự xưng Juan Guaidó cũng đã đổ lỗi cho chính quyền ông Maduro về tình trạng khủng hoảng hiện nay. Phát biểu trước đám đông ủng hộ, người này đã gọi đây là một "thảm kịch" bị gây ra bởi sự "thiếu năng lực, thiếu chuyên môn, sự yếu kém từ một chính phủ không chăm sóc cho đời sống người dân Venezuela".

Trong khi đó, Tổng thống Maduro hôm 12/3 tuyên bố rằng lực lượng chức năng của nước này đã bắt giữ được hai "kẻ phá hoại" tại đập thủy điện quan trọng nhất của Venezuela, và đang mở cuộc điều tra để tìm ra kẻ chủ mưu.

Phía ngoài căn cứ không quân La Carlota nằm gần trung tâm thành phố, người dân địa phương đã đem chai, bình, xô, và chậu để lấy nước sạch ở vòi nước bên ngoài đồn cảnh sát địa phương.

Bà Jeancary Lugo, một nhà quản trị doanh nghiệp, là một trong những người đang chờ đợi đến lượt lấy nước. Trả lời phóng viên The Guardian, bà đã tỏ ra rất bất bình trước hành động trục lợi của nhiều người bán hàng trong vụ khủng hoảng.

"Chỉ vừa mới thứ 6 tuần trước, giá một túi đá lạnh là 1,5 USD. Vậy mà hôm qua tôi quay lại đó, họ đòi tôi trả những 8 USD. Nhiều người rất đoàn kết, nhưng cũng có không ít đối tượng trục lợi. Tôi cảm thấy như thể những người đó đang muốn trấn lột chúng tôi vậy", bà Lugo nói.

Ở phía bên kia đường, lực lượng vệ binh quốc gia đã được bố trí với đầy đủ trang bị như khiên và mặt nạ chống khí gas, sẵn sàng phản ứng với bất kỳ động thái quá khích nào.

Một trong số các sĩ quan này nói với người dân: "Tại sở chỉ huy, chúng tôi cũng chẳng có nước, mà điện thì cũng chập chờn. Chúng ta đều như nhau thôi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại