Giới phân tích tìm kiếm những dấu hiệu của cú sốc tài chính tiếp theo có thể ập đến với Trung Quốc đang hết sức chú ý đến góc khuất tăm tối nhất trong hệ thống ngân hàng trong bóng tối (shadow banking) của nước này.
Trung tâm của mối lo ngại là bộ phận được gọi là những sản phẩm "quản lý tài sản độc lập" – loại tài sản đã bùng nổ trong những năm gần đây bằng cách bán các sản phẩm có lợi suất cao cho các nhà đầu tư giàu có. Gần như không bị sờ tới khi chính phủ Trung Quốc nỗ lực thanh lọc các sản phẩm tài chính phi ngân hàng, mảng này đã tăng trưởng như vũ bão, trở thành nguồn cung cấp tín dụng cho các công ty đang rất cần tiền mặt mà không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn cho vay khắt khe.
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc sâu hơn và tỷ lệ các doanh nghiệp vỡ nợ ngày càng tăng, các nhà đầu tư được cho là sẽ ngày càng thua lỗ nặng. Niềm tin vào mảng này đã sụt giảm mạnh kể từ tháng 7, khi Noah Holdings (công ty lớn nhất trong ngành) tuyên bố các sản phẩm tín dụng trị giá 3,4 tỷ nhân dân tệ (tương đương 477 triệu USD) được quản lý bởi một trong những công ty con của hãng có thể biến mất vì liên quan đến 1 vụ lừa đảo của 1 tập đoàn lớn. Cổ phiếu của Noah niêm yết ở Mỹ đã giảm 38% trong 3 tháng qua.
Hậu quả có thể trở nên nặng nề nếu như sự bất ổn của các sản phẩm này làm dấy lên một đợt giảm giá sâu trong giá của các tài sản có lợi suất cao ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Có một yếu tố khiến các nhà phân tích phải bận tâm: vì chúng quá mơ hồ và chịu sự quản lý rất lỏng lẻo, không ai biết chính xác số tiền đang phải chịu rủi ro là bao nhiêu.
Các báo cáo tài chính của Noah và Jupai Holdings (1 công ty khác cũng niêm yết cổ phiếu ở Mỹ) cho thấy ngành này đã trải qua một thời kỳ tăng trưởng rất nóng. Số tài sản dưới quyền quản lý của Noah đã tăng trưởng 40% trong 2 năm kết thúc vào tháng 12/2018, lên 169,2 tỷ nhân dân tệ. Đây cũng là giai đoạn mà toàn bộ hệ thống shadow banking của trung Quốc bị siết chặt quản lý và suy yếu.
Trong khi đó tài sản dưới quyền quản lý của Jupai đã tăng hơn gấp 4 kể từ năm 2015 đến cuối năm ngoái, lên 56,8 tỷ nhân dân tệ. Không có con số thống kê chính thức về toàn ngành, nhưng năm 2016 Noah từng ước tính rằng Trung Quốc có trên 8.000 công ty quản lý tài sản độc lập.
Các công ty này cung cấp rất nhiều loại sản phẩm từ những quỹ tương hỗ đơn giản nhất, và phần lớn trong số đó được hậu thuẫn bởi những khoản vay lãi suất cao cho các công ty (thường là công ty bất động sản) không thể tiếp cận với nguồn vốn truyền thống như ngân hàng.
Vì các sản phẩm tín dụng chỉ được bán cho những nhà đầu tư có ít nhất 3 triệu nhân dân tệ tài sản hoặc có thu nhập trung bình 500.000 nhân dân tệ trong 3 năm gần nhất, chúng được loại bỏ khỏi các quy định ngày càng chặt chẽ mà chính phủ Trung Quốc tung ra trong thời gian gần đây để quản lý các sản phẩm quản lý tài sản mà các ngân hàng cung cấp. Trong khi tỷ trọng tài sản tín dụng phi tiêu chuẩn (hầu hết là nợ doanh nghiệp) tại các quỹ quản lý tài sản chỉ được tối đa 35%, các sản phẩm tín dụng được phát hành bởi các công ty quản lý tài sản độc lập không bị ràng buộc bởi mức trần này.
Điều đó cho phép họ cung cấp những khoản vay rủi ro hơn và đem đến cho nhà đầu tư mức lợi suất cao hơn – điều đặc biệt hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khi mà lợi suất tại các quỹ truyền thống ngày càng giảm xuống. Một số tài liệu quảng cáo cho các sản phẩm của Noah cho thấy 1 khoản đầu tư 9 tháng có thể đem về mức lợi suất 7,7%/năm – cao gấp 5 lần so với lãi suất huy động cơ bản.
Trong mấy tháng gần đây sự bất ổn ngày càng lớn dần khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu nhất kể từ 1992 và tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp cao kỷ lục. Việc Noah không thể phát hiện rủi ro khi cấp khoản vay cho Camsing International Holding, tập đoàn mà hãng buộc tội là lừa đảo và có Chủ tịch đã bị bắt hồi tháng 6, là bằng chứng cho thấy nhà đầu tư cần cẩn trọng. Hiện cảnh sát vẫn đang điều tra vụ việc ở Camsing.
Vì các công ty quản lý tài sản độc lập tập trung vào những nhà đầu tư giàu có, có thể chúng sẽ gây ra ít rủi ro hệ thống hơn so với các mảng khác của hệ thống shadow banking ở Trung Quốc.
Hơn nữa, giới chức có thể sẽ sớm đưa ra các biện pháp quản lý mảng này. Hồi tháng 2 Ủy ban chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã công bố dự thảo quản lý các công ty quản lý tài sản và các nhà phân phối các sản phẩm đầu tư. Dự thảo hứa hẹn sẽ giúp giảm bớt rủi ro, nhưng theo Liu Shichen, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Z-Ben Advisors, có vẻ như nhà đầu tư không nhận thức được hết mức độ nguy hiểm của những sản phẩm này. Nguyên nhân một phần là do nhiều công ty đã sử dụng chính vốn của họ để đền bù cho khách hàng khi thua lỗ.