Khu kỳ lầu lớn nhất còn sót lại của Trung Quốc: Nơi công chúa nhà Thanh từng mưu sinh

Thi Anh |

Phố cổ Kỳ Lầu là 1 trong 10 địa điểm đầu tiên được chính phủ Trung Quốc công nhận là "Con đường Lịch sử - Văn hóa Nổi tiếng Trung Quốc".

Dãy phố kéo dài với muôn hình vạn trạng cửa sổ vòm bán nguyệt trên những ban công cổ kính liền kề, bên dưới là trụ đỡ tạo thành hành lang thoáng gió. Những mảng tường trắng vương dấu vết thời gian. Đây đó lô nhô những mái nhà thấp tầng lợp ngói xám của những căn nhà ống kiểu cũ, mà đôi khi bước vào bên trong là lọt vào một mảng sân hiên mát rượi - phía góc sân, tường vi trổ từng chùm hoa màu hồng nhạt. Từ một ô cửa nào đó len lỏi vọng ra tiếng hí khúc giữa buổi trưa hè.

Phố cổ Kỳ Lầu ở Hải Khẩu (Hải Nam, Trung Quốc) vẫn còn đó hình bóng của một thời thương cảng sầm uất đầu thế kỷ trước, mặc dù xung quanh đã là những đại lộ lớn tấp nập xe cộ với đèn đường chạy bằng năng lượng mặt trời, những cao ốc hiện đại lắp kính sáng loáng khắp mặt tiền và những chiếc du thuyền hạng sang dập dìu ngoài bến cảng.

Khu kỳ lầu lớn nhất còn sót lại của Trung Quốc: Nơi công chúa nhà Thanh từng mưu sinh- Ảnh 1.

Phố cổ Kỳ Lầu ở Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Thanh Phạm

Với hơn 600 tòa nhà cổ nằm dọc theo 30 con đường lớn nhỏ tỏa lạc trên một diện tích rộng hơn 2,5 hecta, đây là khu kỳ lầu (phố buôn bán) lớn nhất còn sót lại được Trung Quốc bảo tồn.

Phần lớn được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 (từ khoảng những năm 20 đến những năm 40 của thế kỷ trước), các tòa nhà này có phần ban công đua ra liền kề, tạo thành hành lang có mái che tự nhiên cho người đi bộ, lầu dưới để làm ăn buôn bán, lầu trên để ở.

Khu kỳ lầu lớn nhất còn sót lại của Trung Quốc: Nơi công chúa nhà Thanh từng mưu sinh- Ảnh 2.
Khu kỳ lầu lớn nhất còn sót lại của Trung Quốc: Nơi công chúa nhà Thanh từng mưu sinh- Ảnh 3.

Đặc trưng kiến trúc của phố cổ Kỳ Lầu: Lầu một để buôn bán, lầu trên để ở. Ảnh: Thanh Phạm

Kiến trúc kỳ lầu ở Hải Khẩu là kết quả của làn sóng Hoa Kiều trở về xây dựng thành phố mới sau 2-3 thế hệ bôn ba khắp nơi. Đó có lẽ là lý do tạo nên sự pha trộn trong kiến trúc kỳ lầu đặc trưng của nơi này.

"Các tòa nhà ở đây được kết hợp từ 3 phong cách kiến trúc khác nhau. Thứ nhất là từ phong cách Baroque, khiến cho các tòa nhà vừa có nét Âu, vừa có nét Á. Thứ hai là từ phong cách Phục hưng. Thứ ba là từ phong cách Đông Nam Á", chị Peng Wang, chuyên viên Cơ quan Công nghiệp Văn hóa Phố cổ Kỳ Lầu, Hải Khẩu cho biết.

"Người Hoa Kiều giai đoạn đó đã quyết định xây các tòa kỳ lầu kiểu mới để khắc họa những nét kiến trúc đẹp đẽ mà họ bắt gặp khắp Nam Dương", nhà lịch sử học Hải Nam Cai Pa chia sẻ với SCMP.

Khu kỳ lầu lớn nhất còn sót lại của Trung Quốc: Nơi công chúa nhà Thanh từng mưu sinh- Ảnh 4.
Khu kỳ lầu lớn nhất còn sót lại của Trung Quốc: Nơi công chúa nhà Thanh từng mưu sinh- Ảnh 5.

Phố cổ Kỳ Lầu là kết quả của làn sóng Hoa Kiều trở về xây dựng thành phố mới hồi những năm 1920. Ảnh: Thanh Phạm

Phố cổ Kỳ Lầu: Nơi công chúa nhà Thanh từng ở

Sau Thế chiến II, các tòa kỳ lầu dần trở thành một phần lịch sử bị lãng quên của Hải Khẩu. Mãi đến năm 2000, khi thông tin thú vị về lịch sử khu vực này, cũng như những câu chuyện về chủ cũ và khách trọ tại các căn lầu được đăng thường kỳ trên tuần báo Hải Nam thì nó mới được chú ý tới.

Trong số các bài viết đăng trên tuần báo, có câu chuyện về một nhân vật đặc biệt - công chúa Heng-rong, một trong những nàng công chúa cuối cùng thuộc gia tộc Ái Tân Giác La thời nhà Thanh, Trung Quốc - em họ của vị hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi.

Năm 1921, công chúa Heng-rong kết hôn cùng Lin Shu-chun, một quan chức Hải Nam làm việc dưới trướng Tôn Trung Sơn. Khi ấy bà 16 tuổi. Sau khi Tôn Trung Sơn qua đời năm 1925, vợ chồng công chúa lưu lạc nhiều nơi rồi cuối cùng quyết định ở lại Hải Khẩu. Tại đó, họ bán nước tương và đồ ăn vặt Bắc Kinh để kiếm sống. Nơi họ ở chính là một căn trong phố cổ Kỳ Lầu.

Những câu chuyện như trên chính là thông tin đáng giá đóng góp vào quá trình phục dựng và tu bổ Kỳ Lầu.

Khu kỳ lầu lớn nhất còn sót lại của Trung Quốc: Nơi công chúa nhà Thanh từng mưu sinh- Ảnh 6.

Các tuyến đường bao quanh phố cổ vẫn tấp nập xe cộ và người dân làm ăn buôn bán. Ảnh: Thanh Phạm

Năm 2009, khu phố cổ trở thành 1 trong 10 địa điểm đầu tiên được chính phủ Trung Quốc công nhận là "Con đường Lịch sử - Văn hóa Nổi tiếng Trung Quốc". Một số đường phố ở Hải Khẩu, trong đó có đường Trung Sơn, được đưa vào dự án đầu tư sửa chữa.

Dự án tham khảo ảnh chụp cũ và thông tin từ tuần báo Hải Nam để phục vụ cho quá trình phục dựng. Công tác tôn tạo bắt đầu từ năm 2009 và kéo dài cho tới 2016 mới chính thức mở cửa đón khách. Một số căn phải tới 2015 mới được sửa chữa xong.

Phố cổ được tu bổ tỉ mỉ, nhiều tòa nhà đón người cư trú mới, khiến một khu vực từng bị quên lãng trở thành nơi tụ họp thời thượng cho cả người dân địa phương lẫn khách du lịch.

Hiện nay phố cổ Kỳ Lầu có tuyến phố đi bộ riêng với nhiều cửa hàng cửa hiệu bán đủ mọi thứ, từ trang sức ngọc trai cho tới đặc sản Hải Nam.

Các tuyến đường bao quanh vẫn tấp nập xe cộ và người dân làm ăn buôn bán, nhưng chỉ cần bước vào trung tâm phố cổ là mọi thanh âm ồn ã của đô thị như lùi lại phía sau, nhường chỗ cho sự tĩnh lặng hiếm hoi, khiến người ta có cảm giác như lạc vào một nơi bị thời gian bỏ quên.

Khu kỳ lầu lớn nhất còn sót lại của Trung Quốc: Nơi công chúa nhà Thanh từng mưu sinh- Ảnh 7.

Một góc tĩnh lặng ở phố cổ Kỳ Lầu. Ảnh: Thanh Phạm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại