Khung giá đất, bảng giá đất mới tăng cao sẽ tác động thế nào đến thị trường BĐS?

Hạ Vy |

Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan kiến nghị sớm ban hành “Khung giá đất giai đoạn 2020-2024”, để từ đó các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương có căn cứ pháp luật và đủ thời gian xây dựng, ban hành bảng giá đất mới.

Theo đơn vị này, thời điểm ban hành tốt nhất vào khoảng giữa tháng 12. Nói về tác động của khung giá đất, bảng giá đất lên thị trường BĐS, đại diện HoREA cho rằng, khung giá đất tăng, kéo theo bảng giá đất tăng, từ đó nghĩa vụ tài chính của cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp tăng theo.

Điều cần đặc biệt quan tâm là cá nhân, hộ gia đình khi làm thủ tục hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở, nếu nghĩa vụ tài chính tăng cao, có thể dẫn đến một bộ phận người dân không làm thủ tục cấp “sổ đỏ”, dẫn đến giao dịch nhà đất bằng giấy tay, làm tăng “thị trường ngầm”.

Nhà nước vừa thất thu thuế, vừa khó quản lý, vừa dễ phát sinh tranh chấp trong xã hội.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết khung giá đất, bảng giá đất tác động đến giá cả thị trường BĐS. Bảng giá đất tăng sẽ kéo giá nhà ở sẽ tăng theo.

Khung giá đất, bảng giá đất mới tăng cao sẽ tác động thế nào đến thị trường BĐS? - Ảnh 1.

Ngoài ra, khung giá đất, bảng giá đất tác động trực tiếp đến quy mô giao dịch trên thị trường BĐS. Giá nhà đất tăng sẽ làm giảm quy mô tổng cầu có khả năng thanh toán do một bộ phận khách hàng không còn đủ khả năng tài chính để mua nhà.

Do vậy, có thể dẫn đến sụt giảm quy mô giao dịch trên thị trường BĐS, trước hết là đối với phân khúc thị trường BĐS cao cấp, condotel… và giảm quy mô thị trường đầu tư thứ cấp đang “rất nóng” hiện nay.

Bên cạnh đó, khung giá đất, bảng giá đất còn tác động đến môi trường đầu tư. Cụ thể, nếu khung giá đất, bảng giá đất có mức giá đất quá cao, sẽ tác động đẩy giá thị trường BĐS lên rất cao, đặc biệt là đẩy giá đất của các dự án (trên thị trường sơ cấp), tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp, các ngành kinh tế khác và môi trường đầu tư, kể cả trong việc thu hút dòng vốn FDI.

Chưa kể, khung giá đất, bảng giá đất tác động trực tiếp đến nguồn thu ngân sách của Nhà nước từ đất đai và thị trường BĐS. Hiện nay, nguồn thu ngân sách từ đất thường chiếm khoảng trên dưới 8% tổng nguồn thu ngân sách của địa phương.

“Nếu biên độ tăng giá trong khung giá đất, bảng giá đất quá lớn thì có thể dẫn đến việc tận thu.

Trước mắt, có thể làm cho nguồn thu ngân sách nhà nước tăng, nhưng về lâu dài có thể lợi bất cập hại, bởi vì có thể dẫn đến doanh nghiệp thu hẹp hơn quy mô sản xuất kinh doanh, người dân không làm được “sổ đỏ” dẫn đến giao dịch ngầm, mà hệ quả là có thể làm sụt giảm nguồn thu của Nhà nước”, ông Châu nhấn mạnh.

Theo đại diện HoREA, có ý kiến cho rằng việc tăng khung giá đất, bảng giá đất sẽ giúp cho cá nhân, hộ gia đình được nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cao hơn, khi Nhà nước thu hồi đất.

Ý kiến này chưa thật chính xác, bởi lẽ công tác tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo 05 phương pháp định “giá đất cụ thể”, theo quy định tại Khoản (4.đ) Điều 114 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định 44/2014/NĐ-CP, còn “Bảng giá đất” được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 114 Luật Đất đai.

“Tôi đề xuất 2 phương án, một là, đề nghị Chính phủ xem xét, ban hành Khung giá đất giai đoạn 2020-2024 trên cơ sở giữ nguyên mức giá của Khung giá đất giai đoạn 2014-2019.

Hai là, trong trường hợp buộc phải tăng mức giá của Khung giá đất giai đoạn 2020-2024, Hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét quyết định mức giá chỉ tăng khoảng 15% để không tác động nhiều đến môi trường thu hút đầu tư và nghĩa vụ của các cá nhân, hộ gia đình”, ông Châu nêu đề xuất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại