Khu phi quân sự biên giới liên Triều có thể trở thành khu hòa bình quốc tế?

Phương Anh |

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề xuất chuyển Khu phi quân sự (DMZ), chia đôi bán đảo Triều Tiên, thành khu vực hòa bình quốc tế với sự giúp đỡ của LHQ.

Ông Moon đưa ra ý tưởng trong khi phát biểu hôm 24/9 tại phiên họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York. DMZ, cắt ngang bán đảo Triều Tiên, là một "vùng xanh khổng lồ" trải dài 250 km từ Đông sang Tây và kéo dài 4 km từ Bắc xuống Nam.

Ông Moon hy vọng khu vực kết nối làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn Điếm) và Kaesong, một thị trấn biên giới của Triều Tiên , trở thành "Khu vực hòa bình và hợp tác".

"Nếu DMZ có các văn phòng của Liên hợp quốc đóng tại liên Triều và các tổ chức quốc tế khác liên quan đến hòa bình, sinh thái và văn hóa và nổi lên như một trung tâm nghiên cứu về hòa bình, gìn giữ hòa bình, kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin, nó có thể trở thành một khu vực hòa bình quốc tế từ cái tên đến thực chất" - Tổng thống Hàn Quốc nói.

Một khi hòa bình được thiết lập giữa liên Triều, ông Moon nói thêm, chính phủ của ông sẽ hợp tác với Triều Tiên để DMZ trở thành Di sản Thế giới của UNESCO.

Trong hội nghị thượng đỉnh lịch sử ngày 27/4/2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc đồng ý biến DMZ thành một khu vực hòa bình bằng cách ngừng mọi hành động thù địch và loại bỏ các phương tiện như truyền phát qua loa phóng thanh và tờ rơi.

Theo báo Hàn Yonhap, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang tìm kiếm sự tham gia của Mỹ vào tiến trình hòa bình và một cách tiếp cận có hệ thống để cung cấp cho Triều Tiên những đảm bảo an ninh, được hỗ trợ bởi cộng đồng quốc tế. Đối với Bình Nhưỡng, bảo đảm an ninh là một động lực chính trị lớn để đổi lấy phi hạt nhân hóa.

Hiện tại khu vực này đang có khoảng 380.000 quả mìn và dự kiến sẽ phải mất 15 năm để quân đội Hàn Quốc có thể tháo gỡ chúng. Tuy nhiên, khi hợp tác với cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Liên hợp quốc, sẽ không chỉ đảm bảo tính minh bạch và ổn định của hoạt động rà phá bom mìn, mà còn ngay lập tức biến khu phi quân sự thành một khu vực hợp tác quốc tế.

"Việc thành lập một khu vực hòa bình quốc tế sẽ mang lại sự đảm bảo về mặt thể chế và thực tế cho an ninh của Triều Tiên", ông Moon nói. Một quan chức Triều Tiên được nhìn thấy có mặt tại Hội trường Đại hội đồng và nghe bài phát biểu của ông Moon. Bình Nhưỡng không cử bất kỳ phái đoàn cấp cao nào tới phiên họp năm nay.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng và Washington dự kiến sẽ bắt đầu nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân vào đầu tháng 10. Tổng thống Moon và Tổng thống Trump đã có cuộc hội đàm thượng đỉnh và trao đổi về cách tạo ra một thỏa thuận quan trọng trong các cuộc đàm phán cấp độ làm việc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại