Khủng hoảng chính trị ở Sri Lanka: "Huynh đệ tương tàn" vì đâu và vì ai?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Tính đến thời điểm hiện tại, có lẽ Ấn Độ thua trận này vì chủ quan và vì không thể "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" được như Trung Quốc ở Sri Lanka.

Cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại ở Sri Lanka trên danh nghĩa bùng phát bởi quyết định của Tổng thống Maithripala Sirisena sa thải Thủ tướng Ranil Wickremesinghe và bổ nhiệm người tiền nhiệm của chính mình là ông Mahinda Rajapaksa làm thủ tướng, nhưng trong thực chất lại có liên quan trực tiếp đến hai đối tác bên ngoài tranh giành ảnh hưởng ở đảo quốc này là Trung Quốc và Ấn Độ.

Hài kịch chính trị quyền lực thì đã chắc chắn nhưng nó đồng thời còn là một bi kịch đối với đất nước này.

Màn hài kịch chính trị

Ông Wickremesinghe đã hai lần là Thủ tướng Sri Lanka (1993-1994 và 2001-2004) trước khi cùng ông Sirisena - trên cương vị Bộ trưởng Y tế trong chính phủ thời ông Rajapaksa là Tổng thống Sri Lanka - liên danh và liên minh lật đổ quyền lực của ông Rajapaksa năm 2015 để ông Sirisena trở thành tổng thống của đất nước này và ông Wickremesinghe đảm trách cương vị thủ tướng lần thứ 3, tạo nên cặp bài trùng quyền lực mới.

Khủng hoảng chính trị ở Sri Lanka: Huynh đệ tương tàn vì đâu và vì ai? - Ảnh 1.

Ông Mahinda Rajapaksa được bổ nhiệm làm Thủ tướng Sri Lanka. Ảnh: AP

Bây giờ, đồng minh chung một chiến hào xưa trở thành đối thủ chính trị của nhau và đối thủ ở hai bên chiến tuyến chính trị quyền lực khi xưa lại trở thành đồng minh của nhau. Cái luẩn quẩn ấy chẳng phải là hài kịch chính trị độc đáo và đặc sắc chưa từng thấy có trong lịch sử Sri Lanka hay sao?

Ở đời thường cũng như trên chính trường, trở thành bạn của nhau hay biến thành thù với nhau đều luôn không phải là ngẫu nhiên và đột ngột mà phải có nguyên do sâu xa và quá trình dài.

Khi xưa, khát vọng quyền lực đã đưa đẩy vị tổng thống đương nhiệm và vị thủ tướng vừa bị phế truất kia đến chỗ trở thành cùng hội cùng thuyền với nhau, giành quyền từ tay ông Rajapaksa và cùng nhau trị vì xứ Sri Lanka. Bây giờ, lợi ích - mà lại còn là lợi ích có liên quan đến đối tác bên ngoài - đã phân rẽ cặp bài trùng này và đã gắn kết hai cừu thù chính trị thời trước thành liên minh quyền lực mới ở Sri Lanka.

Để có thể dễ dàng hiểu được hài kịch chính trị này và trả lời được câu hỏi cuộc huynh đệ tương tàn hiện tại ở nơi đây là do đâu và vì ai thì phải trở về với thời trước trong quá khứ lịch sử.

Trên cương vị tổng thống Sri Lanka từ 2005 đến 2015, ông Rajapaksa trị vì đất nước với bàn tay sắt, dùng vũ lực quân sự để tiêu diệt lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil và lựa chọn chính sách "thân Trung sơ Ấn".

Trong khi ấy, cả ông Sirisena lẫn ông Wickremesinghe đều ngược lại, tức là chủ trương thiên lệch hơn về phía Ấn Độ và xa cách Trung Quốc.

Thời ông Rajapaksa làm Tổng thống Sri Lanka là thời hoàng kim của mối quan hệ giữa nước này với Trung Quốc, trong khi cho tới trước đó Sri Lanka ở trong tầm ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ. Nhiều dự án hợp tác giữa Sri Lanka và Trung Quốc được ký kết và quá trình đưa Sri Lanka sa vào cái gọi là "bẫy nợ" của Trung Quốc cũng bắt đầu từ đấy.

Nhưng để thật sự công bằng và khách quan thì phải xác nhận luôn và ngay từ đây là thoả thuận cho Trung Quốc sử dụng hải cảng 99 năm - thời gian dài như thời gian thực dân Anh từng đã được thuê sử dụng Hồng Kông - lại được ký kết bởi người kế nhiệm.

Khi tranh cử tổng thống cũng như ở thời kỳ ban đầu cầm quyền, ông Sirisena chủ trương ngả về phía Ấn Độ chứ không như ông Rajapaksa và sự thay đổi chính phủ ở nước này được nhìn nhận đồng thời là thắng lợi của Ấn Độ và thất bại của Trung Quốc.

Huynh đệ tương tàn

Bây giờ, chỉ cần nhìn vào việc ông Sirisena tan phe với người thân Ấn Độ chứ không thân Trung Quốc và sử dụng lại người vốn luôn thân Trung Quốc và không thân Ấn Độ thì có thể thấy được ngay cội nguồn của cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại ở Sri Lanka, nếu thể hiện theo cách khác thì có thể nói là Trung Quốc đã xoay chuyển được tình thế, đã lật ngược được thế cờ và đã thắng.

Xem ra, Ấn Độ thua trận này - cho tới thời điểm hiện tại vì thật ra chuyện chưa đến hồi kết - vì chủ quan và vì không thể "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" được như Trung Quốc ở Sri Lanka.

Trung Quốc cài người thì Ấn Độ cũng cắm quân ở chính trường Sri Lanka. Trung Quốc có được hải cảng thì Ấn Độ cũng tìm cách thuê một sân bay lớn nhưng gần như không hoạt động làm "căn cứ" và "đối trọng" ở Sri Lanka nhưng không thành công.

Khủng hoảng chính trị ở Sri Lanka: Huynh đệ tương tàn vì đâu và vì ai? - Ảnh 3.

Trung Quốc xoay chuyển được tình thế sau 3 năm nhưng giờ Ấn Độ cần nhiều thời gian hơn thế rất nhiều mà hiện chưa thể dám chắc có thành công được nữa hay không. Xem ra, Ấn Độ có vẻ đã quá tự tin nên đã quá chủ quan về Trung Quốc.

Nếu không rút ra được từ Sri Lanka bài học đắt giá thì Ấn Độ rồi đây sẽ tiếp tục trả giá và trả giá còn đắt hơn ở quần đảo Maldives.

Bi kịch đối với Ấn Độ nhưng cũng còn đối với cả chính Sri Lanka. Phe ông Wickremesinghe hiện chiếm đa số trong quốc hội nên tổng thống lẽ ra không được phế truất thủ tướng này.

Bằng chiêu thức ngừng hoạt động của quốc hội cho tới ngày 16.11 này, ông Sirisena chủ ý có thời gian vận động và tập hợp được đủ đa số dân biểu cho việc phế truất một cách hợp pháp hợp hiến thủ tướng.

Nguy cơ bùng phát bạo lực giữa lực lượng ủng hộ các phe phái ngày càng tăng và chỉ cần chuyện đấu tranh quyền lực kia lan cả ra đường phố thì hậu quả và hệ luỵ thật nghiêm trọng, không thể lường hết được.

Những khi huynh đệ trong nhà tương tàn thì chỉ kẻ ngoại tộc được lợi, trong cuộc sống của con người cũng như trong chính trị và quan hệ giữa các quốc gia.

(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại