Khủng hoảng Boeing ngày càng tồi tệ hơn

Kim Nguyên |

Hai vụ tai nạn máy bay cùng dòng Max của hãng hàng không Ethiopian và Lion Air chỉ trong vòng năm tháng đã làm cho Công ty chế tạo máy bay Boeing phải lâm vào tâm bão trên đủ các phương diện chính trị, pháp lý và tài chính. Sự nổi tiếng về độ an toàn cũng bị đặt nghi vấn.

Trang Bloomberg cho biết, việc sửa chữa hệ thống điều khiển chuyến bay, một yếu tố gây tai nạn trong cả hai vụ rơi máy bay, đang mất nhiều thời gian hơn dự kiến trong bối cảnh bị kiểm soát gắt gao. Thêm vào đó, Boeing không thể giao hàng mà không hoàn thiện hệ thống này.

Vì vậy, gã khổng lồ hàng không Boeing đã tuyên bố vào cuối ngày 5-4 rằng sẽ cắt giảm sản lượng dòng máy bay Max xuống còn 42 chiếc mỗi tháng, thay cho mức hiện tại là 52 chiếc.

Trước đó, Boeing đã lên kế hoạch tăng sản lượng dòng máy bay Max lên 57 chiếc mỗi tháng, các nhà cung cấp đã chuẩn bị thuê thêm nhân viên và mở rộng phạm vi hoạt động.

Boeing có kế hoạch hợp tác với các nhà cung cấp để giảm bớt tác động tài chính từ sự cắt giảm này. Các bên đối tác như Công ty Spirit AeroSystems Holdings và CFM International, Công ty General Electric và Safran SA cho biết họ có ý định duy trì tốc độ sản xuất hiện tại.

Nhưng không rõ Boeing sẽ làm gì với số hàng tồn kho đó. Thời gian bị “đắp chiếu” càng kéo dài thì nguy cơ mất doanh thu càng cao.

Các khiếu nại liên quan đến thiệt hại trong hai vụ rơi máy bay đang gia tăng. Ông Ralph Nader , người có cháu gái thiệt mạng trong vụ tai nạn của hãng hàng không Ethiopian kêu gọi thu hồi dòng máy bay Max.

Bên cạnh đó, hãng hàng không Ethiopian cho biết hôm 5-4 rằng họ đang cân nhắc lại kế hoạch mua thêm 25 chiếc máy bay Max vì nỗi “ám ảnh” liên quan đến dòng máy bay này.

Hãng hàng không PT Garuda Indonesia đã bắt đầu các bước để hủy đơn hàng trị giá 4,8 tỷ USD vì khách hàng của họ không tin tưởng vào máy bay Max.

Trong tuần này, các nhà điều tra cho biết, các phi công trên chuyến bay của hãng hàng không Ethiopian đã cố gắng làm theo quy trình vô hiệu hóa hệ thống điều khiển chuyến bay mà Boeing đã đặt ra sau vụ tai nạn của Lion Air.

Tuy nhiên, các phi công đã không thể lấy lại sự kiểm soát. Điều đó cho thấy quy trình trên không đơn giản như Boeing đã làm và dường như lỗi là do chính máy bay không thể bay được.

Báo cáo của các nhà điều tra như là một “cái tát” vào Công ty Boeing vì đã không phản ứng thích đáng với các sự cố và dường như chống lại hàm ý rằng thiết kế hoặc quy trình cất cánh bị sai sót.

Giám đốc điều hành Boeing Dennis Muilenburg đã cố gắng thể hiện trách nhiệm trong một video phát hôm 4-4, xin lỗi về những đau thương và mất mát mà các vụ tai nạn đã gây ra, đồng thời mô tả các vụ tai nạn là kết quả của một chuỗi sự kiện. Các khuyến nghị ban đầu của Boeing là không đủ, nhưng chỉ thừa nhận rằng sai sót trong việc kích hoạt phần mềm chỉ là một yếu tố bên cạnh “vô vàn” những yếu tố khác.

Công ty Boeing cho biết vào đầu tuần này rằng còn vài tuần nữa, bản cập nhật phần mềm có thể được đệ trình lên Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) để phê duyệt. Tuy nhiên, điều này hơi khó xử vì trước đó Boeing đã bán bản sửa lỗi và nói rằng họ sẽ có giấy tờ cuối cùng của FAA vào ngày 29-3!?

Rõ ràng, Boeing nên chắc chắn rằng họ đã giải quyết được tất cả vấn đề trong thời gian này. Công ty đã báo cáo phát hiện ra một vấn đề trong việc tích hợp sửa chữa với phần mềm điều kiển chuyến bay hiện có trong lần kiểm tra cuối cùng.

Điều này nhấn mạnh sự thật rằng đây là một quá trình không thể vội vàng, đặc biệt là khi các cơ quan quản lý quốc tế cảm thấy buộc phải nghi ngờ các đánh giá an toàn của FAA và liệu tổ chức này có quá dễ dãi với Boeing trong việc phát hiện và ngăn chặn những vấn đề này trước thời hạn?

Các nhà đầu tư vào Boeing và các nhà cung cấp cũng nên bắt đầu thích ứng với khả năng chậm trễ lâu dài trước khi dòng máy bay Max cất cánh trở lại bầu trời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại