Khủng bố Pháp: "Cỗ máy giết người" 19 tấn và hàng rào an ninh

Thi Anh |

1.400 camera, 120 cảnh sát cùng binh lính không đủ để bảo vệ 30.000 người khi một phương tiện thường ngày trở thành vũ khí.

Mặc dù đã thiết lập tình trạng an ninh khẩn cấp sau 2 vụ tấn công khủng bố gần đây, giới chức Pháp vẫn phải đối mặt với nhiều chỉ trích, rằng họ đáng ra nên nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo vệ một trong những "mục tiêu mềm".

Đó là Promenade des Anglais - đường đi bộ ven biển tại Nice, nơi 30.000 con người đã tới để ăn mừng nhân ngày Quốc khánh. Lễ kỷ niệm đã biến thành thảm kịch kinh hoàng sau khi một chiếc xe tải chạy với vận tốc lớn lao vào khu vực này.

 Theo Bộ Nội vụ Pháp, 1.400 camera an ninh và hơn 120 nhân viên cảnh sát cùng binh lính đã được triển khai ở khu vực lễ hội. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, số lượng ấy là không đủ để bảo vệ con đường trải dài quanh bờ biển.

Để phục vụ cho sự kiện, các phương tiện giao thông bị cấm đi vào Promenade des Anglais. Thế mà, kẻ tấn công lại có thể lái một chiếc xe tải 19 tấn qua các chốt kiểm soát và rào chắn, di chuyển được 2km qua đám đông, và khiến 84 người thiệt mạng trước khi bị bắn hạ.

Khủng bố Pháp: Cỗ máy giết người 19 tấn và hàng rào an ninh - Ảnh 1.

Lộ trình của chiếc xe.

Những vụ tấn công trước đây đã bộc lộ điểm yếu của châu Âu trước các nhóm cực đoan. Và vụ việc vừa rồi tại Nice lại cho thấy một khó khăn nữa trong công tác chống khủng bố, khi một phương tiện thường ngày trở thành một "cỗ máy giết người".

Christian Estrosi, thành viên Đảng đối lập cho biết, ông đã yêu cầu tăng cường cảnh sát tại Nice trước buổi bắn pháo hoa nhưng người ta lại cho rằng không cần thiết.

Theo lời Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve, các phương tiện của cảnh sát đã chắn lối vào đường đi bộ nhưng chiếc xe tải đã trực tiếp lao lên vỉa hè.

"Cuộc tấn công này là một trong những vụ việc không thể ngăn chặn được", Charles Heyman, nhà phân tích quân sự nhận định: Đây là một vụ tấn công đơn lẻ kiểu "sói cô độc" mà xã hội nào cũng có nguy cơ gặp phải.

Nhưng ông Heyman cũng phải thừa nhận, bố trí hơn 100 cảnh sát và binh lính thì "có vẻ ít" để bảo vệ 30.000 người. "Tôi nghĩ phải có ít nhất 200 người, cùng với lực lượng dự bị".

Tên lái xe, Mohamed Bouhleh, 31 tuổi, người Tuynisia, có vài tiền án vặt vãnh nhưng không nằm trong danh sách đối tượng cực đoan bị theo dõi.

Michel Thooris, thuộc liên đoàn Cảnh sát Hành động cho rằng: sơ hở trong việc thiết lập tình trạng khẩn cấp là nguyên nhân dẫn tới thảm kịch: "Hiện nay, tình trạng khẩn cấp được sử dụng như một công cụ truyền thông, chứ không phải công cụ chống khủng bố".

Dù động cơ chưa được làm rõ, nhưng theo giới phân tích, lỗi thuộc về Chính phủ. Giới chức Pháp đã không đề cao cảnh giác.

"Đã ở trong tình trạng khẩn cấp, thì đáng ra chúng tôi không nên tổ chức các hoạt động tụ tập như bắn pháo hoa. Chúng tôi đã quên mất. Chúng tôi đã quên vì Euro diễn ra quá tốt đẹp", Nghị sĩ Nathalie Goulet nói.

Các thông tin mới nhất liên quan tới vụ khủng bố ở Nice.

- Có 84 người thiệt mạng, trong đó 49 người vẫn chưa được xác định danh tính.

- Hơn 200 người bị thương, trong đó 85 người vẫn đang nằm viện và 18 người trong số này ở trong tình trạng nguy kịch.

- Giới chức Pháp vẫn đang tiến hành điều tra vụ việc.

- Tổng thống Pháp Francois Hollande đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 3 tháng.

- Pháp đã bắt giữ thêm 2 người, bị nghi là có liên quan tới vụ tấn công.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại