Khủng bố kinh hoàng tại Ai Cập và những mối nguy hiện hữu

Ngọc Thạch |

Vụ tấn công kinh hoàng hôm 24/11 vừa qua cho thấy Ai Cập đang ngày càng phải đối mặt mối nguy hiểm của làn sóng khủng bố lan rộng.

Theo con số thống kê mới nhất, vụ khủng bố đẫm máu tại Ai Cập đã cướp đi sinh mạng của 305 dân thường vô tội và làm hơn 128 người bị thương trong ngày cầu nguyện thứ 6 tại một nhà thờ Hồi giáo.

 Những con số này đủ nói lên sự mất mát, đau thương đối với người dân Ai Cập và cũng cho thấy mối nguy về an ninh tại quốc gia này càng lúc càng đáng báo động.

Sau vụ khủng bố kinh hoàng vừa qua, Ai Cập đã nhận được sự ủng hộ về chính trị của cộng đồng quốc tế đối với chiến dịch chống khủng bố, song nếu không có những bước đi hiệu quả thì nước này dễ trở thành cái nôi mới, chủ nghĩa khủng bố.

Trước hết phải nói rằng trong các thập niên 1980, 1990 và 2000 đã xảy ra nhiều vụ tấn công khủng bố tại Ai Cập. Tuy nhiên, kể từ sau Mùa xuân Ả-rập các nước trong khu vực Trung Đông bất ổn hơn, khủng bố lan rộng và Ai Cập cũng là một trong những nước chịu ảnh hưởng của khủng bố.

Theo số liệu của Cơ quan nghiên cứu Ả Rập và Khu vực - Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Al-Ahram (Ai Cập) ba năm (2014/2015/2016) số lượng các hoạt động khủng bố lên tới 1165 vụ, trong đó có tới 88% số vụ xảy ra ở bắc Sinai và năm 2015 xảy ra nhiều nhất.

Theo các chuyên gia phân tích thì vụ tấn công hôm 24/11 này được coi là vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử Ai Cập về số lượng thương vong và vượt qua con số 224 người thiệt mạng trong vụ tấn công máy bay chở khách của bố Nga ở Sharm el-Sheikh trong tháng 10 năm 2015. Đây là vụ tấn công khủng bố lớn thứ hai về mặt số lượng nạn nhân, ở cấp độ thế giới từ đầu năm đến nay.

Dù chính quyền Ai Cập đã tăng cường an ninh chặt chẽ, kiểm tra gắt gao nhất là tại các mục tiêu trọng yếu như: cơ quan nhà nước, trụ sở an ninh, quân đội, cơ quan ngoại giao và các điểm du lịch, cũng như thực hiện nhiều chiến dịch truy quét khủng bố ở sinai. Tình trạng khẩn cấp cũng được ban bố.

Nhưng những gì đang xảy ra cho thấy, Ai Cập đang ngày càng phải đối mặt mối nguy hiểm của làn sóng khủng bố lan rộng kể từ sau Mùa xuân Ả-rập. Đáng chú ý là các vụ tấn công không chỉ nhằm vào lực lượng an ninh, cảnh sát, nhà thờ Coptic như trước mà chuyển sang các mục tiêu dân sự và nhà thờ Hồi giáo. Hình thức tấn công ngày càng trở nên mạnh động, cực đoan với nhiều hình thức phổ biến như đánh bom tự sát, tấn công trực diện bằng súng máy, đánh bom xe.

Việc chọn mục tiêu dân sự và nhà thờ của người Hồi giáo đã cho thấy hoạt động của bọn khủng bố đã ở mức đáng lo ngại đe dọa đến sự bình yên của tất cả người dân Ai Cập yêu chuộng hòa bình.

Những mất mát về nhân mạng sau vụ khủng bố đẫm máu vừa qua sẽ là cơ sở quan trọng để chính quyền của Tổng thống El Sisi có thể nhìn nhận lại tình hình an ninh của đất nước mình một cách xác đáng nhất, để từ đó đề ra cá biện pháp an ninh phù hợp, hiệu quả trong đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố.

Có thể thấy, trên bình diện khu vực thì Mùa xuân Ả-rập đã để lại hậu quả nặng nề cho các nước mà nó quét qua như Syria và Lybia với các cuộc nội chiến, xung đột nội bộ, khủng hoảng chính trị. Nhưng với Ai Cập có thể nói là trụ vững và thành công khi không bị cuốn vào vòng xoáy xung đột, bạo lực và nội chiến như các nước trên.

