Một bộ phim tài liệu của tờ South China Morning Post phát hành vào ngày 19/3/2023 đã cho công chúng một cái nhìn cận cảnh về khu ổ chuột Kamagasaki, Osaka. Đây là nơi chứa đầy những “jouhatsu-sha” hay “người bốc hơi”. Họ là những cư dân từng sống khắp nơi ở Nhật Bản, giờ đây chọn bỏ lại mọi thứ, giũ bỏ quá khứ và mưu cầu một cuộc đời không ai biết đến.
Biến mất vì cuộc sống quá áp lực
Vào năm 2021, có khoảng 80.000 người bị báo là mất tích ở Nhật Bản, theo Statista. Nhiều người chọn cách biến mất vì nợ nần, để trốn tránh nghĩa vụ và trách nhiệm cuộc sống, hoặc chỉ để tìm một chỗ trốn và thiết lập lại cuộc sống của mình. Họ cắt đứt với cuộc đời theo đúng nghĩa đen, không giữ bất kỳ liên lạc nào với gia đình, bạn bè, thay tên họ để không ai tìm ra.
Những người ở đây đều trong tình trạng sống vô định hướng
Một người “bốc hơi” có tên Masashi Tanaka, 49 tuổi, cho biết anh chọn cách biến mất sau khi bị mẹ bạo hành. Vào ngày bộ phim tài liệu được bấm máy, anh cũng vừa mãn hạn tù vì tội ma túy.
Anh nhớ lại, khi mình vào tù lần đầu, mẹ anh cự tuyệt: “Với mẹ thì mày đã chết rồi, đừng có viết thư cho mẹ làm gì”. Tanaka làm đúng theo những gì bà dặn, anh ra tù và dọn đến Kamagasaki sống một mình.
Kamagasaki, còn được gọi là Airin Chiku, là một khu vực ở Osaka cung cấp nhiều chỗ ở giá rẻ và công việc lao động tay chân thu nhập thấp. Một khách sạn có thể có giá thuê 15 đô (352.000 VND) một đêm.
Khu ổ chuột này được coi là một “thị trường” tốt để người chủ tìm được những nguồn nhân lực sẵn sàng chấp nhận công việc thu nhập thấp nhất. Hiện người ta chưa thống kê chính xác số người đang sống tại khu ổ chuột, nhưng từ năm 2008 thì số người sống tại đây đã rơi vào 25.000 người, trong đó 1.300 là vô gia cư. Điều đáng buồn, đa số trong đó là người già. Có nhiều người đứng ở bên đường với hy vọng được nhận thuê những công việc lặt vặt.
Tokyo sầm uất cũng có một khu ổ chuột tương tự tên là Sanya. Người lao động và người vô gia cư thường lui tới để tìm việc. Sanya thì có một lịch sử đầy biến động. Trong thời kỳ Edo (1603-1868), nhóm lao động nghèo phải nương nhờ khu nhà trọ kichinyado giá rẻ của vùng Sanya. Sau này khu vực này trở thành nơi cư trú của những người mất nhà cửa vì chiến tranh.
Ngày nay bạn sẽ không tìm thấy Sanya trên bản đồ. Năm 1966, chính phủ ra lệnh xóa tên Sanya khỏi các văn bản chính thức, khu vực được chia thành 2 quận, Kiyokawa và Zutsumi. Đây được coi là một nỗ lực để người ta không còn nhắc đến Sanya như một khu vực nghèo đói, tràn ngập bạo lực, dân lao động nghèo hay những kẻ nghiện rượu.
Chấp nhận một danh tính khác
Nhiều người sống ở Kamagasaki thay tên đổi họ để sống cuộc đời mới, lịch sử dường như đã bị chấm dứt ngay giây phút họ tới đây. Thuận lợi là, xã hội Nhật lại tạo điều kiện để họ dễ sống ẩn danh và che giấu bản thân mình. Họ thậm chí có thể đi rút tiền từ máy ATM mà không sợ bị phát hiện. Điều này, theo nhà xã hội học Hiroki Nakamori, là bởi quyền riêng tư được đánh giá cao ở Nhật.
“Cảnh sát sẽ không can thiệp trừ khi có lý do đặc biệt như phạm tội hoặc gây tai nạn. Nếu muốn tìm người thân thì gia đình phải trả nhiều tiền để thuê thám tử tư. Hoặc họ phải chờ đợi người thân quay về. Không còn cách nào khác”, Nakamori nói với BBC.
Một người đàn ông tên Kodama, 64 tuổi, kể rằng ông bỏ nhà đi năm 27 tuổi và mang theo “rất ít tiền”, chỉ đủ tiền mua vé tàu. Ông bị cho thôi việc và tìm đến Osaka tìm việc mới. Kodama đã không gặp gia đình mình trong hơn 35 năm qua.
“Nếu tôi quay lại, sẽ rất khó xử cho mọi người. Vì vậy, tôi sẽ rời đi và sống một mình. Tôi mệt mỏi với cuộc đời lắm, nhưng không đủ dũng cảm để tự sát”, Kodama ngậm ngùi.
Nguồn: Guardian, Insider