Kể từ khi lên làm Tổng thống năm 2014 tới nay ông El Si-si đã có nhiều quyết sách được dư luận quốc tế và khu vực ủng hộ, đánh giá cao nhất là trong việc giữ vững ổn định chính trị, an ninh và ngăn chặn khủng bố. Bằng chứng là du lịch tăng cả về số lượng khách và doanh thu, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Ai Cập, lượng tàu hàng qua kênh đào Suez tăng, nhiều tổ chức tài chính quốc tế, các nhà tài trợ đã cho Ai Cập vay vốn hoặc vay ODA.

Tuy nhiên cuộc chiến chống khủng bố chưa bao giờ là khốc liệt và khó khăn, nhất là trong bối cảnh khu vực Trung Đông nhiều bất ổn như hiện nay. Đó là chưa kể tới các hành động khủng bố ngày càng tàn ác bất chấp nhân tính, khó lường.

Trong bối cảnh đó, chính quyền của Tổng thống El Si-si rất quan tâm và chú trọng tới an ninh, chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. Ai Cập có sức mạnh về lực lượng an ninh, quân sự và vũ khí để chiến đấu chống khủng bố. Ai Cập đã tăng cường củng cố lực lượng an ninh, quân đội, thực hiện các chiến dịch chống và truy quét khủng bố trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, Ai Cập đã và đang tích cực hợp tác khu vực, toàn cầu và đoàn kết quốc tế trong cuộc chiến này. Ai Cập còn là thành viên chủ chốt trong liên minh quốc tế chống IS, đồng thời đã đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chống khủng bố. Nước này cũng đã đề xuất một số sáng kiến thúc đẩy hợp tác quốc tế và phối hợp trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và đối phó với những gốc rễ của hiện tượng cực đoan.

Trong tuyên bố sau vụ tấn công hôm 24/11 vừa qua, Tổng thống Ai Cập El Si-si khẳng định rằng quyết tâm đạt được thành công trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời nhấn mạnh quân đội, cảnh sát sẽ đáp trả mạnh mẽ đối với các hành động khủng bố. Vụ tấn công càng làm cho Ai Cập quyết tâm hơn, vững chắc và mạnh mẽ hơn.

Bất luận là nhóm các nhân hay tổ chức nào gây ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng vào nhà thờ Hồi giáo tại Sinai, Ai Cập hôm 24/11 vừa qua thì dự luận Ai Cập và cộng đồng quốc tế đều kịch liệt lên án và bày tỏ sự phẫn nộ.

Dù chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm nhưng theo các chuyên gia phân tích thì chi nhánh “tổ chức Nhà nước IS ở Sinai” có thể đứng đằng sau vụ tấn công đẫm máu này.

Các chuyên gia cho rằng, IS thời gian qua đã thất bại và đang bị đánh bật khỏi Syria, Iraq có thể sẽ chạy sang ẩn trốn ở Ai Cập, Lybia hay Yemen và một số nước trong khu vực.

Theo các chuyên gia, vụ tấn công tàn bạo vào nhà thờ Hồi giáo có thể do chi nhánh IS ở Sinai đang muốn tạo tiếng vang, thu hút sự ủng hộ tài chính, cũng như thu hút những phần tử khủng bố chạy trốn từ Iraq và Syria. Mục tiêu tấn công là nhà thờ Hồi giáo cũng cho thấy một chiến thuật mới của những kẻ khủng bố ở Sinai nói riêng và Ai Cập nói chung. Điều này cũng cho thấy, các phần tử khủng bố có thể tấn công vào bất cứ nơi nào, bao gồm cả các mục tiêu dân sự và tôn giáo.

Khó khăn nhất trong cuộc chiến này chính là phát hiện kẻ khủng bố, kẻ chủ mưu, mạng lưới khủng bố, nhưng khó hơn cả đó là những kẻ khủng bố, cực đoan ẩn nấu trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là những tên cực đoan, tội phạm bị lôi kéo, kích động và mua chuộc.

Cùng với việc đối đầu trực tiếp trong cuộc chiến này bằng các biện pháp tăng cường an ninh, kiểm tra, giám sát thì chính quyền Ai Cập đặc biệt chú trọng giáo dục tư tưởng tầng lớp thanh niên, chống những suy nghĩ cực đoan, ngăn chặn triệt để các nguồn tài trợ khủng bố, cũng như kiểm soát khu vực biên giới, chống nhập cư bất hợp pháp, xâm nhập qua biên giới.

Mối lo khủng bố không còn chỉ của Ai Cập mà là của tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới đòi hỏi cần có sự hợp tác, đoàn kết giữa các nước trên phạm vi toàn cầu trong cuộc chiến chống khủng bố./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại